(Tổ Quốc) - Một loại vật liệu xây dựng Việt Nam có công suất sản xuất lên tới 100 triệu tấn/năm, nằm trong 3 nước đứng đầu thế giới.
Cụ thể, theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, công suất sản lượng xi măng của Việt Nam đạt khoảng 100 triệu tấn, đứng thứ 3 thế giới. Trung Quốc là quốc gia có công suất sản xuất xi măng lớn nhất thế giới. 5 quốc gia có quy mô sản lượng xi măng lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Xi măng sử dụng các nguyên liệu thô gồm canxi, silic, sắt, và nhôm. Những thành phần này có trong đá vôi, đất sét và cát. Xi măng có hỗn hợp cát và đất sét với tỉ lệ nhỏ. Và đương nhiên trong cát và đất sét thì có thể đáp ứng nhu cầu về silic, sắt và nhôm.
Xi măng là thành phần vật liệu quan trọng trong các công trình xây dựng và là loại vật liệu được sử dụng rộng rãi. Xi măng có khả năng làm tăng độ bám chắc của bê tông, và đồng thời làm cho sỏi và cát kết dính hơn trong hỗn hợp bê tông. Nhờ ứng dụng của xi măng mà ngày càng có nhiều công trình được xây dựng kiên cố.
Hiện nay, xi măng là vật liệu chính để xây cầu, nhà, kênh, cống. Ngoài ra, xi măng còn có thể sử dụng để làm vữa chà ron gạch, đá mài, đá rửa hoặc là điêu khắc và tạo bê tông trang trí.
Từ năm 1997 đến nay, Chính phủ đã phê duyệt ban hành 4 Quy hoạch cho phát triển công nghiệp xi măng. Điển hình là sự điều chỉnh quy hoạch có tính bước ngoặt cho ngành xi măng Việt Nam là Quy hoạch số 108/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 đã mở ra một thời kỳ phát triển khá toàn diện cho ngành.
Từ năm 2010, lần đầu tiên Việt Nam tự sản xuất đủ clinker, xi măng phục phụ nhu cầu xây dựng trong nước. Từ đó, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu clinker, xi măng. Cùng với đó, Việt Nam hình thành những nhà máy sản xuất xi măng quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
Tại Tọa đàm khoa học về ""Giải pháp phát triển ngành xi măng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) khẳng định phải đưa ngành xi măng vào quy hoạch, nếu không có quy hoạch khi hàng loạt nhà máy xi măng ra đời sẽ nâng tổng công suất lên, gây chênh lệch nguồn cung và cầu.
Ngành xi măng không phải là ngành hàng hóa thông thường, để xây dựng một nhà máy cần đầu tư sản xuất gắn với tài nguyên khoáng sản, các thủ tục đầu tư theo một quy trình nghiêm ngặt đúng pháp luật, là phương thức đầu tư lâu dài nên xi măng không phải là quy hoạch của một ngành.
Hiệp hội xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, năm 2022, ngành xi măng gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao, xuất khẩu cũng sụt giảm lớn. Hơn nữa, giá than nhập khẩu tăng mạnh khiến sản xuất không hiệu quả. Dự báo năm 2023, ngành xi măng còn gặp nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, ngành xi măng đang gặp 3 thách thức lớn về nguyên nhiên liệu, cân đối cung cầu và thách thức về môi trường. Theo đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại đáp ứng các chuẩn mực tiên tiến nhất của thế giới.
Để khẳng định tầm nhìn, định hướng mà các quy hoạch đã nêu ra, xi măng Việt Nam phát triển theo hướng một ngành kinh tế mạnh. Hiên nay, Việt Nam đang xây dựng hình ảnh một ngành công nghiệp xi măng xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, Việt Nam đẩy mạnh triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn; giảm thiểu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng; sử dụng chất thải của các ngành Công nghiệp khác thay thế nguyên, nhiên liệu khai thác từ tự nhiên trong sản xuất xi măng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, đồng thời chung tay góp phần giải quyết vấn đề môi trường cho đất nước.
Minh Tiến