(Tổ Quốc) - Theo thống kê, hiện đã có hơn 10 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 với bức tranh lợi nhuận khả quan.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý 2/2022 của LienVietPostBank đạt 1.793 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2021. Các mảng kinh doanh chính của ngân hàng đều có lãi khả quan.
Trong đó, thu nhập lãi thuần quý 2/2022 đạt 3.045 tỷ đồng, tăng 39,7% so với cùng kỳ, được dẫn dắt bởi quy mô tín dụng bán lẻ tăng trưởng cao và thu lãi khoản vay cơ cấu Covid-19 của các khách hàng đã khôi phục hoạt động kinh doanh.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện (LienVietPostBank – LPB) gây chú ý khi ghi nhận tăng trưởng tới 94% trong quý 2/2022.
Một trong những sản phẩm cho vay bán lẻ nổi bật nhất ở LienVietPostBank là "tín dụng hưu trí", dành cho các cán bộ hưu trí có thêm nguồn tài chính để nâng cao chất lượng đời sống, thực hiện các dự án kinh doanh của riêng mình. Sàn phẩm cũng góp phần phổ cập tài chính vi mô, giải quyết tình trạng tín dụng đen tại nông thôn.
Các hoạt động phi tín dụng cũng cho kết quả tích cực. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 33% lên 303 tỷ đồng trong quý 2 năm nay do các dịch vụ trọng tâm như Bảo hiểm, Thanh toán quốc tế, Ngân hàng số,…đều tăng trưởng tốt. Ngân hàng khai thác hiệu quả lợi thế mạng lưới rộng lớn khắp các toàn quốc và cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu nhiều phân khúc khách hàng.
Ngoài các dịch vụ nêu trên, vừa qua, LienVietPostBank cũng đã được Kho bạc Nhà nước (KBNN) đồng ý cho triển khai mở rộng dịch vụ phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử trên toàn quốc.
Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của LienVietPostBank trong quý 2/2022 đạt 52 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều khi cùng kỳ bị lỗ 11 tỷ. Ngoài ra, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lên tới 356 tỷ, trong khi cùng kỳ bị lỗ 1 tỷ.
Với bức tranh tươi sáng ở các mảng kinh doanh, ngân hàng ghi nhận tổng thu nhập hoạt động quý 2/2022 đạt 3.773 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 22,7% lên 1.342 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ số CIR (chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động) đã được cải thiện đáng kể từ mức cho thấy ngân hàng đã tối ưu việc quản lý chi phí hoạt động.
LienVietPostBank tiếp tục duy trì sự thận trọng khi nâng chi phí dự phòng rủi ro quý 2/2022 lên 637 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý 2/2022 của nhà băng này đạt 1.793 tỷ đồng, tăng 94% so với quý 2/2021 và ngang ngửa với mức lợi nhuận đã đạt được trong quý 1/2022 (1.795 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế của ngân hàng là 3.588 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ. Lãi ròng đạt 2.855 tỷ, tăng 76,5%.
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của ngân hàng vượt mốc 300 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,6% lên 226.915 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3,1% lên 185.788 tỷ đồng.
Số dư trái phiếu doanh nghiệp cuối tháng 6 tại LienVietPostBank là bằng 0. Ngân hàng chủ yếu nắm giữ trái phiếu chính phủ và trái phiếu của các tổ chức tín dụng, có rủi ro rất thấp.
Nợ xấu LienVietPostBank ở mức 3.183 tỷ đồng, chiếm 1,4% trong tổng dư nợ cho vay khách hàng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện từ 110% lên 121%, tức cứ 1 đồng nợ xấu thì ngân hàng đã dự phòng tới 1,21 đồng.
Cuối quý 2, ngân hàng có 11.975 cán bộ nhân viên, tăng thêm 1.326 người so với cuối năm 2021. LienVietPostBank đang có lợi thế là ngân hàng sở hữu mạng lưới rộng lớn bậc nhất trong các ngân hàng thương mại, với 556 chi nhánh/phòng giao dịch cùng hệ thống phòng Giao dịch bưu điện trên toàn quốc.
Bên cạnh lợi thế về mạng lưới phòng giao dịch, LienVietPostBank cũng đang đẩy mạnh số hóa, nâng cao trải nghiệm người dùng. Đây sẽ là cơ sở giúp ngân hàng tăng trưởng mạnh mảng bán lẻ để có biên lợi nhuận cao hơn trong thời gian tới.
Năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021. Tuy nhiên, chỉ trong nửa đầu năm, ngân hàng đã có lợi nhuận tới gần 3.600 tỷ đồng, hoàn thành 75% mục tiêu cả năm cho thấy khả năng hoàn thành kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông đã thông qua.
Cũng cần lưu ý, hiện LienVietPostBank chưa có thỏa thuận độc quyền phân phối bảo hiểm, trong khi ngân hàng sở hữu lợi thế quan trọng là mạng lưới phủ rộng cả nước. Theo đó, có thể kỳ vọng ngân hàng này sẽ có nguồn thu đột biến, nếu không trong năm nay thì là những năm tới.
Ngoài ra, LienVietPostBank có đặc thù riêng trong hệ thống là có mối quan hệ hợp tác sâu sắc với VNPost nên lương hưu hàng tháng của các cán bộ hưu trí được trả qua tài khoản của ngân hàng này. Đây là nguồn tiền gửi không kỳ hạn bền vững và cũng là cơ sở khách hàng để nhà băng này triển khai các sản phẩm khác, ví dụ như "tín dụng hưu trí" được nhắc đến ở trên, hoặc có thể là bán chéo bảo hiểm trong tương lai.
Ánh Dương