(Tổ Quốc) - Việc giải ngân vốn vay cho khách hàng đang chậm lại do một số ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng được NHNN giao.
Giải ngân khó
Chị Khánh Ly - nhân viên tín dụng của một ngân hàng cổ phần lớn trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, theo thông báo từ lãnh đạo chi nhánh, ngân hàng gần cạn hạn mức tăng trưởng tín dụng từ tháng 4. Trong những tháng gần đây, việc giải ngân khăn hơn do phải kiểm soát chặt chỉ tiêu. "Bây giờ, cho vay thêm khá khó và không thể nhanh chóng như trước. Bên mình chỉ được giải ngân tương ứng với phần thu nợ trong ngày. Nên việc cho vay mới diễn ra chậm và phải cân đối rất kỹ".
Tại một ngân hàng trên địa bàn TP Việt Trì (Phú Thọ), một nhân viên tín dụng cũng cho biết ngân hàng này phải cân đối việc giải ngân mới để phù hợp với hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp. Vì vậy, nhiều hồ sơ đã được duyệt nhưng chưa thể giải ngân ngay vì chưa có ''room''.
Về phía khách hàng, anh Đỗ Mạnh Hùng – chủ một doanh nghiệp nhỏ - chia sẻ: ''Giờ đi vay khó hơn mấy tháng trước vì nhiều ngân hàng báo hết ''room'' nên chưa thể giải ngân nhanh. Dù có đầy đủ hồ sơ thì cũng phải chờ''.
Anh Lê Viết Hưng (Hà Nội) - nhân viên môi giới của một tập đoàn Bất động sản lớn cho biết, ngay từ đầu tháng 5 đã nhận được thông báo hết ''room'' cho vay của phía ngân hàng.
''Ngân hàng báo cho sale biết để dừng tư vấn cho khách hàng vay mua bất động sản. Trước đó, nhiều người muốn vay vốn để mua bất động sản nhưng đều bị ngân hàng từ chối vì hết ''room'' dù là vẫn dự án cũ, khách hàng cũ", anh Hưng cho hay.
Tình trạng cạn ''room'' cũng được phản ảnh từ nhiều nhân viên và khách hàng thuộc nhóm ngân hàng cổ phần có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong những tháng đầu năm. Ngược lại, hoạt động giải ngân vẫn diễn ra bình thường tại một số nhà băng lớn mới tăng tín dụng vừa phải những tháng qua.
Được biết, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần đầu cho các ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng đầu năm, một số nhà băng đã chạm trần ''room'' tín dụng được cấp.
Số liệu của NHNN cho thấy, tốc độ tăng của tín dụng đã có phần chậm lại trong hai tháng trở lại đây khi chỉ mở rộng thêm 1,78 điểm %, ít hơn nhiều so với mức tăng 5,97% của quý I.
SSI Research cho rằng, nguyên nhân một phần là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn chững lại (giao dịch trái phiếu doanh nghiệp được tính trong tăng trưởng tín dụng). Một phần khác, tăng trưởng tín dụng tại hầu hết các ngân hàng lớn đã gần chạm mức trần tín dụng mà NHNN đặt ra đầu năm, và do vậy giải ngân tín dụng mới sẽ được các ngân hàng cân nhắc hơn.
Ngân hàng "khát room" nhưng vẫn phải chờ
Tại Hội nghị do NHNN tổ chức mới đây, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank nhận định, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid giống như cơn khát nước sau trận hạn hán, nên tăng lên rất nhanh. Với ''room'' tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ. Vì vậy, đại diện Vietcombank đề nghị NHNN nới ''room'' tín dụng cho các ngân hàng một cách phù hợp để tham gia hỗ trợ khách hàng.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết, ngân hàng đã sử dụng gần hết ''room'' tín dụng mà NHNN giao hồi đầu năm (7%). Đây cũng là lý do Sacombank có văn bản yêu cầu các giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch không cấp tín dụng cho các giao dịch bất động sản mới kể từ ngày 23/3/2022 đến hết ngày 30/6/2022. Quy định này không áp dụng đối với cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa bất động sản để ở. Lãnh đạo Sacombank kỳ vọng sẽ sớm được nới ''room'' để có thêm dư địa cho vay.
Tương tự, đại diện ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam cho rằng khi chưa gói hỗ trợ lãi suất thì nhu cầu tín dụng đã cao rồi, nay có thêm gói hỗ trợ lãi suất 2% thì nhu cầu càng cao hơn. Do đó, vị này cũng kiến nghị NHNN nới ''room'' tín dụng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá: "Nhu cầu vốn hiện nay là rất lớn, nhu cầu tăng trưởng ''room'' tín dụng của các ngân hàng là rất lớn. Do đó, cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý, nếu không sẽ rất khó cho các ngân hàng khi điều kiện đủ nhưng lại không thể giải ngân do hết room".
Liên quan đến vấn đề nới ''room'' tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết ngay từ khi phân bổ hạn mức trong kỳ đầu tiên, NHNN đã nhận thấy tín dụng năm nay sẽ tăng mạnh hơn năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh để mức tín dụng sao cho đảm bảo phù hợp mục tiêu chính sách tiền tệ vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát.
Năm 2021 có 2 đợt nới room tín dụng
NHNN đã có 2 đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong năm 2021. Lần 1 diễn ra vào trung tuần tháng 7 và lần 2 thực hiện vào cuối tháng 11. Kết quả, TPBank là nhà băng được cấp ''room'' tín dụng cao nhất, lên đến 23,4%; ba ngân hàng khác được cấp hạn mức trên 21% bao gồm Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). Theo sau lần lượt là VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%), OCB (15%), ACB (13,1%), VietinBank (12,5%), BIDV (12%),...
Quang Hưng