Các khách hàng có ý định tham gia bảo hiểm nhân thọ cần xác định rõ: đâu là giá trị cốt lõi nhất của sản phẩm, cũng như hiểu đúng về nhu cầu, mong muốn của bản thân và cân đối khả năng tài chính của mình,...
Giá trị cao nhất của bảo hiểm là bảo vệ
Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ khách hàng khỏi rủi ro liên quan đến tính mạng, sức khỏe và tai nạn. Nhưng thực tế, không ít khách hàng cho rằng đây là kênh sinh lời cao và xem nhẹ giá trị bảo vệ vượt trội của bảo hiểm. Chính điều này là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới nhiều khiếu nại đáng tiếc về sau.
ThS Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý chia sẻ: "Khách hàng phải xác định được chính xác bản chất của bảo hiểm là gì. Đó là một hình thức chia sẻ rủi ro giữa người mua bảo hiểm và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm; người mua đóng phí cho doanh nghiệp bảo hiểm để được bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho những rủi ro ngẫu nhiên hoặc tổn thất có thể xảy ra theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm".
Luật sư Trần Hoàng Vũ - Giám đốc Công ty Luật AEC - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh: "Thực chất, bảo hiểm là để dự phòng, giúp đỡ con người giảm bớt gánh nặng khi mất đi người mua bảo hiểm gặp sự biến cố trong cuộc đời. Không có sản phẩm bảo hiểm nào vừa bảo vệ toàn diện cho chúng ta trước những rủi ro cuộc sống vừa sinh lời cao giống như hoạt động đầu tư thường thấy".
Xác định rõ giá trị cao nhất, ý nghĩa nhất, nhân văn nhất của bảo hiểm là đem lại sự bảo vệ và an tâm trước những rủi ro của cuộc sống, khách hàng sẽ coi BHNT như "của để dành", "tấm lá chắn" giảm thiểu thiệt hại trước rủi ro, bất trắc trong suốt cuộc đời – luật sư Vũ nói thêm.
Thấu hiểu nhu cầu và khả năng tài chính của bản thân
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn dài, thậm chí lên tới vài chục năm. Do vậy ngoài việc nắm chắc vai trò quan trọng nhất của bảo hiểm nhân thọ, các khách hàng trước khi mua bảo hiểm cần hiểu rõ nhu cầu của chính mình.
Bảo vệ, chăm sóc y tế, nằm viện, bồi thường khi có tai nạn hay đầu tư có thể là những mục tiêu mà chúng ta mong muốn đạt được thông qua bảo hiểm. Tuy nhiên, để chọn được sản phẩm phù hợp, mỗi người tiêu dùng cần xác định đúng thứ tự ưu tiên của các nhu cầu này. Nhờ vậy sẽ giúp khách hàng tránh tình trạng mua nhầm sản phẩm có mục đích ưu tiên khác, hoặc thậm chí là hoàn toàn bỏ sót nhu cầu.
Ngoài ra, việc xác định khả năng tài chính của mình là một yếu tố quan trọng.
"Khách hàng cần cân nhắc tình hình tài chính của bản thân, gia đình để chắc chắn có đủ chi phí để thanh toán theo tiến độ trong hợp đồng bảo hiểm. Điều này sẽ tránh tình trạng bỏ dở do không đủ khả năng thanh toán, gây ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm của khách hàng"- Chuyên gia pháp lý ThS Nguyễn Văn Đỉnh cho biết.
Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ thêm, sau thời gian cân nhắc 21 ngày, việc người mua bảo hiểm hủy hợp đồng bảo hiểm ngay trong những năm đầu dẫn đến những bất lợi, thiệt hại cho người mua bảo hiểm. Theo thông lệ hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam cũng như các thị trường khác trên thế giới, các công ty bảo hiểm phân bổ phí ban đầu chiếm tỷ lệ khá cao trên phí bảo hiểm cơ bản, thông thường trong 2 năm đầu tiên hợp đồng chưa có giá trị hoàn lại (với các loại sản phẩm bảo hiểm có giá trị hoàn lại), và người mua bảo hiêm sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền nào khi hủy hợp đồng bảo hiểm.
"Bảo hiểm nhân thọ là một kế hoạch bảo vệ rủi ro, tích lũy tài chính cá nhân dài hạn. Khi đã có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, người mua bảo hiểm nên cân nhắc kỹ những cái "được" và "mất" khi hủy hợp đồng bảo hiểm. Đặc biệt trong những năm đầu của hợp đồng, vì ngoài việc không được nhận lại được phí bảo hiểm đã đóng, khách hàng còn không được tiếp tục bảo vệ", ông Dũng cho biết.
Thêm một lưu ý không thể bỏ qua là khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, khách hàng cần chú ý đến các yếu tố quan trọng khác: Hãy đảm bảo kê khai thông tin trung thực và đọc hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Điều này sẽ giúp người dùng không gặp phải những tranh chấp không đáng có và hiểu rõ về những điều kiện loại trừ. Quá trình này đòi hỏi sự cân nhắc và thận trọng và người mua bảo hiểm nên dành thời gian để làm điều đó.
Cuối cùng, tất cả khách hàng đều có 21 ngày để cân nhắc và đưa ra quyết định mấu chốt: lựa chọn gói bảo hiểm, hợp đồng chính thức có hiệu lực hay dừng lại. Vì thế hãy tận dụng khoảng thời gian vàng này và đừng quên nghe các cuộc xác nhận từ doanh nghiệp bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi cao nhất của chính mình, đồng thời tránh mọi rắc rối phát sinh về sau./.