(Tổ Quốc) - Tổng doanh thu của MNS Feed và De Heus năm 2020 đạt hơn 26.510 tỷ đồng so với 20.845 tỷ đồng của C.P. Việt Nam (Feed).
De Heus sẽ trở thành công ty thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam với hơn 1 tỷ USD doanh thu
Công ty De Heus Việt Nam vừa thông báo việc tiến tới sáp nhập 100% mảng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi MNS Feed vào tổ chức của mình. MNS Feed là đơn vị thuộc Masan MEATLife, công ty con của Masan Group, đơn vị hiện đang sở hữu 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi và một nhà máy premix (bao gồm 6 nhà máy thuộc Proconco, 7 nhà máy thuộc Anco với tổng công suất 4 triệu tấn thức ăn chăn nuôi từ gia súc, gia cầm, thủy sản).
Sau khi hoàn tất thương vụ này, De Heus sẽ có tổng cộng 22 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, trở thành nhà cung cấp dinh dưỡng động vật số 1 trong thị trường thức ăn chăn nuôi độc lập. Việt Nam cũng sẽ trở thành một trong những quốc gia sở hữu nhiều nhà máy nhất của De Heus trên toàn cầu.
Tổng doanh thu của MNS Feed và De Heus năm 2020 đạt hơn 26.510 tỷ đồng so với 20.845 tỷ đồng của C.P. Việt Nam (Feed)
Trong thông cáo của mình, De Heus đưa ra ba luận điểm giải thích việc ngày một nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam như sau:
"Thứ nhất, Việt Nam là một trong những thị trường lớn ở khu vực Đông Nam Á với gần 100 triệu dân nên nhu cầu tiêu dùng đạm động vật trong nước rất lớn. Bên cạnh đó, nằm ở khu vực Đông Nam Á, ngã ba của Đông Dương, Việt Nam chiếm vị trí địa lý quan trọng và thuận lợi trong việc luân chuyển hàng hoá.
Thứ hai, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đã tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản như cá tra, tôm, sắp tới có thể xuất khẩu các sản phẩm gia cầm.
Thứ ba, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong nhóm các nước đang phát triển, sức tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng trưởng tốt qua các năm. Theo thống kê, tổng sản lượng ăn đạm động vật của người dân Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nước tiêu dùng nhiều trong 10 năm trở lại đây..."
Cùng với việc sáp nhập mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, De Heus và Masan còn đồng ý tiến tới những giao dịch cung ứng chiến lược dài hạn trong thỏa thuận chung giữa hai bên, trong đó De Heus sẽ cung cấp thức ăn chăn nuôi và heo thịt cho Masan.
Nói về mục tiêu hướng tới của doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc De Heus châu Á khẳng định: "Chúng tôi không đặt mục tiêu chiếm bao nhiêu thị phần tại Việt Nam, mà chúng tôi muốn xây dựng các chuỗi liên kết thành công, cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài nước các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao.
Nếu các chuỗi liên kết này thành công thì đương nhiên thị phần của doanh nghiệp trong mảng thức ăn chăn nuôi cũng sẽ tăng lên. Theo đó, De Heus đang tích cực cung ứng cho người chăn nuôi nguồn con giống tốt, thức ăn tốt, hỗ trợ kỹ thuật tốt và có đầu ra, điển hình là các dự án nuôi heo giống mà chúng tôi đang hợp tác cùng Tập đoàn Hùng Nhơn triển khai ở Tây Nguyên.
Việc hợp tác với Tập đoàn Masan chính là bước đi chiến lược nhằm hướng tới mục tiêu này, trong đó nhà máy chế biến thịt mát, hệ thống siêu thị của Masan sẽ ở khâu cuối của chuỗi liên kết".
Nhà máy thức ăn chăn nuôi của De Heus Việt Nam
Masan Group khả năng bán quyền nhận thanh toán bằng cổ phần MNS Feed cho De Heus
Phía Masan MEATLife, công ty này trước đó thông báo kế hoạch tái cấu trúc và tách mảng thức ăn chăn nuôi; đồng thời, tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh thịt
Để có nguồn vốn thực hiện kế hoạch này, Masan MEATLife phát hành riêng lẻ 7.284 tỷ đồng trái phiếu cho cổ đông công ty, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 2%/năm.
Ở chiều ngược lại, MML cho biết sẽ thanh toán trái phiếu bằng cổ phần MNS Feed, chính là đơn vị sở hữu hệ thống nhà máy thức ăn chăn nuôi sắp được chuyển giao cho De Heus.
Thực tế, các cổ đông lớn nhất tại MML gồm Masan Group (78,74%), Công ty TNHH Tầm nhìn Masan (9,12%) và VN Consumer Meat II thuộc KKR (từng nắm 7,09% nhưng đã thoái vốn).
Nhiều khả năng các cổ đông này đã mua lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ của MML để nhận quyền chọn thanh toán bằng cổ phần MNS Feed, sau đó chuyển nhượng lại quyền chọn này cho De Heus Việt Nam.
Như vậy, sau giao dịch này, MML sẽ tập trung hoàn toàn vào khâu chế biến thịt heo và thịt gà. Kênh phân phối chủ yếu sẽ được đảm nhiệm bởi WCM (WinCommerce), đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Winmart/Winmart .
Trong những năm qua, mảng thức ăn chăn nuôi đóng góp khoảng 80% doanh thu và toàn bộ lợi nhuận của MML, khi mảng thịt mới đi vào hoạt động và chưa có lãi.
Đông A