(Tổ Quốc) - Lời đề nghị mua đứt Twitter mới đây của vị tỷ phú Elon Musk đã làm khuấy động giới đầu tư. Sự kiện này khiến một biên tập viên tạp chí khoa học New Scientist nhớ lại thời gian ông Musk đã từng hỏi mua lại tòa soạn ngay trên Twitter hồi năm 2019.
Năm 2019, một số biên tập viên tạp chí New Scientist thường nhắn tin cho ông Musk để thực hiện phỏng vấn cũng như quảng bá cho một cuốn sách mới ra mắt. Đôi lúc, vị tỷ phú sẽ trả lời lại rằng: "New Scientist là tạp chí hàng tuần yêu thích của tôi". Nhưng cũng chính dòng tin nhắn này dẫn đến lời đề nghị mua đứt công ty trên Twitter của ông Musk vào ngày 5/4/2019.
Elon Musk hỏi giá mua lại công ty khi một người dùng gợi ý ông nên đầu tư vào New Scientist. Ảnh: Twitter
Tháng 4/2019, ông Musk đã trả lời một bài đăng của New Scientist phàn nàn về bộ lọc người dùng trả phí của tạp chí này: "Làm ơn sửa bộ lọc trả phí của các bạn. Nội dung của các bạn rất hay, nhưng bộ lọc trả phí thì không hề".
Sau đó một người dùng khác khuyên ông Musk nên đầu tư vào tờ New Scientist để mọi người có thể đọc báo miễn phí. Vị CEO của Tesla đã trả lời bằng một biểu tượng suy nghĩ đồng thời đưa ra câu hỏi: "Giá bao nhiêu?".
Tuy nhiên, tờ New Scientist lại được bán lại cho Tập đoàn New Mail với giá khoảng 92 triệu USD. Dù vậy, ông Conrad Quilty-Harper, biên tập viên tờ New Scientist, cho biết lời đề nghị của ông Musk đã làm toàn bộ nhóm quản lý của tạp chí bất ngờ.
Ông Quilty-Harper cũng chia sẻ những kinh nghiệm học hỏi được sau vụ mua bán bất thành này.
Đầu tiên hãy kiểm tra danh sách đang theo dõi tài khoản Twitter của bạn. Dấu hiệu cho thấy ông Musk đang quan tâm một công ty nào đó là theo dõi tài khoản Twitter của công ty đó. Ông Quilty-Harper cũng khuyên các doanh nghiệp nên kiểm tra xem ông Musk đã từng tag hay nhắn tin cho tài khoản công ty mình hay chưa. Đây là những dấu hiệu chính cho thấy vị CEO này chuẩn bị thâu tóm một công ty nào đó.
Đừng hoảng loạn nếu ông Musk viết trên Twitter rằng muốn mua công ty của bạn. Lời khuyên này hữu dụng trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là khi số phận công ty phụ thuộc vào vị tỷ phú ưa thích cảnh tượng đám đông hỗn loạn.
Một lời khuyên khác của biên tập viên tờ New Scientist là hãy tin tưởng vào quản lý truyền thông của công ty. Đây sẽ là người quan trọng nhất trong công ty vào thời điểm đó.
Vị CEO của Tesla được mệnh danh là "thánh meme" vì ông đam mê việc chế ảnh và chia sẻ những bức ảnh chế hài hước của mình. Do đó, theo ông Quilty-Harper, trả lời bằng các emoji (biểu tượng cảm xúc) vui vẻ là cách tốt nhất để đánh lạc hướng đề nghị nghiêm túc của ông hoặc đỡ xấu hổ khi trò đùa trở nên nhạt nhẽo.
Lời khuyên tiếp theo của biên tập viên tờ New Scientist là hãy trả lời ngắn gọn nhất có thể. Sử dụng Twitter đồng nghĩa với việc công ty chỉ có 280 kí tự để thương lượng với ông Musk. Sau khi ông Musk hỏi giá mua lại công ty, bà Nina Wright, CEO tờ New Scientist, đã trả lời lại với một emoji nháy mắt kèm theo lời hứa sẽ xem xét lại vấn đề bộ lọc trả phí.
Cuối cùng, ông Quilty-Harper cho rằng nên trả lời ông Musk thật cẩn trọng thay vì nghi ngờ hay hoảng loạn. Thực tế, ông Musk không hề mua lại New Scientist. Trong sự kiện TED 2022 diễn ra ngày 14/4, vị tỷ phú cũng chia sẻ rằng ông không chắc chắn mình có thể mua lại Twitter hay không.
Nguồn: Bloomberg
Anh Ngọc