(Tổ Quốc) - Mới đây, tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani, người hiện đang giữ ngôi vị người giàu nhất châu Á lại tiếp tục xô đổ kỷ lục cá nhân và bước vào một bảng xếp hạng mới danh giá hơn rất nhiều.
Vượt qua Larry Ellison của Oracle và người phụ nữ giàu có nhất thế giới Franc Bettencourt Meyers để nắm giữ vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh với tài sản lên tới 64.5 tỷ USD, Ambani ngày một khẳng định giá trị của bản thân vượt ra khỏi khu vực châu Á.
Mukesh Dhirubhai Ambani sinh ngày 19 tháng 4 năm 1957 tại thuộc địa Aden của Vương quốc Anh (thuộc Yemen ngày nay); tuy nhiên ông không sống ở đây lâu mà theo gia đình chuyển tới Ấn Độ để thuận tiện cho việc kinh doanh của cha.
Ông có một người em trai là Anil Ambani và hai chị gái, Nina Bhadrashyam Kothari và Dipti Dattaraj Salgaocar. Cũng như nhiều tỷ phú khác, Mukesh bỏ dở chương trình học MBA tại Stanford vào năm 1980 để về giúp đỡ cha phát triển Reliance Industries, một công ty nhỏ nhưng có đà tăng trưởng rất lớn vào giai đoạn đó.
Mukesh Ambani thời trẻ cùng cha và em trai (Ảnh: Humor Nation)
Khi trở về nước, Mukesh nhanh chóng cùng với người cha phát triển mảng dệt may của công ty, sau khi giành được giấy phép Raj cho phép công ty sản xuất sợi polyester dùng trong sản xuất dệt may. Chưa dừng lại ở đó, ông còn thành lập công ty con của tập đoàn là Reliance Infocomm Limited (nay là Reliance Communications Limited), tập trung vào các sáng kiến công nghệ thông tin và truyền thông. Ở tuổi 24, Ambani được giao trách nhiệm quản lý xây dựng nhà máy hóa dầu Patalganga khi tập đoàn bắt đầu đầu tư mạnh vào việc phát triển mảng lọc và hóa dầu.
Tuy nhiên, con đường thành công của Mukesh Ambani cũng gặp biến cố sau khi cha ông đột ngột qua đời vì đột quỵ vào năm 2002. Vì ra đi đột ngột, người cha không để lại di chúc về phân chia tài sản, dẫn đến việc hai anh em xảy ra xung đột trong việc giành quyền kiểm soát tập đoàn, khiến mẹ của hai người phải can thiệp. Kết quả, Mukesh trở thành người đứng đầu của Reliance Industries và công ty Hóa dầu Ấn Độ; quyền kiểm soát của ông với hai tập đoàn này được tòa án Tối Cao Bombay chấp thuận và phê chuẩn vào cuối năm 2005.
Hai anh em nhà ông Ambani đã có cuộc tranh chấp tài sản sau khi cha mất. Cuối cùng, Mukesh Ambani giành quyền kiểm soát với Reliance Industries (Ảnh: Livemint)
Ngày nay, Reliance Industries là tập đoàn đa quốc gia hàng đầu của Ấn Độ, hoạt động trong các ngành năng lượng, hóa dầu, dệt may, tài nguyên thiên nhiên, bán lẻ và viễn thông. Đây là một trong những tập đoàn có doanh thu và lợi nhuận sau thuế lớn nhất của Ấn Độ, với giá trị vốn hóa đạt 150 tỷ USD. Công ty được xếp hạng 106 trong danh sách Fortune Global 500 năm 2019, xếp hạng 8 trong số 250 công ty năng lượng toàn cầu hàng đầu theo Platts, tính đến năm 2016. Reliance cũng là nhà xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ, chiếm 8% tổng xuất khẩu hàng hóa của nước này và có mặt tại 108 quốc gia trên thế giới. Tập đoàn cũng đóng góp tới gần 5% tổng số tiền mà chính phủ Ấn Độ thu được từ thuế hải quan và thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp này tới nền kinh tế của Ấn Độ lớn đến như thế nào.
Mukesh Ambani đã đưa Reliance Industries trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu Ấn Độ (Ảnh: Bloomberg)
Tuy nhiên, mảng viễn thông chính là mảng đã đưa ông trùm Mukesh vào top 10 người giàu nhất hành tinh, thông qua công ty con thuộc tập đoàn Reliance Industries là Jio. Mặc dù mảng kinh doanh chính của tập đoàn là hóa chất và kinh doanh dầu khí gặp nhiều khó khăn do giá dầu trên thế giới không ổn định; nhưng riêng với Jio, công ty này tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Chỉ trong vòng 2 tháng nay, Jio Reliance đã nhận được tới 15 tỷ USD – tương đương với hơn 50% tổng số tiền đầu tư mà các công ty viễn thông toàn cầu nhận được trong nửa đầu năm 2020.
Facebook, General Atlantic, Silver Lake Partners, KKR & Co. và Quỹ đầu tư quốc doanh Saudi Arabia đều mong muốn trở thành cổ đông của một trong những công ty viễn thông phát triển nhanh thế giới này.
Đây cũng là điều dễ hiểu, khi Jio đã từng giành được những thành công vang dội với mẫu điện thoại 4G của họ là LYF, khi đây là loại máy bán chạy thứ 3 toàn Ấn Độ, theo số liệu thống kê năm 2016. Hơn nữa, một báo cáo được xuất bản vào tháng 6 năm nay của công ty quản lý tài sản Sanford C. Bernstein đã đưa ra dự báo rằng Jio có khả năng chiếm được 48% thị phần thuê bao di động của Ấn Độ vào năm 2025.
Jio – công ty con của Reliance, được đánh giá là một trong những công ty viễn thông phát triển nhanh nhất thế giới (Ảnh: Telecoms)
Chính những thông tin thuận lợi nói trên về Jio Reliance đã giúp giá cổ phiếu của Reliance Industries cũng như khối tài sản của ông Mukesh Ambani không ngừng tăng. Tính đến ngày 19/6 vừa qua, giá cổ phiếu của công ty đã tăng gấp đôi kể từ tháng 3 với mức đóng cửa là 1763,20 USD, tương đương với 23.12 USD/ cổ phiếu. Với việc sở hữu 42% Reliance, ông Ambani đã được hưởng lợi lớn khi khoản đầu tư vào công ty con là Jio đem lại những kết quả ngoài sức tưởng tượng. Tổng tài sản của ông này cũng đạt 64.5 tỷ USD, đem lại cho ông vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng những tỷ phú giàu nhất thế giới.
Giá cổ phiếu của Reliance Industries tăng gấp đôi kể từ tháng 3, giúp ông Ambani trở thành người giàu thứ 9 thế giới (Ảnh: Google Finance)
Tuy nhiên, sự giàu có của người đàn ông 63 tuổi này trong bối cảnh Ấn Độ đang trải qua giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước tới nay cũng cho thấy sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt ở Ấn Độ, khi 10% thuộc tầng lớp giàu có nắm giữ tới 75% của cải trên toàn quốc. Đây là điều mà chính phủ Ấn Độ sẽ còn phải đau đầu trong nhiều năm tới, khi những người như ông Ambani tiếp tục gia tăng khối tài sản của mình, trong khi phần nhiều người dân tại quốc gia này chịu cảnh đói kém.
Phạm Tiến Đạt