(Tổ Quốc) - Hiện nay, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia. Trong đó, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn duy trì rót tiền vào Việt Nam trong nhiều năm qua.
Trung Quốc hiện nay là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 đạt 114.367 tỷ nhân dân tệ (NDT), khoảng 17.993 tỷ USD, đột phá ngưỡng 110.000 tỷ NDT mà Trung Quốc đặt ra. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,1%, hoàn thành mục tiêu dự kiến trên 6% của cả năm.
Mức tăng trưởng này được đánh giá là nhanh nhất trong một thập kỷ và vượt xa mục tiêu hằng năm của chính phủ Trung Quốc là đạt tốc độ tăng trưởng trên 6%. "Nói chung, trong năm 2021, Trung Quốc duy trì sự phục hồi liên tục và ổn định của nền kinh tế quốc gia, đồng thời giữ vị trí dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế và phòng, chống dịch bệnh trên thế giới", NBS nhấn mạnh.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), quy mô nền kinh tế của Trung Quốc xếp thứ 2 trên thế giới và chỉ đứng sau Mỹ.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc liên tục rót tiền đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, tính đến hết năm 2021, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam khoảng 21.337 triệu USD với 3.325 và xếp thứ 7 trong tổng số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, tính riêng tháng 12/2021, Trung Quốc xếp thư 4 trong danh sách các nước đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn lên tới 2.921 triệu USD và 204 dự án cấp mới.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Việt Nam từ 2015 đến 3 tháng đầu năm 2022. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tính đến 20/3/2022, số vốn Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam đạt 21.964 triệu USD với tổng 3.372 dự án. Với số vốn này, Trung Quốc xếp thứ 7 trong danh sách các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Chỉ tính riêng tháng 3/2022, Trung Quốc xếp thứ 4 trong các nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, sau Singapore, Hàn Quốc và Đan Mạch. Tổng số vốn đầu tư từ Trung Quốc đạt khoảng 894 triệu USD với 48 dự án cấp mới.
Trên thực tế, FDI của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam. Tuy nhiên, các dự án này chủ yếu tập trung tại các tỉnh biên giới có khu kinh tế cửa khẩu, ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Trung Quốc còn rót nguồn vốn đầu tư vào liên doanh liên kết, góp vốn bằng tiền hoặc công nghệ, máy móc ở trong các doanh nghiệp Việt Nam trong đủ mọi lĩnh vực. Các dòng vốn của Trung Quốc đổ vào nhiều lĩnh vực, điển hình như dệt may, da giày, xơ sợi, nhiệt điện, khai thác khoáng sản,...
Trong lĩnh vực điện và năng lượng, Tổng công ty xuất nhập khẩu kỹ thuật Trung Quốc (CNTIC) - một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Trung Quốc cũng chọn Việt Nam làm thị trường đầu tư dài hạn.
CNTIC coi Việt Nam là một thị trường ưu tiên và cực kỳ quan tâm đến việc phát triển và đầu tư các dự án phát điện lớn sử dụng nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió và LNG. Việt Nam có hàng trăm khu công nghiệp, CNTIC cũng hướng tới đầu tư vào dự án năng lượng mặt trời mái nhà trên cơ sở hợp đồng mua bán điện tư nhân.
Một số dự án lớn mà các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư tại Việt Nam như: Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 trị giá 1,75 tỷ USD tại tỉnh Bình Thuận; Dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 có mức đầu tư 2,187 tỷ USD tại tỉnh Hà Tĩnh và Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 trị giá 2 tỷ USD tại tỉnh Bình Thuận.
Ngoài ra, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng có nhiều dự án tại các khu công nghiệp. Một số khu công nghiệp được các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư như: khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Minh Tiến