Các ngân hàng hầu hết đã hoàn tất công bố báo cáo tài chính quý 4/2022. Bức tranh chung cho thấy, trong tình hình kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, đặc biệt là giai đoạn cuối năm 2022 do tín dụng bị siết, kênh trái phiếu gần như đóng băng, lãi suất đầu vào lên cao...các ngân hàng đã bị ảnh hưởng đáng kể.
Cụ thể, ở không ít nhà băng, các chỉ số kinh doanh trọng yếu chưa hoàn thành, chẳng hạn kế hoạch lợi nhuận dù vẫn tăng trưởng khá tốt so với năm trước, nhưng còn không đạt mục tiêu đã đề ra đầu năm. Hệ thống cũng ghi nhận một số ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận âm – điều không xảy ra ở năm trước. Tăng trưởng huy động vốn thấp hơn nhiều so với dự kiến do lãi suất lên cao và các ngân hàng phải cạnh tranh mạnh mẽ để hút vốn. Kênh phát hành trái phiếu bị chững lại, chứng chỉ tiền gửi huy động được ít hơn…
Các chỉ tiêu về an toàn, chẳng hạn huy động trên cho vay ở nhiều ngân hàng lên sát mức "báo động" – tức là chạm đến giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Chỉ tiêu an toàn vốn (CAR) cũng sụt giảm ở một số ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu thì gia tăng mạnh, thậm chí có ngân hàng ghi nhận nợ xấu ở ngân hàng mẹ cùng với công ty con vượt quá mức 3%.
Trong bức tranh chung không mấy sáng sủa thì vẫn hiện lên một số điểm tích cực ở kết quả kinh doanh quý 4 cũng như năm 2022 của các ngân hàng. Theo đó, vẫn có những nhà băng vượt qua khó khăn và về đích ngoạn mục, đồng thời củng cố thêm được nền tảng vốn, duy trì hệ số an toàn vốn và các chỉ tiêu an toàn khác ở mức cao.
Một điển hình là Techcombank. Tại thời điểm cuối năm 2022, chỉ số CAR của nhà băng này ở mức 15,2% - cao nhất hệ thống ngân hàng và gần gấp đôi mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước quy định tại Thông tư 41 (Basel II). Đáng lưu ý, chỉ số này không phải chỉ cuối năm 2022 mới xuất hiện mà đã được Techcombank duy trì trên 15% trong 5 quý liên tiếp. CAR cao là minh chứng cho năng lực của ngân hàng trong việc đáp ứng các khoản nợ phải trả có thời hạn và các rủi ro khác như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động và các rủi ro khác. Thậm chí cho dù nền kinh tế có bị ảnh hưởng mạnh như thế nào thì khi CAR tốt, ngân hàng vẫn còn thừa vốn để giải quyết những tất cả các tình huống nợ xấu xảy ra. Trước đó, hồi tháng 9.2022, tổ chức quốc tế Moody’s công bố bảng xếp hạng tín nhiệm cũng đánh giá Techcombank là ngân hàng có độ uy tín cao nhất trong các ngân hàng tại Việt Nam, với các điểm mạnh nổi bật về vốn và khả năng sinh lời.
Một chỉ tiêu an toàn khác là tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) cũng được Techcombank đảm bảo đúng theo quy định, duy trì từ 75 – 78% trong 5 quý liên tiếp, tại thời điểm cuối năm 2022 là 76,6% - thấp hơn so với mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là 80%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại Techcombank theo quy định, cuối năm 2022 ở mức 28,8%.
Ngoài ra, trong cơ cấu huy động vốn, mặc dù CASA có sụt giảm trong bối cảnh chung của toàn ngành, song vẫn duy trì trong nhóm 2 ngân hàng đứng đầu. Cùng với đó, nguồn huy động của Techcombank được đa dạng hóa giúp đảm bảo tuân thủ các quy định thanh khoản chặt chẽ. Năm 2022, trong khi hệ thống ngân hàng gặp khó với huy động vốn thì Techcombank vẫn huy động được hơn 1 tỷ USD vốn dài hạn 2-3 năm, giúp đảm bảo thanh khoản phục vụ khách hàng.
Nhìn chung trong bức tranh kinh doanh 2022 của ngành ngân hàng có nhiều gam màu sáng tối khác nhau nhưng những điểm sáng tích cực về các chỉ tiêu an toàn cho thấy sức khỏe của hệ thống ngân hàng vẫn ổn định. Sự vững chắc của các nhà băng lớn trong hệ thống như Techcombank chắc chắn sẽ củng cố thêm niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư trong năm nay cũng như giai đoạn tiếp theo.