Ngân hàng số trong đại dịch: Thấy cơ trong nguy

(Tổ Quốc) - Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong mọi lĩnh vực trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, và càng đặc biệt cần với ngành ngân hàng.

Chuyển đổi số ở Việt Nam là điểm sáng

Trong kỳ báo cáo Điểm lại Kinh tế Việt Nam tháng 8/2021, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã lựa chọn chủ đề có tên: Việt Nam số hóa – Con đường đến tương lai". Theo ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng World Bank, khi các quốc gia nắm bắt cơ hội để gặt hái thành quả từ chuyển đổi số, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rõ mong muốn tham gia cuộc đua.

Theo đó, việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng để có hiệu suất cao hơn thông qua chuyển đổi số, là con đường mà Việt Nam đã khởi động và đã được tăng tốc bởi cú sốc Covid-19. World Bank cho rằng có lẽ đây là một trong những điểm sáng của cuộc khủng hoảng này; khi thương mại và dịch vụ đã trở nên ngày càng số hóa để ứng phó với các chính sách giãn cách xã hội.

Trong dòng chuyển đổi đó, sự tham dự của khu vực ngân hàng vào kinh tế và đời sống người dân trở nên sâu sắc hơn. NHNN thống kê, có đến 95% ngân hàng Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược hoặc tích hợp trong định hướng phát triển kinh doanh và công nghệ thông tin. Cơ quan quản lý cũng đã xác định trong "Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", mục tiêu hướng đến vào năm 2025 là đảm bảo 60% tổ chức tín dụng có tỉ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%.

Sự phát triển mạnh mẽ của Bank 4.0 trong Covid-19

Tuy hiện tại, tỷ trọng doanh số từ kênh số của các tổ chức tín dụng còn rất thấp, nhưng có thể thấy rất rõ là nhờ nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, con đường số hóa của các ngân hàng đã có hiệu quả. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, hàng loạt ngân hàng số đã "bung xõa" trong mọi chương trình hỗ trợ khách hàng vượt dịch với nhiều phương thức, tên gọi, lợi ích khác nhau.

Với nhóm Big4, Vietcombank, VietinBank và BIDV trong cuộc đua số hóa không hề ỷ lại quy mô to lớn của mình mà chậm vận động chuyển đổi. Năng lực tài chính mạnh cùng hệ thống khách hàng bán buôn, bán lẻ của các nhà băng này khiến những mô hình VCBDigibank, BIDV iBank, VietinBank iPay… sở hữu lợi thế kết nối, lan tỏa mạnh ngay từ khi ra mắt.

Ở khối NHTMCP, VPBank đã triển từ mô hình ngân hàng số Yolo đến ngân hàng số Cake và nay đang triển khai ngân hàng mở API.

MBBank cũng được chú ý gần đây khi phát triển ngân hàng tự phục vụ. Trước đó, tự động cũng là mô hình mà hệ thống R-ATM của VietinBank hay LiveBank của TPBank đã triển khai.

HDBank, có định hướng chuyển đổi số ngay từ khi khởi động giai đoạn phát triển 2017-2021, đã ra mắt Happy Digital Bank vào đầu 2020, là một trong những ngân hàng số có sự tích hợp đa dạng mọi sản phẩm, dịch vụ số và mang đến những lợi ích thiết thực nhất. Nhà băng này đã cải tiến hành trình khách hàng mang đến trải nghiệm mới mẻ và thuận tiện như số hoá các hành trình khách hàng tại quầy bao gồm: mở tài khoản thanh toán, mở sổ tiết kiệm, cho vay trực tuyến thế chấp bằng tải khoản tiền gửi,...Nâng cao trải nghiệm của khách hàng với hoạt động cải tiến và số hoá hành trình khách hàng trực tuyến với ứng dụng eKYC nâng cao, Neo banking,...

Song song là ứng dụng big data vào phân tích dữ liệu chuyên sâu để phục vụ kinh doanh, xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu bài bản và tối ưu hoá trải nghiệm khách hàng dựa trên nền tảng dữ liệu. Cùng với đó cũng đưa số hoá quy trình vận hành: Ứng dụng robotic vào tự động hoá các quy trình vận hành như tự động chấm công, hỗ trợ xử lý khiếu nại, duyệt lệnh tự động,…

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho biết, hiện ngân hàng này đã triển khai số hoá truyền thông và phương thức làm việc, tương tác nội bộ với Workplace, từ đó nâng cao hiệu suất làm việc, kết nối tổ chức, xây dựng văn hoá doanh nghiệp trong thời gian tới với các hoạt động như: Các buổi Livestream đào tạo, talkshow, họp trực tuyến... Đây là sự đổi mới về phương thức tiếp cận và xử lý thông tin, từ đó giúp thay đổi trong công tác quản trị điều hành. 

Bên cạnh đó ngân hàng cũng áp dụng các phương thức làm việc mới với sự hỗ trợ của các công cụ quản lý giúp tăng khả năng ứng biến trong các tình huống làm việc kết hợp nhiều bộ phận, làm việc từ xa (mô hình agile, hệ thống Jira, Confluence….). "Với chúng tôi, thay đổi là sống còn, số hóa là bắt buộc. Số hóa chính là giải pháp trọng tâm để HDBank đạt các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2020 – 2030", ông Thanh khẳng định.

Có thể nói, số hóa đang giúp ngành ngân hàng mang đến lợi ích nhiều hơn cho nền kinh tế. Trên hết, giúp ngân hàng đảm bảo thông suốt sự lưu thông tiền tệ trong mọi bối cảnh, bao gồm cả ở những thời điểm giãn cách cao điểm do dịch Covid 19. Mặt khác, số hóa cũng giúp ngân hàng tiếp tục chuyển động cùng nhịp chuyển đổi số của của nền kinh tế, và giữ được tăng trưởng kinh doanh tích cực ngay trong đại dịch.

Với tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh và ngày càng nhiều người dân được kết nối internet, sự hiện diện của một số tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới tại Việt Nam, con đường số hóa của Việt Nam đã và đang rất tích cực. Ngành ngân hàng theo đó càng có điều kiện, vừa là vai trò quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế sớm bước vào giai đoạn tái tạo số, góp sức tăng hiệu suất ở thời kỳ mới.

Thanh Bình

Tin mới