Ngân hàng vẫn chưa được cấp thêm room, tăng trưởng tín dụng bắt đầu hạ nhiệt

(Tổ Quốc) - Tín dụng có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong hai tháng gần đây do sự chững lại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hầu hết ngân hàng lớn đã gần chạm mức trần tín dụng được cấp.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tính đến ngày 27/5 đạt 7,75% so với cuối năm 2021. Mặc dù tín dụng tăng gần gấp đôi so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng đã có phần chậm lại trong hai tháng trở lại đây khi chỉ mở rộng thêm 1,78 điểm % (tăng trưởng tín dụng cuối quý I đạt 5,97%).

SSI Research cho rằng, nguyên nhân một phần là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn chững lại (giao dịch trái phiếu doanh nghiệp được tính trong tăng trưởng tín dụng). Một phần khác, tăng trưởng tín dụng tại hầu hết các ngân hàng lớn đã gần chạm mức trần tín dụng mà NHNN đặt ra đầu năm, và do vậy giải ngân tín dụng mới sẽ được các ngân hàng cân nhắc hơn.

Thực tế, mức tăng trưởng mạnh hiếm thấy của tín dụng đã khiến nhiều ngân hàng lớn gần cạn "room" ngay trong đầu quý II.

Tại Vietcombank, tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/4 là 8,8%, gần kín hết 10% room được NHNN giao từ đầu năm. Tăng trưởng tín dụng của MB đạt hơn 14,3% sau ba tháng đầu năm, cao hơn nhiều so với mức tăng 8,6% cùng kỳ năm trước. HDBank tăng trưởng cho vay với tốc độ hơn gấp đôi. Eximbank, Sacombank, TPBank, VPBank hay SHB cũng trong tình trạng tương tự.

Tại Hội nghị do NHNN tổ chức mới đây, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, hết tháng 4, tín dụng Vietcombank đã tăng trưởng ở mức "đáng kinh ngạc" - trên 9%, tương đương tăng ròng khoảng 100.000 tỷ đồng.

Theo ông Cường, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid giống như cơn khát nước sau trận hạn hán, nên tăng lên rất nhanh. Với room tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ. Vì vậy, đại diện Vietcombank đề nghị NHNN nới room tín dụng cho các ngân hàng một cách phù hợp để tham gia hỗ trợ khách hàng.

Đại diện BIDV cho biết theo khảo sát trong quý IV/2021, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của khách hàng tốt là ngày càng lớn, trong khi room tín dụng chỉ ở mức hơn 10% gây khó khăn cho ngân hàng. Do đó, ngân hàng rất mong NHNN xem xét nới room tín dụng cho BIDV và các tổ chức tín dụng lớn để có thể triển khai được Nghị quyết 31.

Tương tự, đại diện ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam cho rằng khi chưa gói hỗ trợ lãi suất thì nhu cầu tín dụng đã cao rồi, nay có gói hỗ trợ lãi suất thì nhu cầu càng cao hơn. Do đó, vị này cũng kiến nghị NHNN nới room tín dụng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá: "Nhu cầu vốn hiện nay là rất lớn, nhu cầu tăng trưởng room tín dụng của các ngân hàng là rất lớn. Do đó, cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý, nếu không sẽ rất khó cho các ngân hàng khi điều kiện đủ nhưng lại không thể giải ngân do hết room".

Không chỉ lãnh đạo ngân hàng, giới đầu tư cũng tỏ ra khá ''sốt ruột'' khi các nhà băng vẫn chưa được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Theo Chuyên gia Đặng Trần Phục - Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty AzFin, một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa có nhiều đột biến là do thị trường đang quan ngại về việc room tín dụng có khả năng bị thu hẹp.

"Trong quý I, các ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng tín dụng rất mạnh. Sang đến quý I, đa phần các nhà băng vẫn chưa được ngân hàng nhà nước cấp tiếp hạn mức tăng trưởng. Nhiều nhà đầu tư đang lo ngại chính phủ có thể thắt chặt tiền tệ, vì thế mà room tăng trưởng tín dụng cũng không được thoải mái như trước", ông Phục nhận định.

Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng các ngân hàng sẽ được cấp room tín dụng nhiều hơn nhằm tạo điều kiện mở rộng cho vay, hỗ trợ khách hàng. Trong đó, những nhà băng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém sẽ có cơ hội tăng trưởng ở mức rất cao.

''Trong quý I/2022, nhiều ngân hàng đã cho vay hết hạn mức tín dụng được cấp đầu năm và kỳ vọng sẽ được cấp thêm room trong quý II/2022. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng, nhờ những chính sách mới của chính phủ, dòng vốn tín dụng sẽ được trải rộng ra các ngành nghề sản xuất kinh doanh từ đó giúp tăng trưởng thị trường bền vững trong tương lai.'', Chứng khoán BIDV cho hay.

Trước đó, NHNN đã có 2 đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong năm 2021. Lần 1 diễn ra vào trung tuần tháng 7 và lần 2 thực hiện vào cuối tháng 11. Kết quả, TPBank là nhà băng được cấp room tín dụng cao nhất, lên đến 23,4%; ba ngân hàng khác được cấp hạn mức trên 21% bao gồm Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). Theo sau lần lượt là VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%), OCB (15%), ACB (13,1%), VietinBank (12,5%), BIDV (12%),...

Liên quan đến vấn đề nới room tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết ngay từ khi phân bổ room tín dụng kỳ đầu tiên, NHNN đã nhận thấy tín dụng năm nay sẽ tăng mạnh hơn năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức độ nào để kiểm soát lạm phát.

''Nới hạn mức tăng trưởng tín dụng là một đề xuất rất cần thiết của các ngân hàng thương mại. Và cơ quan quản lý cũng sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế. Trong đó, tăng trưởng tín dụng đầu tiên là phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phù hợp với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác; đồng thời tạo dư địa để cho chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện", ông Tú cho hay.

Quang Hưng

Tin mới