Ngành kinh doanh thần tượng ảo trị giá hàng trăm triệu USD đang nổi tại Nhật Bản, Hàn Quốc: Khi giới trẻ chán thần tượng “bằng xương bằng thịt” nhiều scandal

(Tổ Quốc) - Những nhân vật được tạo nên bởi AI đang tạo ra một cơn sốt mới không kém phần nổi bật.

Được bắt đầu từ cách đây khá lâu, tuy nhiên phải tới thời gian gần đây, những thần tượng ảo đang dần dần tăng độ phủ sóng với số lượng người hâm mộ ngày càng đông đảo, đặc biệt là tại Trung Quốc. Những công ty tạo ra thần tượng ảo này kỳ vọng, họ sẽ một ngày nào đó thay thế được con người trong việc mang lại các chương trình giải trí chất lượng cho khán giả.

Thần tượng ảo không phải là một điều quá mới mẻ khi đã xuất hiện từ năm 2007 tại Nhật Bản với tên gọi Hatsune Miku. Mặc dù là ảo, song độ phủ sóng của Miku không hề kém cạnh bất kỳ thần tượng là con người nào, khi cô liên tục xuất hiện tại nhiều lễ hội âm nhạc lớn tại nước này.

Cuối tháng 9/ 2007, với mức giá bán 15.750 yên Nhật (khoảng 3.3 triệu đồng) cho một sản phẩm, thần tượng ảo này trở thành phần mềm bán chạy số một tại thời điểm đó. Bên cạnh việc xuất hiện tại các buổi biểu diễn, Miku còn xuất hiện ở nhiều chương trình quảng cáo nhờ vào độ nổi tiếng của mình (hơn 200.000 người theo dõi trên Twitter). Hàng loạt các sản phẩm lưu niệm, các ca khúc gắn liền với thần tượng này đều là các sản phẩm vô cùng ăn khách và đem lại doanh thu khổng lồ cho công ty tạo ra cô.

Ngành kinh doanh thần tượng ảo trị giá hàng trăm triệu USD đang nổi tại Nhật Bản, Hàn Quốc: Khi giới trẻ chán thần tượng “bằng xương bằng thịt” nhiều scandal - Ảnh 1.

Một chương trình biểu diễn của Miku tại Hong Kong (Ảnh: Asian Beat)

Khi mà công nghệ ngày một phát triển, các thần tượng ảo cũng ngày một trở nên thân thiện hơn với người dùng. Thay vì sử dụng Vocaloid như Hatsune Miku (hình ảnh kỹ thuật số được điều khiển và chạy bởi các chương trình máy tính), các thần tượng ảo mới ngày nay sử dụng giọng nói, chuyển động và biểu cảm giống với con người hơn.

Điều này đã tạo nên một sức hút không hề nhỏ đối với người hâm mộ, mà chương trình của Luo Tianyi vào năm 2019 chật kín khán giả, dù vé vào cửa lên tới 1.580 NDT (khoảng 230 USD), đã chứng minh điều này. Không chỉ mua vé, những sản phẩm liên quan tới Luo như đồ chơi, hình ảnh hay poster đều được người hâm mộ của cô nhanh chóng mua về.

Điểm quan trọng và thu hút nhất của thần tượng ảo đó là việc người hâm mộ có thể tùy chỉnh thần tượng trên các ứng dụng sao cho phù hợp nhất với bản thân. Mỗi thần tượng ảo được chỉnh sửa đều có nét riêng và độc đáo, thể hiện sở thích và đam mê của từng người đối với họ. Hình ảnh của các thần tượng ảo này là hoàn hảo trong mắt những người hâm mộ.

Ngành kinh doanh thần tượng ảo trị giá hàng trăm triệu USD đang nổi tại Nhật Bản, Hàn Quốc: Khi giới trẻ chán thần tượng “bằng xương bằng thịt” nhiều scandal - Ảnh 2.

Người hâm mộ của Luo Tianyi tại buổi biểu diễn của cô (Ảnh: Jane Zhang – SMCP)

Với việc dịch Covid hoành hành, những buổi biểu diễn thực tế không thể diễn ra, các nền tảng streaming trở thành nơi để các thần tượng ảo biểu diễn. Bilibili là một trong những nền tảng như vậy. Cuối năm 2020, Hiseki Erio – một thần tượng ảo khác – đã thực hiện một buổi biểu diễn kéo dài tới 9 tiếng trên nền tảng này, thu hút tới 90.000 người xem với trên 3.000 người đã đăng ký theo dõi có trả phí cho kênh của cô.

Kể từ tháng 1 tới tháng 10 năm 2020, số lượng người xem trực tiếp trung bình tháng đối với các chương trình có thần tượng ảo biểu diễn đã tăng 225% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng người theo dõi các thần tượng ảo này lên tới hàng triệu, trong đó Luo có tới 4.6 triệu người theo dõi trên Weibo – mạng xã hội của Trung Quốc. Trong những năm tới, nhiều nhà phân tích dự báo sẽ có khoảng 300 triệu khách hàng tiềm năng đối với ngành công nghiệp thần tượng ảo này, trong bối cảnh số lượng người xem họ biểu diễn ngày một tăng với tốc độ phi mã.

Ngành kinh doanh thần tượng ảo trị giá hàng trăm triệu USD đang nổi tại Nhật Bản, Hàn Quốc: Khi giới trẻ chán thần tượng “bằng xương bằng thịt” nhiều scandal - Ảnh 3.

Buổi livestream của Hiseki Erio thu hút 90.000 người xem (Ảnh: Bilibili)

Ngoài việc kiếm tiền từ các buổi biểu diễn có giá vé ngang ngửa với các sao hạng A và tiền ủng hộ trong những buổi livestream của người hâm mộ, các thần tượng ảo còn tạo ra thu nhập từ việc bán các sản phẩm liên quan và quảng cáo.

Chi phí quảng cáo mà các nhà tài trợ phải bỏ ra để xuất hiện ở chương trình của Luo Tianyi ước tính lên tới 900.000 nhân dân tệ (khoảng 138.000 USD), không thua kém bất kỳ ngôi sao nào. Thêm vào đó, những món đồ chơi liên quan đến thần tượng này cũng bán rất chạy, dù giá bán khá cao.

Món đồ chơi nhỏ với hình ảnh của Luo Tianyi được bán với giá 298 nhân dân tệ (khoảng 45 USD – hơn một triệu đồng) được mua với số lượng lớn trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này cho thấy sự thích thú và đam mê đối với các thần tượng ảo là hoàn toàn có thật, và nó cũng cho thấy tiềm năng khổng lồ của ngành công nghiệp này. Theo South China Morning Post, dự kiến tới 2023, ngành công nghiệp này sẽ có giá trị lên tới 1,5 tỷ nhân dân tệ (231,4 triệu USD), tức tăng gấp nhiều lần so với thời điểm hiện tại.

Ngành kinh doanh thần tượng ảo trị giá hàng trăm triệu USD đang nổi tại Nhật Bản, Hàn Quốc: Khi giới trẻ chán thần tượng “bằng xương bằng thịt” nhiều scandal - Ảnh 4.

Một bức tượng như thế này của Luo Tianyi được bán với giá... 210 USD (Ảnh: BigBadToyStore)


Mặc dù không hề có thật, song khả năng tùy chỉnh để phù hợp với mỗi người hâm mộ đã khiến thần tượng ảo trở nên ngày càng nổi tiếng. Với việc số người hâm mộ, đặc biệt là những người trẻ, ngày càng tăng, tương lai của ngành công nghiệp thần tượng là tương đối sáng lạn. Không chỉ có thể kiếm tiền từ những buổi hòa nhạc trực tiếp, họ còn có thể trình diễn trên các nền tảng livestream với số giờ không giới hạn.

Đồng thời, những sản phẩm ăn theo và phí quảng cáo cũng đem lại cho những nhà sản xuất các thần tượng này một khoản tiền không nhỏ. Thần tượng ảo được dự báo sẽ trở thành một xu hướng lớn với độ phủ sóng rộng khắp trong một vài năm tới đây, với quy mô được dự báo lên tới hàng tỷ nhân dân tệ tại Trung Quốc.

Phạm Tiến Đạt

Tin mới