(Tổ Quốc) - Sản lượng bán hàng thép trong quý 3 giảm mạnh so với hai quý đầu năm, tuy vậy Hoà Phát vẫn "một mình một ngựa" báo về lợi nhuận đạt mức kỷ lục.
Hoà Phát (HPG) là công ty thép duy nhất báo cáo lợi nhuận ròng tiếp tục tăng trưởng trong quý 3/2021 so với quý liền trước. Các doanh nghiệp lớn khác trong ngành gồm Hoa Sen, Nam Kim, SMC, Tisco, VNSteel đều cho thấy sự đứt gãy trong chuỗi tăng trưởng.
Về quy mô, Hoà Phát thể hiện sự vượt trội tuyệt đối. Trong quý 3 vừa qua, Hoà Phát báo lãi ròng kỷ lục 10.352 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với dự báo trước đó được đưa ra bởi CTCP Chứng khoán SSI (8.700 tỷ đồng). Và điều này là tương đối bất ngờ, trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng nặng bởi làn sóng đại dịch thứ tư. Luỹ kế 9 tháng, công ty của tỷ phú Trần Đình Long lãi ròng 27.051 tỷ đồng, nằm trong số ít ỏi doanh nghiệp có khả năng lãi tỷ đô của Việt Nam.
Trên sàn chứng khoán, Hoà Phát xếp thứ hai về lợi nhuận sau Vinhomes và đứng trên cả Vietcombank (ngân hàng lãi nhất Việt Nam).
Lợi nhuận ròng quý 3 của Hoa Sen đạt 940 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức kỷ lục quý 2 là 1.702 tỷ đồng. Tương tự, Nam Kim lãi ròng 607 tỷ đồng, giảm từ mức 848 tỷ đồng quý liền trước. SMC lợi nhuận ròng 127 tỷ đồng, giảm từ 502 tỷ đồng. Tisco lãi ròng 15 tỷ đồng, giảm từ 77 tỷ đồng. Hay như VNSteel lãi ròng 40 tỷ đồng, giảm từ 496 tỷ đồng.
Tuy nhiên so với cùng kỳ, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép vẫn tăng trưởng hết sức mạnh mẽ.
Theo số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), tổng sản lượng sản xuất thép trong quý 3 giảm mạnh so với quý 2. Trong đó, lượng giảm chủ yếu đến từ thép xây dựng. Điều tương tự xảy ra với thống kê về sản lượng bán hàng.
Trong khi đó, giá nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp kể từ cuối năm 2020. Giá quặng sắt đầu tháng 10/2021 giao dịch ở mức xấp xỉ 124 – 125 USD/tấn; giá thép phế liệu sau khi giảm trong quý 3 đã điều chỉnh tăng trở lại, trên 520 USD/tấn; nhưng giá than mỡ luyện cốc đã tăng cao ở mức 335 - 340 USD/tấn.
Quay trở lại với Hoà Phát – "ngôi sao sáng" của ngành thép. Công ty hiện có công suất sản xuất thép thô 8 triệu tấn/năm, là nhà sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Trong 9 tháng đầu năm, Hoà Phát đạt sản lượng thép thô 6,1 triệu tấn, tăng 50% so với cùng kỳ; sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 6,3 triệu tấn, tăng 43%.
Hoà Phát thời điểm hiện tại có lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn dồi dào lên tới 34.617 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý 3 cũng tăng mạnh so với đầu năm, đạt hơn 46.000 tỷ đồng, tăng thêm 20.000 tỷ so với đầu năm.
Từ quý 4, Hoà Phát đã thành lập Tổng công ty Điện máy gia dụng, đẩy mạnh đầu tư phát triển ngành hàng điện lạnh nhằm tận dụng làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc. Theo ông Trần Đình Long, Hoà Phát hướng đến mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD trong mảng điện lạnh vào năm 2030.
Đông A