Ngoài xuất khẩu, đâu là nội lực phục hồi của Việt Nam?

(Tổ Quốc) - Asia Perspective cho hay, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong quý 4/2020 là nhờ sự phục hồi trong ngành chế tạo sản xuất với mức tăng trưởng 8,63% so với cùng kỳ năm trước.

Vừa qua, hãng tư vấn quản lý độc lập Asia Perspective (Hoa Kỳ) đã công bố báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam, trong đó nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong quý 4/2020 là nhờ sự phục hồi trong ngành chế tạo sản xuất.

Cụ thể, quý 4/2020, ngành chế tạo sản xuất đã tăng trưởng ở mức 8,63% so với cùng kỳ năm trước đó. Vào giai đoạn Việt Nam kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 cũng như Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, ngành chế tạo sản xuất của Việt Nam tăng trưởng ở mức 5,82% trong năm 2020, trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, giá trị gia tăng của lĩnh vực công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2020. Báo cáo cũng chỉ rõ, việc ngành chế tạo sản xuất tăng trưởng mạnh đã giúp GDP của Việt Nam trong quý 4/2020 tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, giúp tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,91%. Đây là thành tựu kinh tế ấn tượng trong một năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Mặc dù GDP cả năm 2020 tăng trưởng ở mức thấp nhất trong thập kỷ qua, nhưng đã khiến Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất tại châu Á (ngoài Trung Quốc) đạt mức tăng trưởng dương năm 2020.

Theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý 4/2020 tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt gần 79 tỷ USD. Nhập khẩu tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 76 tỷ USD. Trong năm 2020, xuất khẩu tăng 6,5% và nhập khẩu tăng 3,6% với thặng dư thương mại đạt trên 19 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2016.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam tăng từ 117 trong quý 2/2020 lên 121 vào quý 4/2020. Nhìn chung, các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả đã đảm bảo mức tăng trưởng cho lĩnh vực tiêu dùng trong nước cũng như ngành du lịch nội địa. Do đó, tổng doanh thu bán lẻ và tiêu dùng trong nước vào quý 4/2020 đạt xấp xỉ 60,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với quý 3/2020 và 8,0% so với cùng kỳ năm ngoái.

Liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, Asia Perspective nhận định, FDI vào Việt Nam trong quý 4/2020 đã tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, song tổng vốn FDI cả năm giảm 2% so với năm 2019. Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba của Việt Nam trong năm 2020, cùng với Singapore và Hàn Quốc. Ngành chế tạo sản xuất vẫn là ngành hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư, chiếm 47,7% vốn FDI đăng ký mới vào năm 2020.

Hà Trần

Tin mới