(Tổ Quốc) - Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Hà Nội đứng đầu top 10 địa phương đắt đỏ nhất cả nước. Xếp ngay sau lần lượt là Quảng Ninh (99,89%), TP. Hồ Chí Minh (96,2%), Đà Nẵng (95,89%) và Bà Rịa - Vũng Tàu (95,86%).
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (viết tắt theo tiếng Anh là SCOLI) là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các vùng kinh tế - xã hội trong một thời gian nhất định (thường là một năm).
Chỉ số SCOLI phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá kết quả thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, trợ cấp tiền lương. Đồng thời, chỉ số này còn là cơ sở để tính Chỉ số phát triển con người (HDI) và Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo sức mua tương đương.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định, năm 2022, thứ tự đắt đỏ giữa các vùng kinh tế không biến động so với năm 2021. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục giữ vị trí có giá cả đắt đỏ nhất cả nước. Vị trí thứ hai là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chỉ số SCOLI năm 2022 bằng 99,42%, tiếp theo là Đông Nam Bộ 98,62%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 98,33%, Tây Nguyên 97,87% và cuối cùng là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 94,85%.
Xét theo từng địa phương, Hà Nội đứng đầu top 10 tỉnh, thành đắt đỏ nhất cả nước. Xếp ngay sau lần lượt là Quảng Ninh (99,89%), TP. Hồ Chí Minh (96,2%), Đà Nẵng (95,89%) và Bà Rịa - Vũng Tàu (95,86%).
Ngoài ra, trong top 10 còn có Thừa Thiên - Huế (95,83%), Sơn La (95,76%), Bình Dương (95,4%), Lâm Đồng (95,29%) và Quảng Bình (94,75%).
Nếu so sánh về thu nhập trong top 10 địa phương đắt đỏ nhất, kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy tỉnh Bình Dương xếp đầu về thu nhập bình quân đầu người với 8,076 triệu đồng/người/tháng.
Xếp sau lần lượt là Hà Nội (6,423 triệu đồng/người/tháng), TP. Hồ Chí Minh (6,392 triệu đồng/người/tháng), Đà Nẵng (5,807 triệu đồng/người/tháng), Bà Rịa - Vũng Tàu (4,815 triệu đồng/người/tháng) và Quảng Ninh (4,811 triệu đồng/người/tháng).
Ngoài ra, trong top 10 còn có Lâm Đồng (4,428 triệu đồng/người/tháng), Thừa Thiên - Huế (4,281 triệu đồng/người/tháng), Quảng Bình (3,625 triệu đồng/người/tháng) và Sơn La (2,141 triệu đồng/người/tháng).
Có thể thấy, hầu hết các tỉnh, thành đắt đỏ nhất cả nước đều có mức thu nhập cao. Cụ thể, tỉnh Bình Dương đứng đầu các tỉnh, thành về thu nhập bình quân đầu người. 3 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng lần lượt xếp thứ tự thứ 2, 3 và 6.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ninh cũng lần lượt xếp thứ 12 và 13 trong danh sách các tỉnh, thành có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Trong top 10 địa phương đắt đỏ nhất cả nước chỉ có Sơn La là tỉnh miền núi có thu nhập thấp, xếp thứ 61/63.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế - xã hội năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao.
Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam phụ thuộc vào diễn biến thương mại toàn cầu suy giảm; căng thẳng địa chính trị, tranh chấp, trừng phạt nhau giữa các quốc gia; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ… làm cho đơn đặt hàng giảm, doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới ở mức cao.
Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời đưa ra một loạt các giải pháp và quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác quản lý, điều hành giá thận trọng, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với các mục tiêu chung, đảm bảo mặt bằng giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát năm 2022 ở mức 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra.
Bên cạnh đó, hàng hóa tiêu dùng dồi dào với hệ thống phân phối đa dạng nên mức giá hàng hóa, dịch vụ của các địa phương ít biến động. Do vậy, chỉ số SCOLI năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thay đổi nhiều so với năm 2021.
Anh Tuấn