(Tổ Quốc) - Người gửi tiền không hẳn được lợi hơn trong một số trường hợp.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến Dự thảo về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt TCTD) thay thế cho Thông tư số 04/2011/TT-NHNN ngày 10/03/2011 Quy định áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại tổ chức tín dụng.
Điểm mới nổi bật của Dự thảo so với Thông tư 04 là việc quy định cụ thể rút trước hạn tiền gửi gồm rút một phần hoặc rút toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn và lãi suất áp dụng đối với phần tiền gửi rút trước hạn, lãi suất áp dụng đối với phần tiền gửi còn lại.
Nếu như trước đây, khách hàng gửi tiết kiệm và muốn rút trước hạn thì phải tất toán toàn bộ số tiền trên sổ tiết kiệm và phải chịu lãi suất không kỳ hạn. Dự thảo lần này đã quy định cụ thể hơn về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn đối với trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi và trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi. Cụ thể:
Trường hợp rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: lãi suất rút trước hạn tối đa bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD theo đối tượng khách hàng (cá nhân, tổ chức) và/hoặc loại đồng tiền (gửi tiết kiệm Việt Nam Đồng hoặc Ngoại tệ) đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.
Trường hợp rút trước hạn một phần tiền gửi: Đối với phần tiền gửi rút trước hạn: lãi suất rút trước hạn được xác định tương tự như trường hợp rút trước hạn toàn bộ tiền gửi. Đối với phần tiền gửi còn lại: TCTD và khách hàng thỏa thuận mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần. Mức lãi suất này được áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn tiền gửi.
Như vậy, TCTD có thể thỏa thuận mức lãi suất cho khoản tiền còn lại thấp hơn hoặc bằng so với mức lãi suất đã áp dụng tại thời điểm khách hàng gửi ban đầu.
Người gửi tiền được có thêm sự lựa chọn rút tiền, nhưng chưa hẳn được lợi
Về cơ bản quy định mới giúp cho người gửi tiền có thêm sự lựa chọn khi muốn sử dụng khoản tiền đã gửi tại ngân hàng, chưa hẳn mang lại lợi ích thật sự cho người gửi tiền trong một số trường hợp.
Ví dụ, khách hàng gửi tiết kiệm 100 triệu đồng, kỳ hạn 12 tháng, nhận lãi cuối kỳ với lãi suất 6%/năm, lãi suất không kỳ hạn 0,1%/năm (tham khảo tại website của Nam A Bank). Đầu tháng thứ 7, khách hàng cần rút trước hạn 60 triệu đồng.
Nếu áp dụng theo quy định mới, số tiền lãi khách hàng sẽ nhận được tính toán tương đối như sau: Tiền lãi trước hạn đối với số tiền 60 triệu đồng rút trước hạn khoảng 30.000 đồng (60.000.000 x 0,1%/12 x 6). Giả sử số tiền 40 triệu đồng còn lại, TCTD thỏa thuận với khách hàng áp dụng lãi suất 6% (bằng với lãi suất áp dụng lúc gửi ban đầu), tiền lãi khoảng 2.400.000 đồng (40.000.000 x 6%/12 x 12). Tổng số tiền lãi tiết kiệm khách hàng sẽ nhận khoảng 2.430.000 đồng.
Trường hợp như trên, khách hàng sẽ được lợi hơn nếu sử dụng dịch vụ vay cầm cố sổ tiết kiệm của ngân hàng nhận tiền gửi tiết kiệm. Thông thường, lãi suất cầm cố/chiết khấu sổ tiết kiệm tại một số ngân hàng được xác định bằng lãi suất cuối kỳ tương ứng kỳ hạn gửi (cộng) biên độ. Theo quan sát của người viết, biên độ các ngân hàng đang áp dụng trong khoảng 1% - 3%. Với ví dụ trên, lãi suất tiền vay cao nhất là 9%. Giả sử khách hàng muốn vay 60 triệu đồng đến kết thúc kỳ hạn sổ tiết kiệm và tất toán sổ tiết kiệm để thanh lý khoản vay. Lãi suất tiền vay 9%. Lãi tiền vay khoảng 2.700.000 đồng (60.000.000 x 9%/12 x 6). Lãi tiền gửi tiết kiệm khoảng 6.000.000 đồng (100.000.000 x 6%/12 x 12). Sau khi trừ lãi tiền vay, khách hàng sẽ nhận số tiền lãi còn lại khoảng 3.300.000 đồng.
Như vậy, trong trường hợp trên khách hàng sẽ không có lợi nếu rút trước hạn một phần tiền gửi theo quy định mới.
Để tối đa hóa lợi ích, người gửi tiền cần cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn rút trước hạn tiền gửi. Chỉ nên rút trước hạn một phần tiền gửi nếu: người gửi tiền muốn sử dụng khoản tiền rút trước hạn trong một khoảng thời gian dài bằng hoặc lớn hơn kỳ hạn đã gửi hoặc khoản tiền gửi vừa đã trải qua được 20 – 30% thời gian của kỳ hạn gửi; hoặc phần tiền gửi rút trước hạn chiếm tỷ trọng nhỏ của toàn bộ tiền gửi. Ngược lại, người gửi tiền nên sử dụng dịch vụ cầm cố/chiết khấu tiền gửi của ngân hàng nhận tiền gửi sau khi cân nhắc giữa lãi tiền vay và lãi tiền gửi.
Ngoài ra, theo quan sát của người viết, hiện nay khi khách hàng gửi tiền tiết kiệm có tham gia một số chương trình khuyến mãi, quay thưởng của ngân hàng thì khách hàng không được rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm.
Ngân hàng sẽ thay đổi chiến lược huy động vốn và phát triển sản phẩm huy động
Theo quy định hiện hành, với yêu cầu rút trước hạn toàn bộ hoặc một phần tiền gửi của khách hàng, TCTD chỉ có thể tất toán trước hạn toàn bộ tiền gửi hoặc nhận cầm cố/chiết khấu tiền gửi. Nếu tất toán trước hạn toàn bộ tiền gửi thì TCTD chi trả lãi tiền gửi theo lãi suất không kỳ hạn. Nếu nhận cầm cố/chiết khấu tiền gửi thì lãi tiền gửi phải trả cho người gửi tiền cũng sẽ thấp hơn so với số tiền dự chi lãi ban đầu và duy trì được số dư huy động tiền gửi của ngân hàng.
Nếu áp dụng theo quy định mới, TCTD sẽ phải điều chỉnh chiến lược huy động vốn bằng tiền gửi và các hình thức nhận tiền gửi khác được điều chỉnh bởi quy định mới. TCTD cũng phải tính toán chi phí, kế hoạch sử dụng vốn. Theo nhận định của người viết, khi dự thảo Thông tư có hiệu lực huy động tiền gửi của các TCTD sẽ có nhiều biến động, biên độ tăng giảm cũng sẽ thay đổi.
Tuy nhiên, với việc cho phép rút trước hạn một phần tiền gửi, TCTD sẽ xây dựng được những sản phẩm, dịch vụ tiền gửi mới đa dạng và hữu ích cho khách hàng. Ngoài ra, để bù đắp các chi phí liên quan, TCTD hoàn toàn được quyền thỏa thuận lãi suất áp dụng cho phần tiền gửi còn lại thấp hơn hoặc bằng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.
Như vậy, ý tưởng cho một sản phẩm tiền gửi mới cho các TCTD khi vận dụng những điều chỉnh mới của Dự thảo như sau: đối với phần tiền gửi rút trước hạn khách hàng sẽ phải chịu lãi suất không kỳ hạn. Đối với phần tiền gửi còn lại, lãi suất áp dụng bằng lãi suất ban đầu – (trừ) một tỷ lệ % cố định tương ứng với kỳ hạn tiền gửi. Hoặc đối với phần tiền gửi còn lại, lãi suất áp dụng bằng với lãi suất hiện hành, trường hợp lãi suất hiện hành cao hơn lãi suất ban đầu thì áp dụng lãi suất ban đầu.
Nhìn chung, việc điều chỉnh và ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư 04 là phù hợp với bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay, đảm bảo sự đồng bộ của các quy định pháp luật có liên quan (Quy định về tiền gửi tiết kiệm, Quy định về tiền gửi có kỳ hạn). Ngân hàng có thể phát triển được những sản phẩm huy động mới, đa dạng và nhiều tiện ích cho khách hàng. Khách hàng sẽ có thêm sự lựa chọn, linh hoạt hơn khi cần rút tiền gửi trước hạn, được trải nghiệm, sử dụng những sản phẩm huy động, dịch vụ ngân hàng với nhiều tiện ích hơn trong tương lai.
ThS. Lê Hồng Thái