(Tổ Quốc) - Những quy định mới gần đây, cùng với việc lãi suất huy động liên tục tăng, người gửi tiền ngày càng có lợi. Nhiều người dùng ngân hàng cho biết, họ sẽ tự tin hơn trong việc gửi số tiền lớn, kỳ hạn dài vào ngân hàng, không phải giữ lại nhiều tiền mặt hay phải chia nhỏ các khoản tiền gửi như trước đây.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư 04/2022/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/8 năm nay.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quy định, nếu khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi có kỳ hạn thì chỉ phần rút trước hạn này chịu lãi suất không kỳ hạn (thường không quá 0,1%/năm), phần tiền gửi còn lại được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng. Trong khi theo quy định trước đây, khách hàng không được rút một phần tiền gửi mà phải rút toàn bộ sổ tiết kiệm và chịu lãi suất tối đa bằng lãi không kỳ hạn.
Ví dụ, khách hàng có khoản gửi tiết kiệm tại ngân hàng 1 tỷ đồng, kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 6,5%/năm, đến hạn ngày 1/10/2022. Tuy nhiên, do có việc gấp, khách hàng này muốn rút trước hạn 200 triệu đồng ngày 1/9. Số tiền 200 triệu này sẽ được tính lãi suất không kỳ hạn (khoảng 0,1%/năm). Số tiền còn lại là 800 triệu đồng vẫn được hưởng lãi suất 6,5%/năm cho đến ngày đáo hạn.
Như vậy, so với quy định cũ, khách hàng được hưởng lợi hơn về lãi suất khi rút trước hạn một phần, đồng thời cũng sẽ linh hoạt hơn khi cần tiền gấp.
Chị Ngọc Anh (Hà Nội), một người dùng cho biết, trước đây, khi quy định rút trước hạn sẽ áp dụng toàn bộ theo lãi suất không kỳ hạn, chị sẽ rất đắn đo khi gửi tiết kiệm số tiền lớn, kỳ hạn dài vì khi cần việc gấp mà rút trước hạn sẽ chịu thiệt khá nhiều. Trong khi gửi kỳ hạn ngắn thì lãi suất rất thấp.
Nhưng với quy định mới, Chị Ngọc Anh sẽ tự tin hơn trong việc gửi tiền vào ngân hàng, không phải giữ lại nhiều tiền mặt hay phải chia nhỏ các khoản tiền gửi như trước đây. Đồng thời, khách hàng này cho rằng, gửi kỳ hạn dài sẽ có lợi hơn rất nhiều vì lãi suất cao, trong khi lãi suất kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng) hiện nay rất thấp, tối đa chỉ 4%/năm .
Không chỉ quy định mới trên mà người gửi tiền ngân hàng cũng ngày càng có lợi hơn khi lãi suất huy động được các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng thời gian gần đây. Trong nửa đầu năm 2022, hầu như ngân hàng tư nhân nào cũng đã tăng lãi suất thêm 0,3-0,8%/năm. Thậm chí, tại ABBank vừa qua đã cộng lãi suất tới 1,5%/năm cho khách hàng, đẩy lên đến 7,2%/năm.
Ngoài ABBank, hiện hàng loạt ngân hàng đã niêm yết lãi suất cao nhất trên dưới 7%/năm như SCB, VietCapitalBank, VietABank, NamABank,…Lãi suất ở những ngân hàng lớn như VPBank, SHB, Sacombank,…cũng lên sát 7%/năm.
Các ngân hàng cũng đua nhau tung các chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho khách hàng gửi tiền. Chẳng hạn tại OCB, từ nay đến hết tháng 8, khi gửi tiết kiệm tại quầy giao dịch OCB trên toàn hệ thống sẽ được nhận ngay quà tặng du lịch như Bộ quà Eco-friendly hoặc E-voucher du lịch Got it. Ngoài ra, khi gửi tiết kiệm từ 300 triệu đồng với kỳ hạn gửi từ 01 tháng đến 36 tháng khách hàng sẽ được nhận mã số dự thưởng để tham gia quay số cuối chương trình và cơ hội trúng ngay các chuyến du lịch như Thụy Sĩ, Úc, Bali, Kuala Lumpur, Phú Quốc, Nha Trang.
Gửi tiết kiệm ngân hàng ngày nay cũng rất tiện lợi khi có thể thực hiện online trên ứng dụng ngân hàng số, Internet Banking. Lãi suất tiết kiệm online cũng cao hơn khá nhiều so với gửi tại quầy, thường cao hơn khoảng 0,2-0,5%/năm.
Động thái tăng lãi suất trong nửa năm trở lại đây đã giúp tiền gửi vào ngân hàng tăng trưởng tích cực những tháng đầu năm 2022. Theo Ngân hàng nhà nước, đến hết tháng ba tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (tổng phương tiện thanh toán) đã tăng 3,45%, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 1,97%.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tốc độ tăng trưởng tích cực của tiền gửi ngân hàng sẽ vẫn duy trì trong thời gian tới do nền kinh tế phục hồi, thu nhập người dân tăng lên. Ngoài ra, xu hướng số hóa ngân hàng cũng sẽ thúc đẩy giao dịch thanh toán không tiền mặt, từ đó dòng tiền tiếp tục chảy vào ngân hàng.
Thanh Anh