(Tổ Quốc) - Bạn đã bao giờ thử nấu ăn trong nhà vệ sinh chưa? Ở Hong Kong, rất nhiều gia đình phải chen chúc sống trong những căn phòng rộng chưa đầy chục mét vuông, nấu ăn ngay trong nhà vệ sinh... Thậm chí, căn phòng của họ không đủ chỗ để cả gia đình có thể cùng ăn cơm một cách tử tế.
01.
Thiếu Linh là một bà mẹ làm việc toàn thời gian, chồng cô làm bảo vệ ở Hong Kong và kiếm được hơn 10.000 NDT (khoảng 1.500 USD) mỗi tháng. Cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn đối với gia đình 4 miệng ăn này. Họ sống chen chúc trong những căn hộ chia nhỏ có diện tích chưa đầy 5m2.
Vì nơi ở quá nhỏ, việc nấu nướng được thực hiện ngay trên máy giặt, Thiếu Linh thường chọn những thực phẩm đơn giản nhất có thể, như vậy sẽ tương đối ít khói khi nấu nướng. Ngoài việc mua thức ăn ở chợ, Thiếu Linh thường đến ngân hàng thực phẩm để lấy thức ăn, ở đó sẽ phát miễn phí một số mì và nhiều phiếu giảm giá khác nhau, nhờ đó cô có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền trong một năm.
Thiếu Linh đã quá quen với Hong Kong. Ngay từ năm 13 tuổi, cô cùng mẹ đến nơi đây để tìm cha. Sau đó, cô kết hôn và an cư tại đây. Sau tám năm kết hôn, đã nhiều lần chuyển nhà nhưng chưa lần nào cô thoát khỏi kiếp phải sống trong các căn hộ chia nhỏ.
"Căn hộ chia nhỏ” là một hình thức thuê nhà phổ biến ở Hong Kong. Để có thể chứa nhiều người hơn và đáp ứng nhu cầu của nhiều người nghèo, chủ nhà sẽ chia một ngôi nhà bình thường thành nhiều phòng và sau đó cho những người khác thuê. Dù mỗi phòng chỉ có vài mét vuông nhưng tiền thuê lại lên đến 3-5 nghìn NDT. Suy cho cùng, ở Hong Kong tấc đất tấc vàng, nếu muốn tồn tại mà lại không đủ tiền mua nhà riêng, thì bạn chỉ có thể sống trong các căn hộ chia nhỏ.
Trong căn hộ của mình, Thiếu Linh phải tận dụng không gian hết sức có thể. Bếp từ đặt trên máy giặt, đồ dùng nhà bếp và những đồ dùng cần thiết hàng ngày được treo trên cùng một kệ. Ngoài ra, bức tường được dùng để treo TV và các đồ lặt vặt khác. Khi nấu ăn, cô chỉ có thể chui rúc là một góc.
Đối với cô, đây không phải là nhà, mà chỉ là một nơi để tá túc tạm thời. Khi chỉ có một chiếc bếp, mỗi lần nấu ăn cô sẽ mất cả tiếng đồng hồ. Khi cơm chín, các món ăn có lẽ đã nguội hoàn toàn. Bây giờ cô đã mua được hai chiếc bếp, nhưng dù vậy, mỗi lần nấu cô vẫn xoay sở rất vất vả.
Vì không có máy hút mùi, tất cả khói nấu nướng sẽ bị kẹt lại trong căn phòng nhỏ này. Thiếu Linh thường xuyên bị sặc mùi khói khó chịu đó. Vì không gian quá nhỏ nên cô phải dọn dẹp ngay sau khi ăn xong để phòng khô ráo, nếu không, nước có thể chảy xuống sàn, xuống giường và tràn ra khắp nơi.
Buổi tối, khi chồng Thiếu Linh đi làm về, anh phải nghiêng người mới chui lọt vào cửa. Cả nhà mở bàn ra ăn tối, chiếc bàn tuy nhỏ nhưng rất “đa zi năng”: gia đình ăn cơm, con cái làm bài tập, tất cả đều dựa vào chiếc bàn này. Không gian để cả nhà ngồi lại ăn cơm rất nhỏ, hai vợ chồng đã phải chuyển chiếc giường lớn sang giường nhỏ để chừa ra một khoảng để đi lại.
Khi ăn cơm, mỗi thành viên sẽ ngồi khúm núm ở một góc bàn, trên đầu họ treo đầy là quần áo. Vì nhà nhỏ, chỉ cần xoay người là va phải đồ vật, nhưng họ vẫn kiên quyết ngồi ăn cùng nhau. Đối với họ, bữa cơm quây quần là điều duy nhất khiến họ cảm thấy nơi đây vẫn là nhà. Ăn tối cùng nhau đã trở thành thói quen trong cuộc sống khó khăn của họ.
Vợ chồng Thiếu Linh năm nay 30 tuổi. Đối với họ, mua một căn nhà riêng ở Hong Kong là điều không thể. Hy vọng duy nhất lúc này của họ là chờ đến lượt bố trí nhà thuê công. Nhà thuê công là khu nhà cho thuê công cộng cho một số người dân nghèo. Nhưng thực tế nhà thuê công không đủ cho tất cả người nghèo, họ đã đợi 5 năm vẫn chưa tới ngày được bố trí nhà thuê công.
Theo thống kê, tính đến năm 2017, dân số nghèo ở Hong Kong đã lên tới gần 1,4 triệu người, và gần 20% dân số ở dưới mức nghèo khổ. Nói cách khác, cứ năm người đi bộ trên đường phố thì có một người đang lo lắng về cuộc sống của họ.
02.
Ngoài Thiếu Linh, bà Lâm cũng là người có số phận tương tự. 17 năm trước, bà lấy chồng người Hong Kong. Sau khi ly hôn, bà cùng bạn trai mới sinh một cô con gái. Tuy nhiên, bạn trai của bà vì hoàn cảnh nghèo khó mà không muốn nuôi con, việc nuôi con gái phó thác cho mình bà lo liệu.
Sống chen chúc trong một căn hộ chia nhỏ vỏn vẹn 6m2, cuộc sống của bà rất khốn khổ. Vì không gian quá nhỏ, bà chỉ có thể nấu nướng trong nhà vệ sinh. Khói dầu tràn ngập khắp phòng, vi khuẩn trong nhà vệ sinh theo đó bay khắp phòng, khiến căn phòng thường xuyên có mùi lạ rất khó chịu. Đối với bà, đây hoàn toàn không phải là nhà, mà là một ổ chuột.
Vì vậy, bà Lâm rất ít khi nấu ăn ở nhà, bà thường ra đường mua một vài suất ăn rẻ tiền rồi ra công viên ăn. Đối với bà, công viên là nơi bà yêu thích nhất, không gian rộng rãi, được hít thở không khí trong lành, bà còn có thể đưa con gái đi chơi sau bữa tối, đây chính là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong ngày của bà.
03.
Thêm một trường hợp nữa. Ông Cao năm nay 55 tuổi, làm việc tại một nhà hàng. Nhưng vì công việc bận rộn nên ông ít có dịp về ăn cơm cùng gia đình. Bữa cơm đoàn tụ duy nhất là lần ông lẻn ra khỏi nhà hàng trong giờ giải lao vào ngày Đông chí.
Giống như Thiếu Linh, ông cũng sống trong căn hộ chia nhỏ. Trong căn phòng có diện tích vỏn vẹn 6m2 này, việc nấu nướng đành phải dùng chung bếp với hai phòng kế bên. Tuy nhiên, trong những năm qua, 3 phòng dùng chung bếp dường như đã giao ước ngầm với nhau, họ luôn cố gắng không nấu cơm cùng một khung giờ.
Thông thường, vợ ông Cao - bà Hải Vân sẽ đưa con trai đến nhà bếp công cộng để nấu ăn. Nhà bếp công cộng mở cửa miễn phí cho các gia đình khó khăn và cung cấp một số thức ăn miễn phí cho họ. Tại đây, hàng xóm láng giềng có thể cùng nhau nấu nướng, cùng nhau ăn uống, trò chuyện với nhau để giải tỏa áp lực trong cuộc sống. Mọi người đều là người cùng chung cảnh ngộ nên rất hiểu hoàn cảnh của nhau. Họ đối xử với nhau rất hòa thuận, thoải mái.
Nói về hoàn cảnh sống hiện tại, ông Cao luôn cảm thấy có lỗi với gia đình mình. Ban đầu, ông có xe hơi và nhà riêng, nhưng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, gia đình ông đã rơi vào hoàn cảnh như hiện tại. Tuy làm việc rất chăm chỉ, nhưng giờ ông chỉ còn biết trông chờ vào ngày tới lượt ở nhà thuê công.
Trên thực tế, sống ở Hong Kong, rất nhiều người có hoàn cảnh như ông Cao, cả gia đình sống trong căn phòng chưa đầy 10m2. Không gian quá nhỏ đã hạn chế phạm vi hoạt động của họ, đồng thời hạn chế luôn cả sự trưởng thành của thế hệ con em trong nhà. Trẻ con không có một môi trường sống thoải mái thì làm sao học hành và phát triển. Hy vọng rằng tình trạng này có thể được cải thiện càng sớm càng tốt, để các thế hệ sau có một tương lai tươi sáng hơn.
Hong Kong là một trong số những thị trường bất động sản hiếm hoi trên thế giới vẫn tăng giá bất chấp dịch bệnh. Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều những phận đời đang sống tại những căn hộ chật hẹp khắp Hong Kong. Tính đến cuối tháng 3/2021, Hong Kong có khoảng 153.300 hộ gia đình nộp đơn thuê nhà công giá rẻ mà vẫn phải đợi. Thời gian đợi trung bình là khoảng 5,8 năm và dài nhất là 22 năm mới đến lượt thuê nhà công giá rẻ. Cho đến khi đó, những người này vẫn phải trả hàng nghìn USD mỗi tháng để thuê nhà riêng ngoài thị trường tự do.
Nguồn: Toutiao
Thiên An