(Tổ Quốc) - Porsche đã đầu tư một khoản tiền lên tới 75 triệu USD cho xăng xanh.
Khi biến đổi khí hậu đang dần có những tác động ngày một nặng nề lên đời sống, giới cầm quyền các quốc gia và khu vực trên thế giới cũng có các điều chỉnh nhằm cải thiện tình hình. Trong những điều chỉnh đó phải kể tới những mốc thời gian trung hòa các-bon và mốc thời gian cấm bán xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Có thể nhắc tới Canada, Mỹ (tại một số bang như California, Massachusetts) và các quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu đặt ra mốc năm 2035 để cấm bán các mẫu xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Riêng với châu Âu, các nhà lập pháp của khối đang ủng hộ một bản kế hoạch không chỉ loại bỏ xăng, dầu diesel mà cả xăng xanh.
Ủy ban môi trường của Nghị viện châu Âu ủng hộ bản kế hoạch đề xuất cắt giảm 100% khí thải từ năm 2035
Tờ Reuters đưa tin rằng ủy ban môi trường của Nghị viện châu Âu ủng hộ bản kế hoạch đề xuất cắt giảm 100% khí thải từ năm 2035. Bản kế hoạch này do Ủy ban châu Âu đưa ra từ tháng 7/2021, là một phần của kế hoạch trung hòa các-bon vào năm 2050, dựa trên việc các mẫu xe trên thị trường thường chỉ tồn tại từ 10 đến 15 năm sau khi được sản xuất.
Do vậy, việc cấm bán các mẫu xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ 2035 sẽ giúp lục địa già đạt được trung hòa các-bon vào 2050 khi những mẫu xe đó sẽ tự biến biến mất khỏi hệ thống giao thông.
Bản đề xuất đang vấp phải phản đối từ Ý.
Bản đề xuất này đang vấp phải phản đối từ Ý, là quê nhà của những hãng siêu xe nổi tiếng của thế giới như Ferrari, Lamborghini - những mẫu xe nổi tiếng với việc tiêu tốn nhiều nhiên liệu và phát thải nhiều. Ban đầu, Ý trông chờ những khoảng trống trong bản kế hoạch để một số nhà sản xuất nhỏ lẻ có thể "đi vòng", nhưng sau cùng cũng không làm được gì.
Pháp cũng từng tranh đấu để các mẫu xe lai điện được nằm trong danh sách ngoại lệ; song, vì xe lai điện vẫn sử dụng động cơ đốt trong nên nhiều khả năng cũng sẽ không được chấp thuận.
Nghị viện châu Âu sẽ sớm bỏ phiếu cho những đề xuất về khí thải này, từ đó thì các nhà lập pháp và các quốc gia thành viên cũng sẽ phải đặt ra những thay đổi cụ thể về quy định. Hiện tại, khoảng 25% lượng khí thải CO2 tại châu Âu đến từ các phương tiện giao thông, tức là việc điện hóa hệ thống giao thông sẽ mang lại những thay đổi đáng kể.
Highly Innovative Fuels là đơn vị đầu tiên của thế giới sản xuất loại xăng xanh từ hydro.
Với những điều này, dường như sẽ không có bất cứ ngoại lệ nào, kể cả các loại nhiên liệu trung hòa các-bon (tạm gọi là "xăng xanh"). Được biết, hiện Porsche đã dành vài năm cho đầu tư và nghiên cứu để phát triển và phổ biến một loại xăng xanh được gọi là eFuel. Hồi đầu tháng 4 vừa qua, Porsche công bố rằng hãng đã đầu tư tới 75 triệu USD cho một công ty Chile có tên Highly Innovative Fuels (HIF), chuyên nghiên cứu công nghệ xăng xanh như một giải pháp bền vững cho nhiên liệu hóa thạch.
Quy trình sản xuất eFuel.
Khoản đầu tư nhiều chục triệu USD này giúp Porsche có được khoảng 12,5% cổ phần của HIF. Về loại xăng xanh này, HIF đã cùng với Siemens Energy và ExxonMobil nghiên cứu ra phương pháp sản xuất sử dụng điện gió để biến Hydro và CO2 thu được trong không khí thành nhiên liệu dạng lỏng.
Chưa rõ tính khả thi của loại xăng xanh của HIF này tới đâu, nếu thành công thì châu Âu có lẽ không phải là nơi mà loại xăng xanh này được sử dụng cho phương tiện giao thông đường bộ.
Porsche cho rằng ngành vận tải hàng không hoặc đường thủy có thể sẽ là những khách hàng tiềm năng. Porsche cũng đang hướng tới việc đưa loại xăng xanh này vào các giải đua xe nhưng không tiết lộ rõ kế hoạch.
Minh Đức