Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 8

(Tổ Quốc) - Bước sang tháng 8, lãi suất tiền gửi lại tiếp tục được điều chỉnh tăng tại một số nhà băng. Cuộc đua lần này còn có thêm các "ông lớn" gia nhập.

Mặc dù so với đầu năm, mặt bằng lãi suất đã tăng lên đáng kể, song cuộc đua lãi suất dường như chưa có dấu hiệu dừng lại khi đầu tháng 8 lại có thêm nhiều nhà băng điều chỉnh biểu lãi suất niêm yết.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa thông báo điều chỉnh 0,3-0,8%/năm từ đầu tháng 8, tùy gói sản phẩm. Trước đó, vào đầu tháng 7 nhà băng này cũng có 1 đợt điều chỉnh lãi suất, tăng thêm đến 1%/năm ở 1 số kỳ hạn. Hiện ACB đã bổ sung thêm kỳ hạn dài hơn cho các gói sản phẩm bên cạnh việc tăng lãi suất, như ở gói tiền gửi Tài lộc, lãi suất cao nhất là 6,5% áp dụng cho khách hàng có tiền gửi từ 100 triệu trở lên với kỳ hạn gửi là 36 tháng. Với hình thức gửi trực tuyến, Ngân hàng cũng điều chỉnh tăng 0,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng đến 9 tháng, lên mức 5,6%/năm. Nếu gửi online trên 500 triệu kỳ hạn 12 tháng, lãi suất được hưởng sẽ lên tới 6,2%/năm.

VPBank cuối tuần qua cũng gửi thông báo đến các khách hàng về việc tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,5%/năm. Cụ thể, với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất có thể được hưởng là 6,7%/năm nhưng sẽ đi kèm với điều kiện số tiền gửi trên 50 tỷ và gửi ít nhất 36 tháng. Với hình thức gửi tiết kiệm online, khách hàng sẽ được nhận mức lại suất cao hơn. Phạm vi lãi suất online được triển khai trong khoảng từ 3,4%/năm đến 7%/năm, áp dụng tại kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng.

Mới đây, Vietcombank là ngân hàng thứ 3 trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,1–0,2 điểm %. Đây là lần cập nhật lãi suất đầu tiên của nhà băng này kể từ tháng 7 năm ngoái. Với kỳ hạn 1-2 tháng, lãi suất được tăng lên 3,1%/năm, còn ở kỳ hạn 12 tháng nâng lên 5,6%/năm. Như vậy, với lần điều chỉnh này, lãi suất huy động của Vietcombank đã lên mức tương đương với 3 ngân hàng trong nhóm Big4 còn lại. Trước đó, BIDV và Agribank cũng có bước điều chỉnh lãi suất tăng nhẹ 0,1% ở các kỳ hạn dài. Mặc dù đã có điều chỉnh tăng, mức lãi suất huy động tại ngân hàng lớn này vẫn thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động tại các ngân hàng quy mô vừa, nhỏ.

Chưa hết, trong đợt điều chỉnh lần này, HDBank cũng tăng 0,4-0,75%/năm lãi suất cho hầu hết các kỳ hạn khi gửi tại quầy, tăng 0,15-0,3%/năm với hình thức gửi trực tuyến. Kienlongbank cũng điều chỉnh lãi suất nhích thêm 0,2-0,6%/năm, Techcombank tăng 0,1–0,5%/năm cho hầu hết các kỳ hạn…

Trên thị trường, mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng đang ở mức trần 4%/năm, được áp dụng bởi 1 số ngân hàng như: SCB, NamABank, Kienlongbank, VietABank, SHB, VIB, MSB…

Từ kỳ hạn 6 tháng trở đi, lãi suất có sự phân hóa giữa các ngân hàng. CBBank đang áp dụng mức lãi suất 7,1%/năm, NCB là 6,5%/năm, BacABank là 6,35%/năm, Bảo Việt là 6,2%/năm…

Đáng chú ý, trong đợt điều chỉnh lần này, SCB đã mất đi vị trí quán quân về lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất, nhường chỗ cho CBBank. Cụ thể, ngay trong đầu tháng 8/2022, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại CBBank là 7,45%/năm, còn kỳ hạn 24 tháng là 7,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn này tại SCB vẫn đang ở mức 7,3%/năm như các tháng trước. Còn với hình thức gửi online, cả 2 ngân hàng này đều đang niêm yết mức lãi suất cao nhất thị trường là 7,55%/năm cho kỳ hạn 13 tháng trở lên với CBBank và 18 tháng trở lên cho SCB.

Lãi suất huy động tăng mạnh trong thời gian qua đã thu hút được lượng tiền lớn trong dân cư chảy vào các tổ chức tín dụng. Theo thống kê gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5 năm nay có gần 11,4 triệu tỷ đồng được các tổ chức kinh tế và dân cư gửi tại ngân hàng. Theo đó, tổng số dư tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt gần 5,569 triệu tỷ đồng, tăng 5,07% so với cuối năm 2021.

Trong báo cáo vĩ mô triển vọng 6 tháng cuối năm 2022, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, định hướng xuyên suốt của NHNN vẫn là giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Mặc dù vậy, với tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn so với cùng kỳ, lãi suất huy động chịu áp lực tăng; lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định.

VCBS dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo còn có thể tiếp tục tăng 100-150 bps trong cả năm 2022. "Lãi suất cho vay ghi nhận áp lực tăng, tuy nhiên có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động và sẽ có sự phân hoá giữa mức tăng, thời điểm tăng giữa các ngành nghề" - VCBS đánh giá.

Thảo Linh

Tin Cùng Chuyên Mục
Khách hàng cá nhân hưởng lãi vay ưu đãi từ Bac A Bank dịp đầu năm 2025

Khách hàng cá nhân hưởng lãi vay ưu đãi từ Bac A Bank dịp đầu năm 2025

Thấu hiểu sự cần thiết của nguồn vốn để hiện thực các kế hoạch tài chính cá nhân, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) triển khai chương trình tín dụng “Hưởng vay ưu đãi – Khởi sắc tương lai” nhằm đồng hành cùng KH cá nhân trong hành trình chinh phục các mục tiêu phục vụ đời sống và phát triển, mở rộng kinh doanh trong năm 2025.
Tin mới