(Tổ Quốc) - Quyết định gia nhập VMO Holdings khi nhận thấy sự tương đồng trong chí hướng của bản thân với tầm nhìn của doanh nghiệp, chị Nguyễn Khánh Diệp – Giám đốc Kinh Doanh của VMO Holdings và anh Hoàng Hải Việt – Giám đốc thị trường Nhật Bản đều đã gặt hái được những thành tích “đáng nể” trong những năm qua.
Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, Công ty Cổ phần công nghệ VMO Holdings đã thực sự gây được tiếng vang lớn trong ngành phần mềm Việt với sự tăng trưởng thần tốc. Hành trình của công ty được bắt đầu từ 3 nhà sáng lập vào năm 2012, đến nay khi bước sang tuổi thứ 10, VMO đạt 1.200 thành viên. Không chỉ vậy, VMO cũng không ngừng triển khai hoạt động kinh doanh ở các thị trường hàng đầu về công nghệ.
Chia sẻ về hành trình đó, Tổng giám đốc VMO Holding Hoàng Tuấn Hải đã dành những lời khen ngợi cho những người mà anh mô tả là "chiến tướng" không bao giờ khuất phục. Bất chấp khó khăn của đại dịch cùng những thách thức thường trực trong ngành, chị Nguyễn Khánh Diệp – Giám đốc Kinh Doanh và anh Hoàng Hải Việt – Giám đốc thị trường Nhật Bản đã góp phần đưa VMO tiến những bước dài chỉ trong vài năm vừa qua.
Khi trao đổi với chúng tôi, cả chị Diệp và anh Việt đều nhắc tới cái duyên khi lựa chọn về đầu quân cho VMO. Cái duyên đã đưa những người cùng chung chí hướng gặp nhau, để rồi quyết tâm cùng chung vai, sát cánh xây dựng một tập thể lớn mạnh, khẳng định vị thế của VMO trong lĩnh vực công nghệ trong nước, cũng như góp phần nâng tên tuổi của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.
Tốt nghiệp Học viện Ngân hàng theo mong muốn của cha mẹ nhưng chị Nguyễn Khánh Diệp lại lựa chọn đi theo ngành phần mềm, vốn là niềm đam từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngay khi ra trường, chị chọn cho mình con đường riêng khi gia nhập một công ty phần mềm trước khi giành học bổng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại Nhật Bản với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.
Tự nhận mình là một người hướng ngoại, ưa thách thức, chị Diệp chọn hướng đi trở thành một chuyên viên phát triển kinh doanh thị trường nói Tiếng Anh. Chính lựa chọn ấy đã mang lại cho chị cơ duyên gặp gỡ với VMO vào năm 2019, khi công ty quyết định bước khỏi vùng an toàn để hướng tới các mục tiêu phát triển với quy mô toàn cầu.
"Khi tôi nói chuyện cùng anh Hải cũng như các anh đồng sáng lập VMO, tôi nhận thấy các anh còn khá trẻ nhưng đã có hoài bão, có nhiệt huyết và thực sự mong muốn làm một việc gì đó lớn lao hơn, ngoài việc vận hành một công ty quy mô vừa và nhỏ. Các anh đã chia sẻ với tôi về tâm huyết được đóng góp cho ngành CNTT Việt Nam chứ không chỉ là sự phát triển của riêng VMO", chị Diệp nhớ lại.
Để đạt mục tiêu của mình, ban lãnh đạo VMO vạch ra hướng đi cũng rất khác biệt. Giai đoạn đó, hầu hết các công ty outsourcing Việt Nam chủ yếu làm với khách hàng Nhật nhưng VMO khởi nghiệp với các hợp đồng từ Mỹ. Với nét đặc thù này, cùng sự nhạy bén của một chuyên viên phát triển kinh doanh thị trường nói tiếng Anh, chị Diệp đã có những cú huých góp phần giúp VMO trở thành công ty nổi bật với đà phát triển thần tốc.
"Bên cạnh đó, khi gặp gỡ, anh Hải nói với tôi rằng công ty trước nay không có sale mà khách hàng thường được giới thiệu nhờ sự tin tưởng của các khách hàng cũ vì mình làm chất lượng tốt và một khi đã hứa thì kể cả có lỗ cũng phải làm xong cho khách hàng. Qua câu nói đó, tôi biết được VMO thực sự là một doanh nghiệp có tâm và là môi trường lý tưởng để mình cống hiến", chị Diệp chia sẻ.
Câu chuyện gia nhập VMO của anh Hoàng Hải Việt cũng có những nét tương đồng. Là người thích những thử thách mới, anh Việt nhận thấy cơ hội xây dựng và dẫn dắt một bộ phận ngay từ lần trao đổi đầu tiên với ban lãnh đạo VMO.
Không chỉ có vậy, anh Việt còn chia sẻ một lý do quan trọng hơn để mình trở thành 1 thành viên VMO:"Tôi và ban lãnh đạo của VMO cùng chia sẻ tầm nhìn, cùng chung khát vọng trong việc xây dựng một tập đoàn có vị thế toàn cầu, có thể đóng góp cho xã hội và đất nước. Đó là lý do tôi lựa chọn cống hiến cho công ty."
Thời điểm tháng 4/2019, VMO chỉ là một doanh nghiệp nhỏ với quy mô đâu đó khoảng 70 người. Trong giai đoạn cuối 2019 - 2021 khi đại dịch Covid hoành hành, phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn để tồn tại và phát triển. VMO đã xác định tôn chỉ của tổ chức là Hiệp Lực, các thành viên VMO cùng nhau bước từng bước vững chắc, biến các thách thức thành những cơ hội mới, những cơ hội không dành cho những người thích sự an toàn. Và khi những cơ hội đến cũng là khi VMO chuyển mình vươn lên, minh chứng là sự tăng trưởng ngoạn mục lên 1.200 người chỉ trong hơn 3 năm, con số được mô tả là vượt ngoài sự tưởng tượng.
"Khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đã từng có thời điểm gặp khó khăn bởi không thể tham gia hội thảo, hay sang gặp và làm việc trực tiếp với khách hàng. Trước thách thức đó, cả nhóm bắt đầu ngồi lại với nhau. Chúng tôi cùng nghĩ xem là thế thì mình nên thay đổi chiến lược kinh doanh của mình ra sao. Thành quả cuối cùng cũng tới. Giữa năm 2020 chúng tôi mang về được hợp đồng triệu đô đầu tiên. Đó cũng là lúc cả nhóm vỡ òa trong sung sướng".- chị Diệp chia sẻ.
Thành quả đi cùng với áp lực. Ban lãnh đạo VMO đứng trước áp lực đảm bảo công việc cho 1.200 nhân sự, áp lực thích nghi với nhịp độ phát triển nhanh, và hơn hết là áp lực luôn giữ lửa cho mỗi thành viên VMO, để VMO luôn tiến lên phía trước.
"Chính việc liên tục tiến lên phía trước như vậy khiến chúng tôi không có cảm giác mình tăng trưởng quá nhanh. Phải đến khi nhìn lại, chúng tôi mới thấy được điều đó. Chúng tôi luôn động viên nhau rằng mình cứ cố gắng thì chắc chắn sẽ làm được"- chị Diệp chia sẻ.
Với anh Hoàng Hải Việt, thách thức từ đại dịch đại dịch Covid-19 lại mang một hình thái khác. Cuối năm 2019, VMO thành lập văn phòng tại Nhật Bản nhưng chỉ vài tháng sau, đại dịch Covid-19 bùng lên, làm đảo lộn tất cả cuộc sống của mọi người cũng như mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Không ít công ty phải tạm dừng đầu tư, chuyển sang thế cầm cự.
Bản thân anh Việt khi đó trở lại Việt Nam và không thể quay lại Nhật Bản. Các kỹ sư cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Đại dịch không chỉ khiến việc tiếp cận khách hàng gặp khó khăn mà ngay cả khách hàng cũng ưu tiên sự ổn định. Họ lựa chọn các giải pháp cây nhà lá vườn hoặc tìm tới các doanh nghiệp nội địa thay vì các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi đó, việc vận hành ở Việt Nam cũng gặp khó khăn do tăng cường giãn cách xã hội để phòng ngừa dịch bệnh. Do mọi người đều làm việc từ xa nên tuyển dụng nhân sự và xây dựng tổ chức gặp những khó khăn chưa từng có.
"Tuy nhiên, tôi luôn cho rằng trong công việc và cả trong cuộc sống, luôn có 1 giải pháp ở đâu đó cho các vấn đề. Quan trọng là mình có muốn làm, có suy nghĩ để giải quyết hay không. Và để có kết quả tốt thì phải có 1 chiến lược đúng. Ở VMO, chúng tôi luôn suy nghĩ để cùng nhau đưa ra 1 chiến lược và cách tiếp cận đúng", anh Việt chia sẻ.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức, VMO Holdings đã nhìn ra được cơ hội để phát triển tại thị trường Nhật Bản.
Thứ nhất, do Các công ty Nhật phải chuyển đổi mô hình sang làm từ xa. Trước đây các công ty ngại ngần trong việc để nhân viên làm việc từ xa hay đưa việc ra ngoài nước Nhật bởi vì họ lo lắng các vấn đề về bảo mật cũng như cơ sở hạ tầng, tuy nhiên Covid khiến họ phải thay đổi và nếu họ sử dụng nguồn nhân lực tại Việt Nam thì về mặt bản chất không khác gì so với yêu cầu làm việc từ xa. VMO Japan đã thành công trong việc thuyết phục nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ của VMO và đưa việc về Việt Nam.
Thứ hai, do các công ty chuyển đổi mô hình làm việc cho phù hợp với tình hình mới nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Chính vì thế, họ cần các giải pháp phù hợp.
Thứ ba, do đại dịch Covid-19 nên các công ty cần cắt giảm chi phí và việc sử dụng các giải pháp hiện có của VMO - với đội ngũ kỹ sư IT tại Việt Nam, là một lựa chọn không tồi ở thời điểm đó.
Thứ tư, Covid-19 hoành hành nhưng có những doanh nghiệp, mảng dịch vụ vẫn ăn nên làm ra như các công ty dược, bảo hiểm… và đây là các khách hàng rất tiềm năng.
"Với những suy nghĩ đó, chúng tôi chọn lọc ra đối tượng khách hàng mục tiêu và đề xuất các giải pháp phù hợp cho họ và nhanh chóng đạt được những kết quả không ngờ", anh Việt chia sẻ về thành tựu của VMO Japan, vốn đã tăng từ một vài nhân sự lên 300 nhân sự chỉ trong hơn 2 năm đại dịch hoành hành.
Chính những quyết tâm "biến nguy thành cơ" đã mang về cho VMO những thành tích đáng nể. Anh Việt cho biết, doanh thu của VMO Japan tăng trưởng trung bình 250% mỗi năm. Tuy còn non trẻ nhưng tập khách hàng của công ty đa số là các tập đoàn công nghệ, tư vấn lớn của Nhật. 80% doanh thu của VMO Japan đến từ các khách hàng này và đặc biệt hơn, chúng tôi có dự án về tư vấn cho những tập đoàn viễn thông rất lớn với đơn giá rất cao, tương đương với các công ty tư vấn của Nhật Bản.
Bên cạnh những thành tựu vượt trội ở thị trường Nhật Bản, các thị trường truyền thống của VMO cũng vẫn đạt thành tích rất cao trong giai đoạn vừa qua.
"Đội ngũ của tôi hiện có 29 bạn. Giai đoạn vừa qua, chúng tôi đã đạt được doanh thu 13 triệu USD. Có những bạn doanh thu lên đến hơn 2 triệu USD", chị Diệp chia sẻ.
Tuy nhiên, dấu mốc quan trọng nhất với chị Diệp là quãng thời gian công ty tăng trưởng 3,5 lần lên 385 nhân sự chứ không phải 1.200 nhân sự của thời điểm hiện tại. Việc tăng trưởng đột phá chứng minh rằng VMO đang đi đúng hướng và bộ phận kinh doanh hoàn toàn có thể đáp ứng được những tốc độ tăng trưởng đó.
"Hiện tại, VMO Global có 2 thị trường cốt lõi là châu Mỹ và châu Á. Chúng tôi bắt đầu từ thị trường Mỹ và đang khẳng định được mình ở đây. Trước đây, người ta có thể chỉ biết tới các công ty outsourcing của Ấn Độ nhưng bây giờ, vị thế của các công ty phần mềm Việt đang dần được cải thiện trên bản đồ công nghệ toàn cầu", chị Diệp cho biết.
Theo thống kê, có đến 70% khách hàng mới của công ty do khách hàng cũ giới thiệu, điều cho thấy những hợp đồng được thực hiện với cái tâm của những người VMO. Trong khi đó, kinh nghiệm 10 năm chinh chiến giúp VMO hiểu các thị trường và nhanh chóng đáp ứng được những gì họ cần.
"Ngoài ra, chúng tôi cũng hiểu chính mình, biết đâu là lợi thế cạnh tranh. Kết hợp giữa cái khách hàng cần với cái mình có, chúng tôi tin rằng mình có thể thành công hơn nữa trong tương lai", chị Diệp nói.
Về các kế hoạch trong tương lai, chị Nguyễn Khánh Diệp cho biết, song song với việc đào tạo nhân sự mới, VMO đã và đang nỗ lực nâng cao kỹ năng của nhân sự hiện tại và đồng thời tạo nhiều cơ hội và trải nghiệm làm việc ở các chi nhánh văn phòng tại nước ngoài. Bằng nỗ lực đó, doanh số của một bạn sale từ 500.000 USD có thể lên tới 1,5 triệu USD vào năm sau.
"Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là một người có thể làm điều mình thích nhưng lại mang đến ý nghĩa, không chỉ cho riêng mình và cả mọi người xung quanh. Tôi tin rằng những gì chúng tôi đang cống hiến không chỉ mang lại giá trị cho bản thân mỗi người mà còn góp phần cho VMO và cả ngành phần mềm Việt", chị Diệp tin tưởng.
Đối với anh Việt, mục tiêu ngắn hạn là năm 2023, VMO Japan sẽ đạt 600 nhân sự và cán mốc 1000 nhân sự vào năm 2024. Về mặt dài hạn, anh Việt hướng tới vị trí top 3 công ty phần mềm Việt riêng trong mảng thị trường Nhật. Cùng với đó là đạt được vị thế tiên phong trong các công nghệ mới tại thị trường Nhật Bản, trở thành một công ty mà các bạn nhân viên cảm thấy tự hào về công việc của họ.
"Và để chuẩn bị cho kế hoạch đó, chúng tôi đang tiến hành rất quyết liệt các giải pháp: Xây dựng văn hóa làm việc chuyên nghiệp đề cao sự tận tâm, sáng tạo và trăn trở. Tạo dựng 1 môi trường làm việc "sạch" ở đó các nhân viên được tạo điều kiện phát huy hết khả năng và được thúc đẩy nếu có năng lực thực sự, tăng hàm lượng các dự án tư vấn trong cơ cấu doanh thu, tuyển dụng nhân sự quốc tế, level cao, đẩy mạnh các hoạt động R&D nghiên cứu các công nghệ và giải pháp mới và xây dựng hình ảnh VMO Japan tại Nhật là 1 công ty tin cậy, dẫn đầu các công nghệ mới nhất", anh Việt nói.
Ánh Dương