(Tổ Quốc) - Theo thống kê, Thanh Hoá là tỉnh bật xa nhất trong bảng xếp hạng thu nhập bình quân đầu người 10 năm qua. Cụ thể, tỉnh từng xếp thứ 54/63 về thu nhập bình quân năm 2002 đã nhảy 24 bậc, lên vị trí thứ 30 vào năm 2021.
Vào năm 2012, top 10 địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước gồm: TP. Hồ Chí Minh (3,652 triệu đồng), Bình Dương (3,567 triệu đồng), Hà Nội (2,944 triệu đồng), Bà Rịa – Vũng Tàu (2,903 triệu đồng), Đà Nẵng (2,865 triệu đồng), Đồng Nai (2,576 triệu đồng), Quảng Ninh (2,557 triệu đồng), Hải Phòng (2,526 triệu đồng), Bắc Ninh (2,501 triệu đồng) và Cần Thơ (2,324 triệu đồng).
Đến năm 2021, Bình Dương là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước với 7,12 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,8 lần mức bình quân chung của cả nước, tăng 1,71% so với năm 2020. Xếp sau về thu nhập bình quân đầu người là TP. Hồ Chí Minh với 6,01 triệu đồng/người/tháng và Hà Nội ở vị trí thứ 3 với 6 triệu đồng/người/tháng.
Top 10 địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước năm 2021 gồm: Bình Dương (7,123 triệu đồng), TP. HCM (6,008 triệu đồng), Hà Nội (6,002 triệu đồng), Đồng Nai (5,751 triệu đồng), Đà Nẵng (5,230 triệu đồng), Hải Phòng (5,093 triệu đồng), Bắc Ninh (4,917 triệu đồng), Cần Thơ (4,794 triệu đồng), Vĩnh Phúc (4,511 triệu đồng) và Bà Rịa – Vũng Tàu (4,419 triệu đồng).
So với năm 2012, top 10 địa phương có thu nhập bình quân cao nhất cả nước không biến động nhiều. Cụ thể, 9/10 tỉnh, thành vẫn lọt top 10 địa phương có thu nhập bình quân cao nhất cả nước sau 10 năm. Duy nhất, tỉnh Quảng Ninh từ vị trí thứ 7 năm 2012 đã rơi xuống thứ 21 vào năm 2021.
Nhìn vào bảng xếp hạng thu nhập bình quân đầu người, Thanh Hoá là tỉnh bật xa nhất trong bảng xếp hạng thu nhập bình quân đầu người 10 năm qua. Cụ thể, tỉnh từng xếp thứ 54/63 về thu nhập bình quân năm 2002 đã lên vị trí thứ 30 vào năm 2021.
Sau Thanh Hoá, địa phương nhảy nhiều bậc thứ hai trong bảng xếp hạng về thu nhập bình quân đầu người là Thái Bình, từ vị trí thứ 30 (năm 2002) nhảy lên vị trí thứ 13 (năm 2021). Xếp ở vị trí thứ 3 là Ninh Bình, từ vị trí thứ 32 (năm 2002) lên vị trí thứ 15 (năm 2021).
Các tỉnh, thành còn lại có sự thay đổi về thứ bậc trong bảng xếp hạng về thu nhập bình quân giai đoạn 2012-2021 như sau: Đồng Tháp từ thứ 33 lên thứ 16, Bắc Giang từ thứ 39 lên thứ 23, Quảng Nam từ thứ 45 lên thứ 29, Hậu Giang từ thứ 41 lên thứ 26, Hà Nam từ thứ 25 lên thứ 12, Nam Định từ thứ 23 lên thứ 11 và Bình Thuận từ thứ 28 lên thứ 18.
Như vậy, Thanh Hoá có mức nhảy lớn nhất với 24 bậc trong bảng xếp hạng. Các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình và Đồng Tháp cùng nhảy 17 bậc trên bảng xếp hạng, xếp ngay sau là Bắc Giang và Quảng Nam với 16 bậc. Các tỉnh còn lại bao gồm Hậu Giang, Hà Nam, Nam Định, và Bình Thuận nhảy lần lượt là 15, 13, 12, 10 bậc trong bảng xếp hạng về thu nhập bình quân.
Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của top 10 địa phương bật xa nhất trong bảng xếp hạng thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2012-2021 cũng có sự cải thiện rõ rệt.
Thu nhập bình quân của tỉnh Thanh Hoá tăng từ 1,21 triệu đồng/người/tháng lên 3,65 triệu đồng/người/tháng, tăng gấp 3,03 lần sau 10 năm.
Các địa phương xếp sau về thứ bậc thay đổi trên bảng xếp hạng như Thái Bình, Ninh Bình, Đồng Tháp, Bắc Giang, Quảng Nam đã tăng lần lượt 2,51 lần; 2,53 lần; 2,52 lần; 2,53 lần. Các tỉnh còn lại gồm Hậu Giang, Hà Nam, Nam Định và Bình Thuận cũng đã tăng lần lượt 2,46 lần; 2,49 lần; 2,46 lần và 2,33 lần sau 10 năm.
Anh Tuấn