Những lĩnh vực sẽ hưởng lợi từ hiệp định thương mại lớn nhất có hiệu lực trong năm nay

(Tổ Quốc) - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP được ký kết vào tháng 11/2020 và có hiệu lực từ đầu năm 2022. Trong bối cảnh đối phó với những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch COVID-19, FTA thứ 15 của Việt Nam mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.

Về mặt quy mô, dù thiếu sự tham gia của Ấn Độ, quy mô RCEP vẫn vượt qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật Bản - EU. Các nền kinh tế thành viên RCEP có tổng dân số 2,27 tỷ người, chiếm khoảng 30% dân số thế giới. Tổng GDP là 25,8 nghìn tỷ USD, gần một phần ba GDP toàn cầu.

RCEP bao gồm gần như toàn bộ các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam. Thương mại giữa Việt Nam với các đối tác trong RCEP chiếm hơn một nửa (55%) tổng thương mại của Việt Nam năm 2020 (trong đó xuất khẩu chiếm 41%, nhập khẩu chiếm 71%). Về đầu tư trực tiếp từ các nước RCEP vào Việt Nam lũy kế đến tháng 10/2021 cũng chiếm tới 62% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

RCEP được thực thi sẽ giúp quá trình khai báo quy tắc xuất xứ "dễ thở" hơn so với các hiệp định thương mại tự do trước đây nhất là các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong đó lộ trình cắt giảm thuế của ngành dệt may, có thể bắt đầu ngay đối với Singapore hoặc kéo dài đến 15-20 năm đối với các 13 nước còn lại. 

Trong khi các hiệp định thương mại tự do trước đó giữa Việt Nam với Nhật Bản (VJ FTA), giữa ASEAN với Nhật Bản (AJCEP) đều yêu cầu quy tắc xuất xứ hai công đoạn, với Hiệp định RCEP, Việt Nam có thể nhập vải bất cứ đâu, chỉ cần cắt may tại Việt Nam (chuyển đổi chương sản phẩm) là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào Nhật Bản.

Với mặt hàng như giày dép, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan ngay từ 0% đến 100% tuỳ nước, những nước có tỷ lệ xóa bỏ thuế quan cao nhất là Singapore (100%), Hàn Quốc (94,2%), Malaysia 70%, Lào (64,3%). Nhưng các nước còn lại sẽ xóa dần thuế quan với Việt Nam trong vòng 15-20 lên dần đến tỷ lệ 100%.

Những nước hào phóng nhất ngay lập tức gỡ bỏ gần 100% hàng rào thuế quan xuất khẩu đối với thuỷ hải sản là Australia, Brunei, Malaysia, Singapore, Philippines, New Zealand… Với mặt hàng này, các hiệp định như EVFTA, AJCEP đều yêu cầu xuất xứ thuần túy tại Việt Nam, nhưng hiệp định RCEP cho phép nhập khẩu con giống từ bất cứ đâu, hoặc con giống được nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.

Ngoài ra, ngành xuất khẩu rau quả và đồ gỗ trong nước cũng sẽ hưởng lợi ngay khi RCEP có hiệu lực vào 2022.

Đổi lại Việt Nam cũng cam kết thuế quan ưu đãi cho các nước trong RCEP đối với các ngành mà Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn. Những ngành hưởng lợi bao gồm: Máy móc thiết bị, ô tô, đồ nhựa, và các loại thịt sống… Tất cả các ngành này sẽ được giảm thuế dần trong 15-20 năm. 

Đối với máy móc thiết bị giảm ngay 70,4% thuế, giảm đến 91,6% khi hết lộ trình ký kết. Với nhập khẩu đồ nhựa, giảm ngay đến 68,6% và giảm sâu sau 15 năm lên đến 97% tuỳ nước đối tác. Nhưng riêng đối với ngành ô tô, do xu hướng bảo hộ ngành ô tô trong nước nên Việt Nam chỉ giảm 9,4% thuế quan năm 2022, giảm sâu nhất sau 15-20 năm cũng chỉ ở mức 27-33%.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp nhận định: “Kinh nghiệm của chúng ta trong quá trình hội nhập WTO và thực hiện 14 FTA trước đó đã cho thấy mức độ tận dụng FTA phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hiểu biết và cam kết của mỗi doanh nghiệp của”.

Theo ông Lương Hoàng Thái Vụ trưởng Bộ Công thương: “Về cơ bản hiệp định RCEP tạo môi trường cạnh tranh gay gắt hơn, doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng trong môi trường cạnh tranh mới”. Để được hưởng ưu đãi thuế quan thì sẽ yêu cầu hàng hóa phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ cao hơn, là thách thức và động lực đổi mới cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thái Phong

Tin mới