(Tổ Quốc) - Vấn đề Ukraine đã tác động sâu rộng đến nền kinh tế và thị trường tài chính. Giá dầu tăng vọt lên trên 100 USD/thùng có thể làm trầm trọng thêm lạm phát và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dự kiến OPEC+ sẽ không quyết định bổ sung dầu cho thị trường trong cuộc họp diễn ra vào thứ tư tới.
Để cân bằng hai vấn đề tăng trưởng – lạm phát là khó khăn rất lớn đối với các nhà hoạch định chính sách. Dự kiến Ngân hàng Trung ương Canada có thể quyết định tăng lãi suất chỉ trong "chớp mắt", nhưng đối tác Australia dự kiến sẽ kiên quyết giữ lập trường ôn hòa, trong khi chỉ số việc làm của Mỹ và Châu Âu sẽ cung cấp thêm cơ sở để Fed và ECB đưa ra những quyết định trong kỳ họp tháng 3 tới. Đây sẽ tiếp tục là vấn đề được thị trường theo dõi trong thời gian tới.
Dưới đây là những sự kiện thị trường sẽ tập trung chú ý trong tuần này:
1/ OPEC sẽ làm gì khi giá dầu tăng cao?
Căng thẳng Nga – Ukraine leo thang đã đẩy giá dầu tăng vượt 105 USD/thùng và chính quyền của ông Biden cho biết họ đang làm việc với các đồng minh của mình về vấn đề phối hợp xuất các kho dầu dự trữ chiến lược toàn cầu.
Vậy liệu nhóm các nhà sản xuất dầu OPEC trong cuộc họp sẽ diễn ra vào thứ Tư (2/3) có xem xét lại chiến lược tăng mục tiêu sản xuất dầu thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng hay không? Trên thực tế, sản lượng của OPEC luôn ở dưới mức mục tiêu do một số thành viên chật vật vì năng lực hạn chế.
Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria cho biết các cuộc đàm phán của Mỹ với Iran về chương trình hạt nhân của nước này có thể mở đường cho xuất khẩu dầu của Iran tăng lên, có nghĩa là nguồn cung cấp bổ sung của OPEC có thể không cần thiết.
Trong khi đó, một số người mua dầu của Nga cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo các khoản bảo lãnh tại các ngân hàng phương Tây hoặc tìm tàu để vận chuyển dầu từ Nga - một trong những nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới.
Giá dầu Brent vượt 100 USD/thùng.
2/ Fed sẽ quyết định lãi suất ra sao khi lạm phát tăng?
Tháng 3 sẽ là một tháng cực kỳ quan trọng đối với chính sách tiền tệ trên toàn thế giới, và dữ liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ, công bố ngày thứ Sáu (4/3) sẽ là báo cáo cuối cùng mà Cục Dự trữ Liên Mỹ (Fed) xem xét trước cuộc họp, sẽ diễn ra vào ngày 15-16/3.
Với lạm phát ở mức cao nhất trong vòng 40 năm, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát tín hiệu rằng cuộc họp đó sẽ thông qua việc tăng lãi suất đầu tiên kể từ cuối năm 2018. Nhưng dữ liệu việc làm có thể khiến bức tranh triển vọng chính sách của Fed trong thời gian tới đậm màu lên hoặc nhạt màu đi.
Kết quả khảo sát của Reuters cho thấy các nhà phân tích và các thương gia dự đoán Mỹ sẽ có 381.000 việc làm đã được bổ sung vào tháng Hai, trong khi thu nhập trung bình tăng thêm 5,8% trong tháng 2 so với cùng tháng năm trước. Những con số này có thể khiến Fed quyết định tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm – điều mà thị trường toàn cầu đã từng quan tâm nhất trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang – khiến thị trường chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng.
Thị trường hiện đang nhận định Fed sẽ tăng lãi suất thêm tổng cộng hơn 160 điểm từ nay đến tháng 2 năm sau.
Số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ (chia theo từng ngành).
3/ Châu Âu sẽ làm gì khi lạm phát cao kỷ lục?
Một nhà kinh tế đã gọi lạm phát 5,1% của khu vực đồng euro vào tháng 1/2022 là một "cú tát vào mặt" Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Một ngày sau đó, ngân hàng này tỏ ra khó chịu và thừa nhận rằng việc tăng lãi suất vào năm 2022 là có thể xảy ra.
Với giá dầu và lương thực tăng vọt do cuộc xung đột Nga - Ukraine - cả hai nước này đều là những nhà sản xuất ngũ cốc lớn của thế giới - có vẻ như lạm phát tháng 2 (sẽ được công bố vào thứ Tư, 2/3) sẽ còn tăng cao hơn, dự đoán là 5,2%, và sẽ là mức đỉnh cao. Lạm phát của Đức, cũng sẽ được công bố trong tuần này, dự đoán sẽ ở mức 5,1%.
Deutsche Bank ước tính rằng chi phí dầu mỏ tăng cao có thể khiến lạm phát ở châu Âu tăng lên 5,7% trong năm nay, cao hơn một điểm phần trăm so với kịch bản không xảy ra xung đột. Nhưng tác động tương ứng đối với GDP sẽ đặt ECB vào tình thế khó khăn.
Lạm phát của Eurozone nói chung và Đức nói riêng trong tháng 1 đều cao kỷ lục.
4/ Canada có quyết định quan trọng về lãi suất
Dù có xảy ra sự cố ở Ukraine hay không, một số ngân hàng trung ương cũng không thể trì hoãn chính sách thắt chặt. Vào thứ Tư (2/3), Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) có vẻ chắc chắn sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đánh dấu lần tăng lãi suất đầu tiên trong hơn ba năm. Với lạm phát ở mức cao nhất trong 30 năm, thị trường dự đoán ngân hàng này sẽ có 6 lần tăng lãi suất trong năm nay. Các nhà kinh tế không loại trừ động thái BoC sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm trong tháng 3 này. Lạm phát cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của BoC và đã cao hơn 1-3% so với mức kiểm soát trong 10 tháng liên tiếp. Hãy lưu ý rằng Phó Thống đốc Timothy Lane gần đây đã cảnh báo rằng BoC sẽ "nhanh nhẹn" và có khả năng "mạnh mẽ" trong việc giải quyết lạm phát.
Canada sẵn sàng tăng lãi suất.
5/ Ngân hàng trung ương Australia và New Zealand kiên nhẫn chờ đợi
Cuộc khủng hoảng Ukraine có thể sẽ khiến Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) - một trong những ngân hàng trung ương "hiền lành" nhất thế giới - có thêm lý do để biện minh cho thái độ đó.
Trong khi thị trường đang dõi theo Thống đốc RBA, Philip Lowe, để xem ông sẽ làm như thế nào trong năm nay, trong cuộc họp vào thứ Ba (1/3), RBA dự kiến sẽ không thay đổi mức lãi suất thấp kỷ lục của mình, là 0,1%.
Các nhà giao dịch cho rằng một cú sốc lạm phát sẽ buộc RBA phải tăng lãi suất vào quý 3/2022. Mặc dù ông Lowe đã thừa nhận động thái đó là "hợp lý" cho năm nay, nhưng ông vẫn kiên nhẫn chờ đợi trước khi quyết định thay đổi.
Trong khi đó, New Zealand gần đây đã từ bỏ ý định tăng lãi suất nửa điểm để chỉ tăng một chút, là 25 điểm phần trăm.
Ngân hàng trung ương Australia giữ thái độ kiên nhẫn.
Tham khảo: Reuters
Vân Chi