(Tổ Quốc) - Việc tạm dừng nhà máy tại Việt Nam đang gây khó khăn không nhỏ cho Nike, nhưng các nhà đầu tư có thể muốn tập trung vào thị trường khác tại châu Á.
Gã khổng lồ ngành thời trang có doanh số bán hàng thấp hơn dự kiến, tổng doanh thu tăng 12% trong giai đoạn kết thúc vào 31/8 so với cùng kỳ. Con số này thấp hơn 16% mà các nhà phân tích mong đợi, thăm dò bởi FactSet.
Việc đóng cửa nhà máy do dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam bắt đầu vào tháng 7, do đó không ảnh hưởng đến kết quả quý trước. Nhưng việc chậm trễ của chuỗi cung ứng toàn cầu đồng nghĩa với việc Nike sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Trong quý trước, Nike cho biết việc chuyển hàng hóa từ châu Á sang Bắc Mỹ mất khoảng 80 ngày, gấp đôi so với thời gian trước đại dịch.
Lợi nhuận vẫn vượt kỳ vọng, với lợi nhuận ròng cao hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào khả năng điều chỉnh giá của Nike. Bất chấp việc quảng cáo rầm rộ đi cùng các sự kiện thể thao như Olympics, Nike vẫn chi ít hơn 9,6% cho hoạt động quảng bá – tiếp thị so với những gì mà Phố Wall bỏ ra.
Tại Việt Nam, nơi Nike sản xuất hơn một nửa số giày dép của mình, gần như tất cả các nhà máy sản xuất giày dép vẫn tạm dừng. Công ty cho biết thêm, việc mở cửa trở lại và sản xuất đầy đủ công suất sẽ mất nhiều thời gian. Công ty điều chỉnh kế hoạch và dự kiến doanh thu sẽ tăng trưởng mức trung bình một chữ số cho năm tài chính 2022 (bắt đầu vào tháng 6). Trước đó, công ty của Mỹ kỳ vọng tăng trưởng 2 chữ số.
Cổ phiếu của Nike giảm 4%, hiện thấp hơn 12% so với mức cao kỷ lục hồi tháng 8.
Mặc dù tác động của việc Việt Nam đóng cửa nhà máy và khó khăn trong chuỗi cung ứng là rất nghiêm trọng, nhưng đó là những yếu tố tương đối nhất thời và cũng ảnh hưởng đến đối thủ của Nike. Do đó, các đối thủ cạnh tranh cũng khó có khả năng chiếm được thị phần.
Nike có bảng cân đối kế toán mạnh và khả năng đưa được mức giá bán cao hơn để bù đắp bất kỳ chi phí nào phát sinh từ vận tải hàng không và logistics.
"Nếu bạn nghĩ về giá trị lâu dài của công ty, thành công ở Trung Quốc quan trọng hơn nhiều so với những gì đang xảy ra với chuỗi cung ứng", Barna Barshay, nhà phân tích tại Empire Financial Research lưu ý.
Tại Trung Quốc, thị trường tăng trưởng quan trọng và có lợi nhất cho Nike, bức tranh vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù doanh số bán hàng ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Ma Cao và Đài Loan vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích, nhưng khu vực này lại có mức tăng trưởng thấp nhất, chỉ 1%.
Đông A
Theo Wall Street Journal