Nikkei: ASEAN đang đối mặt với cuộc khủng hoảng không giống bất cứ khu vực nào trên thế giới

(Tổ Quốc) - Các quốc gia Đông Nam Á đang nhanh chóng tìm cách khôi phục hoạt động kinh tế sau khi trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ vào quý II năm 2020. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng "sức khoẻ" tài chính nhiều nước hiện nay vẫn tương đối "yếu".

Theo tờ Nekkei, mặc dù số lượng các ca nhiễm Covid-19 hiện vẫn tiếp tục tăng ở mức đáng báo động, nhiều quốc gia trong khu vực vẫn đang tìm các cân bằng việc ngăn chặn sự lây nhiễm của virus và phục hồi kinh tế bằng các sáng kiến thương mại, do chính phủ các nước không có khả năng kéo dài các biện pháp kích thích kinh tế.

Trước giai đoạn đại dịch, Đông Nam Á được ghi nhận là một trong những khu vực phát triển kinh tế nhanh nhất toàn cầu, với mức tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm. Tuy nhiên, việc đóng cửa biên giới các nước cũng như nền kinh tế toàn cầu đã tác động nhanh chóng đến tiêu dùng tư nhân, đầu tư công và du lịch, đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thái sâu sắc.

Quý II vừa qua, Malaysia vừa chứng kiến mức sụt giảm 17,1% GDP, Philippines giảm 16,5%, Singapore giảm 13,2% và Thái Lan giảm 12,2%. Đây là những kết quả tồi tệ nhất được ghi nhận trong hơn 20 năm. Indonesia cũng ghi nhận con số tồi tệ nhất kể từ năm 1999, với mức giảm 5,3%. Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực đạt mức tăng nhẹ gần 0,4% trong quý II.

Những con số này đã đưa nền kinh tế Đông Nam Á xếp hạng giữa các nền kinh tế lớn khác. Hiện tại, nền kinh tế khu vực Đông Nam Á được ghi nhận xếp sau Trung Quốc (với mức tăng trưởng 3,2%), sau Hoa Kỳ (với mức sụt giảm 9,5%) và sau Nhật Bản (với mức sụt giảm 9,9%). Tuy nhiên, kinh tế Đông Nam Á cũng được đánh giá là hoạt động tốt hơn so với Pháp (với mức sụt giảm 19%) và Anh (mức sụt giảm 21,7%).

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết khả năng cao khu vực Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều. Những năm vừa qua, nền kinh tế khu vực này phụ thuộc lớn vào toàn cầu hóa - dòng vốn đầu tư và khách du lịch quốc tế. Đồng thời, "sức khoẻ" tài chính nhiều quốc gia hiện được đánh giá là tương đối "yếu".

Tại sự kiện do Trung tâm ASEAN-Nhật Bản tổ chức vào thứ 5 vừa qua, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ông Lim Jock Hoi khẳng định: "ASEAN đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng không giống bất cứ khu vực nào trên thế giới".

Các quốc gia đang đối mặt với những mối đe dọa khác nhau. Indonesia và Philippines liên tục ghi nhận hàng nghìn ca bệnh mỗi ngày. Việt Nam là một trong số ít những quốc gia đã thành công trong cuộc chiến chống đại dịch. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đấu tranh với làn sóng dịch bệnh bất ngờ từ tháng trước.

Trước đó, Malaysia cũng ghi nhận số lượng ca nhiễm tăng hơn 100 ca mỗi ngày. Hiện tại, Malaysia đang kiểm soát con số này ở mức một hoặc hai chữ số.

Ngày 14/8, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia, bà Nor Shamsiah Yunus phát biểu: "Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra".

Nikkei: ASEAN đang đối mặt với cuộc khủng hoảng không giống bất cứ khu vực nào trên thế giới - Ảnh 1.

Hiện nay, bất kể trong giai đoạn nào của đại dịch, các nước khu vực ASEAN đang thúc đẩy khởi động lại ít nhất một số hoạt động kinh tế. Hầu hết các quốc gia đã nới lỏng việc đóng cửa nền kinh tế, bao gồm cả Philippines. Thái Lan cũng đang thúc đẩy du lịch nội địa.

Các quốc gia cũng bắt đầu thực hiện mở cửa biên giới. Thứ 2 vừa qua, Singapore và Malaysia đã chính thức mở cửa biên giới, khuyến khích việc trao đổi thiết yếu giữa các doanh nghiệp cũng như việc đi lại cho người lao động, nhằm thúc đẩy nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước.

Đồng thời, nhiều quốc gia cũng là đối tác quan trọng của nhau đã cùng xây dựng bộ quy tắc đi lại trong bối cảnh Covid-19, được gọi là Làn Xanh (GL), điển hình như Singapore và Trung Quốc, hoặc Indonesia và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng rủi ro vẫn đang tiềm tàng. Hiện các quốc gia ASEAN đang cố gắng duy trì nền kinh tế bằng các gói kích thích trị giá tới 20% GDP, đồng thời ưu tiên các biện pháp đóng cửa và các chính sách khác nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Nhưng các gói hỗ trợ khổng lồ được đánh giá là không thể tiếp tục trong dài hạn. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã hạ triển vọng kinh tế của một số quốc gia Đông Nam Á.

Fukunari Kimura, giáo sư tại Đại học Keio của Nhật Bản, đồng thời là Kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN cảnh báo: "Các quốc gia ASEAN hiện đang có các gói kích thích vĩ mô rất lớn, các gói chi tiêu vĩ mô cũng lớn. Vì vậy tôi cho rằng các yếu tố vĩ mô cơ bản có thể trở nên bất ổn bất cứ lúc nào. Chúng ta phải thực sự cẩn thận".

Các chuyên gia cho rằng việc xây dựng các mối quan hệ đối tác kinh tế sẽ là yếu tố cần thiết cho sự khôi phục kinh tế của khu vực trong dài hạn. Một trong số đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - Hiệp định thương mại tự do giữa 10 quốc gia ASEAN và 6 đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand.

Nikkei: ASEAN đang đối mặt với cuộc khủng hoảng không giống bất cứ khu vực nào trên thế giới - Ảnh 2.

Dự kiến cuộc họp giữa bộ trưởng từ các nước tham gia RCEP sẽ diễn ra vào tuần tới, nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán. Tổng Thư ký ASEAN, ông Dato Lim Jock Hoi cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng RCEP sẽ được ký kết vào cuối năm nay và sớm có hiệu lực. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và niềm tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay".

Tuy nhiên, Ấn Độ đã rút khỏi các cuộc đàm phán RCEP vào tháng 11/2019 do lo ngại về thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng với Trung Quốc.

Đồng thời, Thái Lan tiếp tục trì hoãn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên trong đó có Việt Nam.

Mặt khác, ngày 6/8 vừa qua, Australia và Singapore đã ký Hiệp định thương mại kỹ thuật số, cho phép hai bên hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo cũng như thúc đẩy bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến. Sự ra đời của hiệp định này sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội tăng trưởng tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19.

Các chuyên gia đánh giá rằng viễn cảnh kinh tế khối ASEAN hiện vẫn chưa rõ ràng. Căng thẳng leo thang giữa hai trong số các đối tác kinh tế lớn nhất của khu vực là Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế các nước Đông Nam Á.

Q.L

Tin mới