(Tổ Quốc) - Giải thưởng do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trao tặng, nhằm ghi nhận những nỗ lực trong việc cải tiến chất lượng sản phẩm và nâng tầm dịch vụ của OCB.
Đầu năm 2022, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) được vinh danh là "Ngân hàng chuyên nghiệp nhất trong hoạt động tài trợ thương mại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương năm 2021 - Best Operations Bank Partner in East Asia and the Pacific". Đây là giải thưởng uy tín do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trao tặng, nhằm ghi nhận những nỗ lực không ngừng trong việc cải tiến chất lượng sản phẩm và nâng tầm dịch vụ từ phía nhà băng này.
Theo đó, trong khuôn khổ chương trình của IFC, OCB dẫn đầu về tính sáng tạo, chuyên nghiệp, tốc độ xử lý nhanh về dịch vụ và chính xác trong các nghiệp vụ tài trợ thương mại. OCB cũng là một trong những ngân hàng liên tục thúc đẩy các sản phẩm dịch vụ tài trợ thương mại và có những thành tích nổi bật trong lĩnh vực này trong quá trình hợp tác với IFC với nhiều cột mốc đáng nhớ.
Năm 2019, IFC cung cấp cho OCB khoản vay trị giá 100 triệu USD, có kỳ hạn 3 năm bao gồm 57,16 triệu USD từ IFC và 42,84 triệu USD từ các tổ chức đầu tư quốc tế do IFC quản lý theo Chương trình Danh mục Đồng Cấp vốn MCPP (Managed Co-Lending Portfolio Program - MCPP). Nhờ có gói tín dụng trung dài hạn này, OCB đã mở rộng được các hoạt động cấp vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đặc biệt ưu tiên cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Đến năm 2021, IFC tiếp tục cung cấp khoản cho vay dài hạn trị giá 100 triệu USD cho OCB để thúc đẩy khu vực tư nhân đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng xanh và bền vững tại Việt Nam. Cho đến nay, OCB đã mở rộng cho vay đối với các dự án thân thiện với khí hậu tại Việt Nam, mang đến những lựa chọn mới cho các DNNVV tiếp cận nguồn tín dụng xanh thông qua việc nâng cao hiệu quả nền tảng ngân hàng công nghệ số và phát triển các sản phẩm theo nhu cầu của phân khúc này.
Hiệu suất vượt trội của OCB còn thể hiện qua những con số ấn tượng về kết quả kinh doanh trong năm 2021. Tính đến 31/12/2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 5.519 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước; Tỷ suất lợi nhuận ROE, ROA tương ứng ở mức 2,59% và 22%; Tổng tài sản của ngân hàng đạt 184.491 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Với nỗ lực tiên phong trong việc triển khai nhiều cải tiến công nghệ cao vào các sản phẩm, dịch vụ, ngân hàng số OCB OMNI ghi nhận tăng trưởng mạnh, số lượng người dùng tăng gấp 03 lần, lượng giao dịch tăng hơn 60% và eKYC tăng 15 lần sao với 2020. Cùng với đó, hầu hết quy trình, văn bản đều được thực hiện, phê duyệt online đến gần 80% từ đó tối ưu được năng suất lao động, tiết giảm chi phí hoạt động, đưa tỷ lệ CIR năm 2021 về mức 26,9%, nằm trong top 3 thấp nhất ngành ngân hàng.
Đại diện lãnh đạo OCB chia sẻ: "Chúng tôi rất vui mừng khi được IFC trao giải thưởng ý nghĩa này. Đây là minh chứng cho sự đóng góp của OCB trong thời gian vừa qua ở lĩnh vực tài trợ thương mại. Các giải pháp tài trợ mà chúng tôi đưa ra luôn xuất phát từ nhu cầu thực tế và mong muốn đem lại giá trị tốt nhất cho khách hàng. Với sự hỗ trợ từ IFC, dự kiến đến năm 2024, OCB sẽ tăng gấp đôi danh mục cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, bằng cách tận dụng nền tảng ngân hàng kỹ thuật số và phát triển những sản phẩm chuyên biệt cho từng đối tượng. Trong thời gian tới, OCB sẽ nỗ lực hơn nữa để cung cấp những sản phẩm dịch vụ với chất lượng tốt nhất cho khách hàng, hướng đến mục tiêu Top 05 Ngân hàng TMCP tư nhân tốt nhất tại Việt Nam."
Ánh Dương