Ông Nguyễn Duy Hưng: 'Nếu cả PAN, C.P. và FMC cùng ngồi lại mà còn không làm được thì chỉ có thể là chúng ta quá kém'

(Tổ Quốc) - Theo ông Nguyễn Duy Hưng, để phát triển thực sự bền vững phải có nguồn lực: một là thị trường, hai là khả năng tổ chức sản xuất, ba là công nghệ và nguồn nhân lực kèm theo. Khi PAN, C.P. và FMC ngồi lại cùng nhau, tất cả nền tảng đều đã có đủ.

Phát hành tăng vốn điều lệ thêm gần 2.360 tỷ đồng

CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group) vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường với nội dung chính là phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. 

Theo đó, PAN dự kiến phát hành thêm tối đa 235,83 triệu cổ phiếu, bao gồm: 86,54 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 5:2); chào bán thêm 108,18 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phần (tỷ lệ 2:1); chào bán 41,11 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 90% bình quân giá đóng cửa 10 phiên liền trước ngày HĐQT quyết định phê duyệt phương án phát hành chi tiết. 

Sau phát hành, vốn điều lệ của PAN sẽ tăng lên mức tối đa 4.522 tỷ đồng. 

Theo nghị quyết, số tiền huy động đợt trong đợt phát hành tăng vốn này của PAN sẽ được dùng để: (i) đầu tư tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thành viên hoạt động có hiệu quả; (ii) đầu tư M&A các công ty mới có triển vọng phát triển trong 5 – 10 năm tới; (iii) đầu tư ngắn hạn và trung hạn vào các sản phẩm đầu tư an toàn, có lãi suất cố định trên thị trường, tối ưu hoá nguồn vốn; (iv) góp vốn/tăng vốn cho các công ty thành viên, phục vụ mục đích đầu tư mở rộng sản xuất; (v) hỗ trợ cho các công ty thành viên (cho vay ngắn hạn nội bộ, cho vay vốn lưu động); (vi) tái cơ cấu các khoản vay, bổ sung vốn lưu động. 

Ngoài ra, cổ đông PAN cũng đã thông qua phương án bán cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP). Số lượng cổ phiếu đăng ký bán tối đa 2 triệu đơn vị, giá bán dự kiến sẽ không thấp hơn giá mua vào. 

"Cả PAN, CP và FMC cùng ngồi lại mà không làm được thì chúng ta quá kém"

Chia sẻ tại đại hội về hợp tác chiến lược với C.P. Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng cho biết: "C.P. Việt Nam nổi tiếng về mảng con giống và thức ăn cho tôm, trong khi Fimex rất thành công về nuôi trồng và chế biến xuất khẩu. Việc C.P. Việt Nam đầu tư cùng với PAN không chỉ đơn thuần là phân chia lợi nhuận từ Fimex, mà cái họ muốn là kết hợp với PAN mở rộng Fimex".

Ông Nguyễn Duy Hưng: Nếu cả PAN, C.P. và FMC cùng ngồi lại mà còn không làm được thì chỉ có thể là chúng ta quá kém - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT The PAN Group

"Chính vì chiến lược chung đó mà năm vừa rồi diện tích farm của Fimex tăng lên gấp đôi, đồng thời chuẩn hoá quy trình. Hiện nay chúng tôi mới làm được ở Sóc Trăng. Để làm nông nghiệp, quan trọng nhất là yếu tố con người. Đó là nền tảng để chúng tôi mở rộng quy mô. Khi chúng tôi làm được từ a đến z sản phẩm chất lượng cao, sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào những người mua nước ngoài. Thậm chí, khách hàng phải tìm đến chúng tôi. Vì nếu họ không mua của chúng tôi, sẽ không dễ để tìm được một đối tác sản xuất có thể đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật". 

Ông Hưng cho biết, C.P. Group đưa được tôm vào thị trường Nhật Bản từ những năm 80. Họ hiểu rất rõ về việc tạo ra sản phẩm phải theo chuỗi giá trị và có nguồn gốc. "Tại Việt Nam, C.P. nhìn thấy trước được điều đó, do đó họ hợp tác với PAN làm chuỗi giá trị. Cả 2 bên đều kỳ vọng có thể cùng tạo ra giá trị lớn hơn cho con tôm Việt. Đó là chiến lược chung của chúng tôi khi bắt tay với nhau", ông Hưng nói.

Ông Hưng cũng nói thêm rằng, trong cái bắt tay này, PAN là bên có nhiều lợi thế. Bản thân phía PAN và Fimex thiếu con giống, còn lại những khâu khác đều đang làm rất tốt. Nhưng Chủ tịch PAN lưu ý, làm nông nghiệp không thể tiến hành một cách nhanh chóng được, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người.  

Ông Hưng khẳng định chắc chắn rằng, PAN sẽ không bao giờ bán Fimex. Ngay cả cổ đông chiến lược C.P. Việt Nam hiện cũng không đầu tư quá 25% cổ phần FMC. Hai bên khi đầu tư đều hiểu mình thiếu cái gì và hỗ trợ, bổ sung cho nhau.

Ông Hưng nói :"Ở PAN không bao giờ nhìn nhận một nghị quyết là cơ hội nhân 2 nhân 3. Đó đều là những yếu tố xúc tác rất quan trọng cho việc phát triển ngành. Tuy nhiên để phát triển thực sự bền vững, chúng ta phải có nguồn lực. Một là thị trường, hai là khả năng tổ chức sản xuất, ba là công nghệ và nguồn nhân lực kèm theo. Khi PAN, C.P. và FMC ngồi lại cùng nhau, chúng tôi có tất cả những nền tảng. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là hôm nay làm một nhà máy, ngày mai làm 2 – 4 – 6 nhà máy, không đơn giản như thế. Đó là câu chuyện của các nhân tố. Chúng ta làm tốt một chỗ, đào tạo nguồn nhân lực, đưa vào những nơi chưa phát triển, mở rộng quy mô theo thị trường. Nếu doanh số quá lớn ngay lập tức sẽ không có thị trường. Bản thân người mua cũng không vì ông này nói hay mà bỏ ngay nhà cung cấp bền vững lâu nay cho người ta. Việc muốn tăng thị trường là câu chuyện của năm này qua năm khác". 

"Nhưng chỉ có điều, nếu cả PAN, C.P., FMC cùng ngồi lại với nhau mà không làm được, thì chỉ có thể là chúng ta quá kém". 

Con đường M&A của PAN 

Khi được hỏi về ý tưởng thực hiện M&A của PAN trong mảng nông nghiệp, ông Nguyễn Duy Hưng từ chối tiết lộ cụ thể, nhưng cho biết: 

"Chúng tôi nhìn vào đội ngũ quản lý có thể làm được việc lớn, nếu họ có khả năng, PAN sẵn sàng M&A. Một cách khác, chúng tôi có thể tìm kiếm công ty nào trong tình trạng bết bát nhưng họ có những tài sản mà thị trường có thể khai thác". 

Ông Hưng nói rằng phía PAN từ xưa đến nay thực hiện thành công 100% các thương vụ M&A mà không có đổ vỡ, tỷ lệ này trên thế giới chỉ là 20%. 

Ông Nguyễn Duy Hưng: Nếu cả PAN, C.P. và FMC cùng ngồi lại mà còn không làm được thì chỉ có thể là chúng ta quá kém - Ảnh 2.

PAN chọn con đường M&A khó khăn hơn, mất công hơn, nhưng bền vững hơn

Nhìn về tương lai, Chủ tịch PAN cũng chia sẻ thẳng thắn về cách mà công ty thực hiện với các thương vụ đầu tư của mình: 

"Khi có nguồn lực tài chính mạnh hơn từ phát hành tăng vốn, chúng tôi sẽ có nhiều Vinaseed hơn, nhiều FMC hơn. Cuối cùng, cái khó nhất là hệ thống quản trị xuyên suốt. Khi chúng ta kiểm soát được nhân lực, tài chính, tỷ lệ sở hữu không cần lên tới 70 – 80% mà chỉ cần 51%. 10 tầng 51% sẽ là rất nhiều, trở thành tập đoàn rất lớn. 

Thông thường người ta có hai cách làm, một là xuất phát từ một thứ xong làm đa ngành. Điều đó cũng có mức độ rủi ro riêng, nhưng cái hay nằm ở sức mạnh người đứng đầu. 

Cách thức hai là hợp nhất từ 30% - 50% - 80%, sau đó lại quay trở về 51%. Cách làm thứ hai khó khăn hơn, mất công hơn, nhưng bền vững hơn. 

PAN chọn con đường đi thứ hai. Chúng tôi làm tốt hơn rồi làm rộng ra, sau đó tăng vốn để quay trở về tỷ lệ sở hữu 51%. FMC chính là một ví dụ về cách PAN làm". 

Đông A

Tin mới