(Tổ Quốc) - Khu vực đỗ xe tại FLC Sầm Sơn trong hai tuần trở lại đây không chỉ tăng đột ngột về số lượng xe, mà còn tăng thêm nhiều xe sang.
Đó là một dấu hiệu cho thấy nhóm khách có nhu cầu chi tiêu cao đang quay trở về với thị trường nội địa, và đây có thể xem là cơ hội vàng, thời điểm vàng của ngành du lịch Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết nói về tiềm năng của thị trường nội địa sau thời giãn cách.
Hội nghị "Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt" vừa diễn ra trong chiều ngày 16/5/2020 tại FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa) để bàn về vấn đề kích cầu du lịch nội địa với sự tham gia của trên 700 đại biểu là các nhà chính sách, doanh nghiệp, chuyên gia cùng sự tham dự của lãnh đạo cấp cao trên 30 tỉnh thành như Quảng Ninh, Quảng Bình, Huế, Quy Nhơn, Thanh Hoá….
Chương trình do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Tổng cục Du lịch, Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB) cùng hãng hàng không Bamboo Airways tổ chức.
Thời điểm vàng
Một trong những phần phát biểu được chờ đợi nhất tại hội nghị này đến từ Chủ tịch Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết.
Người đứng đầu Bamboo Airways bày tỏ quan điểm, một thực tế không thể phủ nhận là nhiều tỉnh thành ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về du lịch, nhưng chưa được hoặc ít được phát huy. Và một trong những nguyên nhân là sự đầu tư của địa phương, của ban, ngành chức năng cho du lịch phần nào còn hạn chế, nhiều khi còn tâm lý bị động mong chờ du khách đến với mình.
"Tôi đi nhiều nơi, thấy tiềm năng của Việt Nam không hề thua kém hay thậm chí còn hơn rất nhiều quốc gia nổi tiếng về du lịch. Rất nhiều bãi biển ở Mỹ, ở Thái Lan…được quảng cáo là tuyệt vời nhưng đến tận nơi thì thấy thua xa các bãi biển của chúng ta. Vậy tại sao những địa danh đó lại nổi tiếng và thu hút như vậy? Điều này có lý do quan trọng đến từ nỗ lực quảng bá, đầu tư vào du lịch một cách nghiêm túc, mới tạo ra được vị thế cho những địa điểm này như chúng ta đã biết", ông Quyết nói.
Phân tích kỹ hơn với câu chuyện du lịch tại Sầm Sơn, ông Quyết cho hay, trong 5 năm trở lại đây, nhiều người có nhu cầu và khả năng chi tiêu cao cho du lịch đã quay lại Sầm Sơn.
"Làm thế nào để tạo ra nhu cầu và đón tiếp dòng khách này? Với doanh nghiệp như chúng tôi, câu trả lời chỉ có thể là sự nỗ lực của hàng ngàn nhân viên và trên hết, là trách nhiệm và sự đầu tư bài bản, tâm huyết cho du lịch. Chúng tôi đã đầu tư lớn vào việc mở rộng tiện ích cũng như quảng bá cho quần thể, điểm đến tại nhiều địa phương".
Sự đầu tư này đã góp phần mang lại những thay đổi tích cực về diện mạo du lịch cho nhiều tỉnh thành. Đơn cử như lượng du khách đến với Thanh Hoá đã tăng từ hơn 4 triệu lượt khách năm 2014 đến 9,6 triệu lượt khách trong năm 2019, chỉ 4 năm sau khi FLC Sầm Sơn đi vào hoạt động, vượt xa mục tiêu đề ra.
Hay tại Bình Định, trước đây, chỉ có 3-5 chuyến bay/tuần, sau đó tăng dần 3-5 chuyến bay/ngày, và gần đây là trên 40 chuyến bay/ngày. Và qua đó, tạo ra sức lan toả để người người nhà nhà tại địa phương làm du lịch.
"Luôn luôn có giải pháp để kích cầu và thu hút người dân khám phá vẻ đẹp tại những danh thắng của Việt Nam. Tôi hy vọng sau hôm nay những người làm du lịch tại các tỉnh thành có thể chung sức, vào cuộc một cách tích cực để đưa hình ảnh các địa phương lan toả rộng rãi với du khách", ông Quyết bày tỏ.
Tôi chỉ thích đi du lịch Việt Nam
Nhận xét về nhu cầu thị trường du lịch nội địa sau ảnh hưởng của Covid, Chủ tịch Bamboo Airways đánh giá, đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong xu hướng du lịch nội địa.
"Tôi có thói quen quan sát các khu vực đỗ xe tại các quần thể của FLC để ước tính lưu lượng khách. Có một hiện tượng thú vị là khu vực đỗ xe của FLC Sầm Sơn trong hai tuần trở lại đây không chỉ tăng đột ngột về số lượng xe, mà còn tăng thêm nhiều xe sang. Đây là dấu hiệu cho thấy không chỉ khách thường mà nhóm khách có khả năng chi tiêu cao đang quay trở về với thị trường nội địa. Đây là cơ hội vàng, thời điểm vàng và ngành du lịch cần cố gắng tận dụng cơ hội này", ông Quyết nói.
Quy Nhơn, một trong những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam.
Đối với FLC, doanh nghiệp đang tận dụng hệ sinh thái từ các quần thể du lịch 5 sao và hãng hàng không Bamboo Airways để tạo ra nhiều sản phẩm vừa có chi phí hấp dẫn vừa đầy đủ tiện ích, trong đó có các loại combo giữa vé máy bay, khách sạn, các dịch vụ ăn uống, giải trí, sân golf… để người chi tiêu thấp hoàn toàn có khả năng đi du lịch và người chi tiêu cao cũng có khả năng chi tiêu một cách tối đa. Không chỉ giới hạn trong hệ thống sản phẩm nội bộ, FLC cũng chủ động kết nối, bắt tay với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, công ty uy tín trong lĩnh vực du lịch để sử dụng chéo sản phẩm của nhau, để du khách có thêm đa dạng các tiện ích và điểm đến.
"Tôi chỉ thích đi du lịch Việt Nam. Đi đâu tôi cũng nói vui là thôi phải về thôi, Việt Nam của chúng ta có cảnh đẹp, thức ăn ngon, đi lại cũng tiện", ông Quyết nói và cho rằng muốn kích cầu thị trường nội địa, một trong những giải pháp quan trọng bên cạnh các gói sản phẩm, là các ban, ngành cần hướng dẫn để người người, nhà nhà làm du lịch một cách chuyên nghiệp.
Phải làm sao để từ người bán hàng rong cũng bán hàng một cách thân thiện không "chặt chém" du khách.
Ông Quyết cũng bày tỏ mong muốn có sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc kích cầu du lịch nội địa.
"Hiện tại, nhiều quần thể FLC đã mở cửa hoạt động bình thường, nhưng tôi biết nhiều khách sạn, cơ sở du lịch vẫn đang đóng cửa, và có thể sẽ còn đóng cửa trong thời gian dài sắp tới, vì lâu nay họ chỉ đón khách quốc tế. Điều này đồng nghĩa với hàng vạn người lao động đang không có việc làm. Tổn thất rất lớn. Nhân dịp có đông đảo cơ quan báo chí có mặt tại sự kiện chiều nay, tôi mong các anh chị nhà báo chia sẻ với ngành du lịch thông qua các bài báo cụ thể về những điểm đến của chúng ta. Mong giới truyền thông dành thêm thời gian cho du lịch, để một trong lĩnh vực kinh tế được định hướng là ngành mũi nhọn của chúng ta sẽ vượt qua được giai đoạn này", ông Quyết nói.
Ánh Dương