(Tổ Quốc) - Quan điểm của ông Trần Đình Thiên về hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch là lựa chọn các đơn vị hiệu quả, trụ cột để "cứu". Còn nếu sự chú ý vẫn đặt lên các doanh nghiệp kiểu cũ thì "đất nước vẫn chỉ có những thứ bé li ti, chân đất mắt toét".
Trong một cuộc chia sẻ gần đây, TS. Trần Đình Thiên cho biết sức bật của nền kinh tế hậu đại dịch sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng đứng dậy của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông không cho rằng điều này phụ thuộc vào toàn bộ doanh nghiệp mà chỉ phụ thuộc vào một bộ phận nhất định.
Hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ, không có tính kết nối chuỗi. Với cấu trúc này, ông Thiên cho rằng kinh tế sẽ khó đạt được trạng thái bình thường mới.
Để phục hồi nền kinh tế, Chính phủ đã đưa ra những gói hỗ trợ. Tuy nhiên, với nguồn lực hữu hạn, cần có sự phân bổ hợp lý. Vậy nhóm doanh nghiệp nào, quy mô lớn hay nhỏ sẽ được chọn lựa.
"Cứu để doanh nghiệp hồi phục nhưng hồi phục là như thế nào? Cấu trúc doanh nghiệp của ta hiện nay yếu ớt và rã rời, vì thế mà sập hết. Bây giờ, Chính phủ cứu sống lại hệ thống ấy để làm gì? Tất nhiên, việc ban đầu là phải cứu đã nhưng tại sao không đặt vấn đề là cần tập trung tạo ra một hệ thống doanh nghiệp mới?", ông đặt câu hỏi.
Ông cho rằng "cứu doanh nghiệp" nhằm tạo ra hệ thống doanh nghiệp mới chứ không phải phục hồi doanh nghiệp cũ.
Bởi một nguồn lực bỏ ra là nhằm đưa đất nước đi lên, nếu lãng phí vào doanh nghiệp ốm yếu thì sẽ không phù hợp.
"Cứu tử cho các doanh nghiệp đòi hỏi chi phí rất lớn, đổ nhiều sâm nhiều sữa lắm, tốn kém lắm mà chưa chắc nó đã sống được, đứng dậy lại ngã xuống rồi bị đập chết thôi. Vậy tại sao ta không dồn nguồn lực cho một hệ thống mới?", ông đặt vấn đề.
Theo ông, nếu cứu các doanh nghiệp cũ thì sau dịch bệnh vẫn là nền kinh tế cũ, li ti, nhỏ và vừa. Nếu cứu các doanh nghiệp khởi nghiệp thì chúng ta sẽ có nguồn lực mới, nền kinh tế mới.
"Hãy xem đây là cơ hội thay máu kinh tế. Chúng ta nên giành nguồn lực thỏa đáng cho bộ phận mang lại hiệu quả", ông nói.
Còn với các doanh nghiệp nhỏ, ông cho rằng nhóm này dừng hoạt động với số lượng lớn nhưng nhờ vào tính linh hoạt, có thể sẽ không chết hẳn mà chuyển sang trạng thái mới, thích nghi hơn.
"Lo nhất là doanh nghiệp lớn chết. Nó chết là vỡ hệ thống. Cái đó mới đáng sợ", ông lưu ý.
Bên cạnh đó, hậu Covid-19, ông Thiên cũng cho rằng nếu không thay đổi tư duy và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam có thể vuột mất cơ hội. Đơn cử như dòng vốn FDI. Trải qua 3 năm liên tiếp tăng trưởng tốt, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ thì FDI trong năm 2019 có tiềm ẩn nguy cơ khi số lượng dự án tăng 20% nhưng tổng vốn đăng ký đầu tư mới giảm 16%. Như vậy, quy mô dự án FDI vào Việt Nam giảm tới 40%.
Điều này cho thấy 2 vấn đề: Thứ nhất, nhiều dự án FDI là từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Các dự án này đa phần có quy mô nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ công nghệ thấp, và tạo áp lực cạnh tranh đối với chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.
Thứ hai, Việt Nam bán được sang Mỹ rất nhiều nhưng nhập từ Trung Quốc cũng rất lớn dẫn đến việc phụ thuộc giao thương vào 2 nền kinh tế lớn này.
Ngoài ra, khu vực FDI đang có mức tăng trưởng vượt trội hơn kinh tế nhà nước, và hơn hẳn khu vực kinh tế tư nhân.
Do vậy, ông Trần Đình Thiên cho rằng Việt Nam cần những chính sách hợp lý, có chọn lọc hơn để đón nhận cơ hội thay vì bỏ lỡ.
An Bình