(Tổ Quốc) - Tự cứu mình, nhiều khách sạn 5 sao ở Hà Nội cũng đã phải tìm cách đa dạng hình thức phục vụ hơn để có khách, trong đó có cả việc phục vụ các món ăn mang về, thậm chí có giá ưu đãi gần như "không tưởng" nếu so với trước đây.
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đang khiến hàng loạt nhà cung cấp dịch vụ rơi vào cảnh khốn đốn, từ quán ăn vỉa hè, nhà hàng, cho đến cả các khách sạn cao cấp nhất, ngay trước thềm mùa cao điểm du lịch. Đặc biệt, đối với các khách sạn lớn, việc dừng các hoạt động tập trung đông người cũng khiến họ không thể tổ chức hội nghị, hội thảo - một trong số những dịch vụ đem lại nguồn thu lớn.
Chẳng có cách nào khách ngoài tự cứu mình, nhiều khách sạn 5 sao ở Hà Nội cũng đã phải tìm cách đa dạng hình thức phục vụ hơn để có khách, trong đó có cả việc phục vụ các món ăn mang về, thậm chí có giá ưu đãi gần như "không tưởng" nếu so với trước đây. Ăn ở nhà vẫn có thể có cá tuyết, gan ngỗng, bò Wagyu... Thậm chí, có khách sạn còn sử dụng ô tô riêng để phục vụ tận nơi và đảm bảo đúng quy trình giao nhận.
Từ Sheraton...
... JW Marriott - nơi từng đón tiếp các cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama, Donald Trump -...
... Pan Pacific...
... cho đến Metropole - nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2 - và nhiều khách sạn 5 sao khác đều cung cấp dịch vụ bán đồ mang về.
Với tình hình dịch bệnh phức tạp, hàng loạt khách sạn, nhà hàng cao cấp đang rơi vào cảnh khốn đốn. Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 5/2021, khách du lịch nội địa tới Hà Nội ước đạt 115 nghìn lượt khách, giảm 53,3% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 322 tỷ đồng, cũng giảm 60,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đối với lĩnh vực lưu trú, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn từ 1-5 sao tại Hà Nội chỉ đạt khoảng 23,6%, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Không chỉ ở Hà Nội, việc các nhà hàng cao cấp, khách sạn 5 sao đa dạng hóa loại hình cung cấp dịch vụ đang diễn ra ở khắp mọi nơi, trong bối cảnh dịch bệnh. Ở TP. HCM, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh khách sạn, chỉ phục vụ cho khách tại khách sạn, thay vì phục vụ không quá 20 người như trước đây
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương đã gây ra tác động vô cùng tiêu cực tới doanh thu du lịch lữ hành, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, ước tính, doanh thu du lịch lữ hành tháng 5/2021 chỉ đạt 387 tỷ đồng, giảm tới 53,5% so với tháng trước và 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, giảm sâu ở mức 48,2% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có ngành du lịch của Việt Nam, lượng khách du lịch quốc tế cũng như du lịch trong nước sụt giảm nghiêm trọng so với trước khi dịch bệnh xuất hiện.
Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 5/2021 ước tính đạt 13,4 nghìn lượt người, giảm 30,8% so với tháng trước và giảm 40,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 81 nghìn lượt người, giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế này, vốn là nhóm khách hàng quan trọng đối với các khách sạn, nhà hàng 5 sao ở Việt Nam.
Nhiều địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Khánh Hòa giảm 85,6%; Quảng Nam giảm 68,4%; Thừa Thiên – Huế giảm 48,8%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 46,7%; Bắc Ninh giảm 38,1%; Bình Định giảm 33%; Hà Nội giảm 29,7%; Quảng Ninh giảm 16,6%; Hải Phòng giảm 14,3%; Cần Thơ giảm 13,6%.
"Trong bối cảnh suy giảm chung, việc linh hoạt cách thức phục vụ, cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động là việc tối quan trọng. Chúng tôi không chỉ tự giúp mình, mà còn giảm giá để hỗ trợ thực khách, vì tôi biết có thể thu nhập của họ cũng giảm như chúng tôi" - quản lý một khách sạn 5* tại Hà Nội chia sẻ.
Thái Quỳnh