(Tổ Quốc) - Ngày 25/11, tại Hà Nội đã diễn ra Diền đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 (VVS) với chủ đề "Going Digital – Dịch chuyển số". Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Năm nay, số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư cam kết tăng gấp rưỡi, số tiền cam kết tăng gần gấp đôi. Điều này cho thấy chúng ta có những thành công và tin rằng mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng 'trong cái khó ló cái khôn'".
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sự kiện trực tuyến lần đầu tiên này có rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp startup khắp nơi đang theo dõi. Đây là sự thích ứng theo hướng đi lên. Sự kiện này cũng đã nói lên những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn, mong muốn của các nhà đầu tư, cộng đồng. Các kiến nghị, góp ý đó sẽ được Bộ KH&ĐT, Bộ KHCN làm đầu mối tập hợp từ đó có những giải pháp, cơ chế, chính sách từng bước giúp cho môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, cho cộng đồng startup và các quỹ đầu tư hoạt động hiệu quả hơn.
Doanh nghiệp startup Việt Nam: "Mừng nhưng không nên quá hài lòng"
Phó Thủ tướng phát biểu, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang căng mình chống dịch Covid-19, Việt Nam vẫn tổ chức được các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh tương đối, bao gồm các hoạt động đối ngoại xuyên biên giới. Điều đó thể hiện tính chủ động, linh hoạt, thích ứng của Việt Nam, các nước trong khu vực và cộng đồng.
Theo khảo sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến nay chỉ có 4 nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng dương là Việt Nam, Ai Cập, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Dự báo những năm tới đây sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Sau 1 năm tăng đột biến các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp startup ở Việt Nam, đạt mức 800 triệu USD, thì đến năm 2020, lượng vốn chỉ khoảng hơn 200 triệu USD. Tuy nhiên, trong bức tranh chung, cộng đồng startup của Việt Nam có những điểm sáng đáng lưu ý. Đó là việc nhiều doanh nghiệp startup của Việt Nam đã nằm trong nhóm hàng đầu cùng với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp các dịch vụ giao thông vận tải, thương mại điện tử, tạo các không gian làm việc chung...
Song, Phó Thủ tướng cho rằng "mừng nhưng chúng ta cũng không nên quá hài lòng". Đơn cử, nhiều dự đoán cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ làm cho thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử tăng đột biến nhưng ở Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng.
Từ kinh nghiệm Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, dù bên ngoài diễn biến rất phức tạp, bằng sự chủ động, sẵn sàng, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: Cộng đồng doanh nghiệp startup đã thực sự sẵn sàng đón nhận thách thức và cơ hội mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hay chưa?
Ví dụ cụ thể, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người dân hạn chế ít tiếp xúc trực tiếp nhưng các nền tảng dịch vụ thương mại điện tử chưa vận hành suôn sẻ ngay và qua nhiều tháng điều chỉnh, thích ứng vẫn còn nhiều khó khăn.
"Việt Nam không có công nghệ tiên tiến nhất hay hệ thống y tế tốt như nhiều nước nhưng đã chống dịch hiệu quả bằng những giải pháp thiết thực, sát với điều kiện thực tiễn. Vậy cộng đồng doanh nghiệp startup đã như vậy chưa", Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Đồng thời, Phó Thủ tướng dẫn chứng sự vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước và bước ra bên ngoài của một số doanh nghiệp startup là do đã đi vào giải quyết những bài toán rất thiết thực. Công nghệ có thể không bằng nước ngoài nhưng các doanh nghiệp phát triển mô hình kinh doanh, cách làm mới, từ kinh nghiệm trong nước để vươn ra thế giới.
"Các doanh nghiệp startup của Việt Nam đã thiết thực hơn, sát với thực tiễn hơn, dựa vào thị tường lớn ở trong nước, nhu cầu đa dạng, cụ thể của người dân để phát triển", Phó Thủ tướng chỉ ra.
Phát triển startup cũng như chống Covid-19: Cần có tính cộng đồng!
Cũng từ kinh nghiệm chống dịch thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng tính cộng đồng ngày càng quan trọng, nhất là trong một thế giới mới có nhiều biến chuyển khó lường. Điều đó cũng hoàn toàn đúng với cộng đồng startup.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai nhiều dự án, chương trình để đón bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp mới, tạo sân chơi, thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp startup lớn mạnh. Từ phát triển hạ tầng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin đến mục tiêu mỗi người dân đều có điện thoại thông minh bằng cách phát huy sức mạnh của doanh nghiệp và cộng đồng để cung cấp điện thoại thông minh giá rẻ. Gần đây, nhiều nền tảng y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, nhân đạo đã ra đời.
Phó Thủ tướng nói thêm: "Chúng ta huy động sức mạnh của cộng đồng để tạo ra những nền tảng, hệ sinh thái, dữ liệu lớn để sau này cộng đồng, trong đó có các doanh nghiệp startup tìm thấy cơ hội kinh doanh của mình".
Điển hình như việc xây dựng hệ thống địa chỉ số của tất cả các hộ gia đình, tổ chức, cơ quan ở Việt Nam. Hệ thống này liên tục được cập nhật bởi cộng đồng, được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền, tạo nên hệ thống địa chỉ chính xác, có thể đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau, dễ thấy nhất là thương mại điện tử.
Ngoài ra, Chính phủ tập trung đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công, yêu cầu kết nối tất cả các cơ sở, trước hết là trong lĩnh vực y tế, giáo dục với khoảng 14.000 cơ sở y tế, gồm cả các phòng khám tư nhân, hàng chục nghìn nhà thuốc, hơn 50.000 trường học, dữ liệu của hơn 1 triệu giáo viên, hơn 20 triệu học sinh, sinh viên... Thời gian tới, công việc này cần phải đẩy mạnh hơn nữa, mở rộng ra những lĩnh vực khác.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Tất cả các nỗ lực của Chính phủ, có sự góp sức của cộng đồng, chúng ta sẽ tạo nên những nền tảng dữ liệu rất bổ ích cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp startup".
Xung lực mới cho cộng đồng doanh nghiệp startup
Theo Phó Thủ tướng, trong phòng chống dịch Covid-19, tất cả mọi hoạt động đều phải điều chỉnh, vấn đề cũng đặt ra đối với cộng đồng startup, đầu tư mạo hiểm.
Trong điều kiện thế giới có nhiều biến động, khó dự báo dài hạn, sát thực tế thì từ những công ty rất lớn đến doanh nghiệp non trẻ phải có khả năng điều chỉnh linh hoạt ngay lập tức mới có cơ hội phát triển. "Nền kinh tế mới trong tương lai có tới 70% sản phẩm, dịch vụ phương thức mới mà chưa hình dung được hoặc chưa chắc chắn. Quan trọng là cách thích ứng", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Phó Thủ tướng nêu ví dụ, khi chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới được ban hành được cả xã hội quan tâm, chú ý, trong đó sách giáo khoa chỉ như một tài liệu tham khảo còn quan trọng nhất là từng bài giảng.
"Đây chính là cơ hội nhưng các công ty làm về giáo dục lại chưa chú ý. Thay vì khi chương trình được công bố, chúng ta sẽ có các bài giảng rất hay của những giáo viên giỏi nhất để lan tỏa ra toàn hệ thống giáo dục, toàn xã hội thì đến khi có các bộ SGK mới được xuất bản thì vẫn chưa có một doanh nghiệp nào, kể cả các doanh nghiệp startup bắt tay vào làm. Vừa rồi chúng ta mới triển khai được mấy tháng, vẫn rất chậm".
Khẳng định Chính phủ luôn mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động ở Việt Nam nhưng các doanh nghiệp startup trong nước cũng cần tự tin hơn từ bài học, kinh nghiệm, cách làm của mình để bước ra thế giới.
Từ việc Tổ chức Y tế Thế giới, nhiều quốc gia đề nghị Việt Nam đúc kết những kinh nghiệm chống dịch Covid-19 hiệu quả, Phó Thủ tướng mong muốn từ những doanh nghiệp startup đã chiếm lĩnh được thị trường gần 100 triệu dân trong nước, có sản phẩm bước ra thế giới, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng đồng startup nói riêng tự tin hơn nữa.
Trong tương lai, khi triển khai chương trình chuyển đổi số trong các có quan nhà nước, doanh nghiệp, toàn xã hội, Phó Thủ tướng tin tưởng chắc chắn sẽ tạo ra xung lực mới cho cộng đồng doanh nghiệp startup.
"Với tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng startup, hơn lúc nào hết cần nắm chặt tay nhau tạo thành mạng lưới, bằng sự kết nối không phân biệt trong nước hay nước ngoài, giữa doanh nghiệp theo mô hình truyền thống hay khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thì cộng đồng startup sẽ có những bước tiến lớn hơn, tạo ra những xung lực mới, cùng nhau đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, góp phần vào phát triển trong khu vực, giải quyết những vấn đề chung của nhân loại", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận.
Q.L