(Tổ Quốc) - "Nông sản là phạm trù cao nhất của thương mại điện tử. Khó khăn lớn nhất của sàn thương mại điện tử khi đưa nông sản lên sàn là hạ tầng về chuỗi cung ứng, chứ không chỉ là xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa".
Bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó tổng giám đốc quản lý Sàn giao dịch thương mại Tiki, đã chia sẻ như vậy trong buổi tọa đàm "Cơ hội đột phá hệ thống phân phối từ Covid-19" diễn ra tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn mới đây.
Bà Nhật Linh đề cập đến câu chuyện đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử khi một công ty về khởi nghiệp ở Lâm Đồng đưa ra vấn đề "chính sách nhà nước đều kêu gọi các hệ thống phân phối lớn tại Việt Nam tham gia hoạt động kết nối, tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân. Tuy nhiên, tôi thấy điều này chỉ diễn ra ở các nhà bán lẻ truyền thống, còn các sàn trực tuyến có vẻ không quan tâm lắm đến nông dân".
Bà Nhật Linh đáp lại rằng những người làm trong ngành thương mại điện tử thường nói với nhau rằng nông sản là phạm trù cao nhất của TMĐT. Khó khăn lớn nhất của sàn thương mại điện tử khi đưa nông sản lên sàn là hạ tầng về chuỗi cung ứng, không chỉ là xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa.
"Nông sản khi đến tay khách hàng sẽ ra sao, điều kiện giao hàng, thời gian nông sản đến tay người tiêu dùng…, đó là những điều rất quan trọng", bà Nhật Linh nói.
Phó tổng giám đốc quản lý Sàn giao dịch thương mại Tiki cho biết thêm, Tiki đã bắt đầu thử nghiệm và học về chuyện đưa nông sản, thực phẩm tươi sống lên sàn. Tiki quan tâm và từng trao đổi với các tổ chức phi chính phủ về việc làm sao để đưa nông dân lên online…. "Nhưng chúng tôi phải chuẩn bị được hạ tầng để đưa được nông sản lên. Khi làm được, chúng tôi sẽ đẩy mạnh", bà Nhật Linh cho biết.
Trong buổi tọa đàm, lãnh đạo Tiki cũng chia sẻ thêm nhiều thông tin khác liên quan đến Tiki như doanh nghiệp truyền thống quan tâm đến bán hàng trực tuyến nhiều hơn, khó khăn của Tiki trong phục vụ khách hàng và việc sàn thương mại điện tử này hỗ trợ đối tác marketing sản phẩm, chống hàng giả.
Những đối tác trước chưa sẵn sàng cho bán hàng trên sàn thương mại điện tử, nay đã ưu tiên cho online hơn
Bà Nhật Linh cho biết, từ đợt giãn cách xã hội do Covid-19 đến nay, hàng tuần Tiki đều đánh giá lại tình hình. Kết quả cho thấy kênh bán hàng online trở thành mối quan tâm thứ 3 của các đối tác Tiki. Nhiều đối tác trước kia tập trung vào bán hàng truyền thống thì sau dịch Covid-19, đã ưu tiên hơn cho mục tiêu online.
Về phía khách hàng, Tiki nhận thấy có sự thay đổi về cấu trúc ngành hàng trong và sau mùa dịch. Tiki ghi nhận thời gian khách hàng ở lại trên trang tăng 20% so với thời điểm trước dịch bệnh. Hiện tại, tình hình này vẫn được duy trì.
Lượng đơn hàng gia tăng, cấu trúc ngành hàng thay đổi cũng khiến Tiki phải thay đổi để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Vì trọng tâm mua sắm của khách trong giai đoạn dịch bệnh là các mặt hàng y tế và nhu yếu phẩm… nên Tiki cần ưu tiên tập trung vào ngành hành được khách quan tâm. Do đó sự tập trung này chỉ đổ dồn vào một số ngành hàng chứ không dàn trải như trước đây.
Những rào cản của thương mại điện tử
Về bức tranh thương mại điện tử nói chung, bà Nhật Linh cho biết doanh thu hoạt động thương mại điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng (xấp xỉ 4% và đang gia tăng nhanh), theo một báo cáo của Bộ Công thương cuối năm 2019.
Tuy được đánh giá là tiềm năng nhưng thực tế, tỷ trọng doanh thu từ thương mại điện tử vẫn còn ít. Bà Nhật Linh đã chỉ ra những rào cản khiến doanh thu từ thương mại điện tử vẫn còn nhỏ trong bức tranh bán lẻ chung.
"Thật ra trong khoảng 2 năm gần đây thương mại điện tử có động lực phát triển rất tốt. Trong 2 năm dịch chuyển hành vi người tiêu dùng ngày càng nhanh hơn, sử dụng dịch vụ số nói chung chứ không chỉ mua hàng. Nhưng nhu cầu và mức độ đòi hỏi cao hơn. Trước đây giao trong tuần, thì giờ phải giao nhanh, giao đúng hẹn", bà Linh nhận định.
Theo bà, thương mại điện tử có sự thay đổi tốt hơn với khách hàng, nhưng có một số khó khăn chính.
Thứ nhất, cơ sở hạ tầng (logistics) vẫn chiếm chi phí cao so với giao dịch mua trên nền tảng số, gặp nhiều trở ngại đến từ chuỗi cung ứng, hệ sinh thái. Những điều này ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng, đến giá thành của sản phẩm.
Thứ hai, về phía đối tác. Trong mùa dịch, thương mại điện tử nhận được nhiều quan tâm của doanh nghiệp. Các câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào xây dựng hạ tầng bán hàng trực tuyến, tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng trả lời được câu hỏi này. Nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng về nguồn nhân lực chuyên trách phát triển online, kỹ năng bán hàng online…
Thế Trần