(Tổ Quốc) - "Khi tôi bước lên taxi, bác tài xế lắc đầu và chỉnh lại khẩu trang một chút rồi hỏi: Bạn là người Mỹ à? Mỹ hiện có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao hàng đầu thế giới! Bạn thật may mắn khi được an toàn tại Việt Nam đó" - Mary Lee Grant, một cựu phóng viên The Monitor nói.
Bạn bè tôi trước đó đã khuyên tôi rằng "Cẩn thận nhé, bạn đang ở rất gần với Trung Quốc đó. Về nhà đi sẽ an toàn hơn". Nhưng tôi cảm thấy mình đã may mắn. Như tôi được biết, Việt Nam tính đến nay không có trường hợp nào tử vong vì Covid-19 và chỉ có 326 ca nhiễm - ở một quốc gia gần 100 triệu dân.
Tháng 1 là thời điểm người Hà Nội cũng như người dân trên cả nước đón Tết Nguyên đán. Nhiều người thì tụ tập chụp ảnh trong trang phục truyền thống dọc bờ hồ Hoàn Kiếm, hay có những người lại tất bật mua sắm đào, quất để chuẩn bị sum vầy cùng gia đình đón chào một năm mới.
Rồi đột nhiên, mọi thứ thay đổi. Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Vũ Hán ngày càng tồi tệ, Việt Nam đã đóng cửa tất cả các trường học và Chính phủ thành lập các khu cách ly tập trung. Một người bạn của tôi đã phải cách ly vì cha cô ấy đã tham dự một cuộc họp với một người có kết quả xét nghiệm dương tính. Chính quyền địa phương đã yêu cầu người hàng xóm của tôi cách ly tại căn hộ của anh ấy vì đã đi du lịch đến Hàn Quốc và khi trở về có triệu chứng ho, với một người bảo vệ đeo khẩu trang và găng tay túc trực bên ngoài cửa 24/7.
Sau chuyến du lịch tại Lào, tôi cũng bị cách ly. Mặc dù tôi không có triệu chứng nào, tôi vẫn buộc phải làm xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, tôi sẽ phải nhập viện để theo dõi và điều trị cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính vài lần trước khi ra viện.
Khi số ca nhiễm bệnh và nghi nhiễm tăng cao, khoảng 10.000 người đã phải cách ly và công an luôn túc trực để tiếp tế thức ăn cho người dân. Người Việt Nam vẫn rất bình tĩnh và hợp tác với Chính phủ. Không một ai rời khỏi nhà mà không đeo khẩu trang, thậm chí cả khẩu trang N-95 vẫn có thể mua được. Các cửa hàng tiện lợi nhỏ nhất cũng luôn có dung dịch khử trùng tay. Giấy vệ sinh thì không bao giờ bị khan hiếm.
Việt Nam đã có kinh nghiệm khi trải qua dịch bệnh Sars và sởi trước đó. Chính phủ đã đối phó với sự bùng phát Covid-19 bằng cách tiếp cận truyền thống, đơn giản và với chi phi thấp như cách ly, theo dõi dấu vết tiếp xúc trên diện rộng, kiểm tra và kiểm dịch miễn phí. Cuối cùng, Việt Nam đã dùng biện pháp cách ly toàn xã hội trong vài tuần. Không một ai được phép rời khỏi nhà, ngoại trừ mua thực phẩm hoặc thuốc men. Họ đóng cửa biên giới và các chuyến bay trong nước đã tạm ngừng hoạt động. Tôi đã không được ra khỏi nhà và không đi làm được trong vòng 2 tháng.
Virus đã tàn phá châu Âu và Iran. Nhưng những người bạn Mỹ của tôi dường như không biết gì cả. Họ cho rằng virus sẽ không ảnh hưởng đến họ, ngay cả khi truyền thông châu Á đã dự đoán trước thảm họa ở nước Mỹ.
Từ góc nhìn ở Hà Nội, tôi thật sự sốc khi thấy dịch bệnh đã bị chính trị hóa ở Mỹ như thế nào. Một số người cho rằng đó chỉ là một trò lừa bịp và từ chối đeo khẩu trang. Trong khi người Mỹ còn đang có những cách ứng phó với Covid 19 khác nhau, thì người Việt Nam đã thống nhất đồng lòng chống lại dịch bệnh như trong một trận chiến. Những bài hát cũ từ thời chiến tranh chống Pháp Mỹ vang lên từ những cánh cửa sổ hòa vào không khí mùa xuân.
Sau một thời gian cách ly toàn xã hội, đất nước đang được mở cửa trở lại. Các trường học đã bắt đầu cho học sinh đi học. Không có trường hợp nào nhiễm bệnh trong hơn một tháng.
Xã hội Việt Nam được xây dựng dựa trên tinh thần đoàn kết, cùng hy sinh vì lợi ích chung. Yêu cầu cách ly để ngăn chặn một căn bệnh nguy hiểm đối với họ chỉ là một sự hy sinh nhỏ.
Ngoài ra, những tác động kinh tế đối với việc ở nhà có thể ít nghiêm trọng hơn ở Việt Nam. Trong khi nhiều người Mỹ không có đủ tiền tiết kiệm để duy trì cuộc sống bình thường trong một tháng, thì đối với người Việt Nam việc tiết kiệm luôn được chú trọng.
Các nghiên cứu cho biết rằng tỷ lệ tiết kiệm ở Việt Nam thường lớn hơn 20%, mặc dù thu nhập trung bình của người Việt ước tính khoảng 300 đô la một tháng. Tác động kinh tế cũng được giảm nhẹ bởi người Việt thường sống trong các gia đình nhiều thế hệ, do đó, nếu một người mất thu nhập, họ có thể sẽ được trợ giúp từ các thành viên khác trong gia đình.
Ở Việt Nam, tôi thấy được tính kỷ luật tự giác, đoàn kết và tôn trọng các nguyên tắc một cách khoa học.
Một số phương pháp chống lại virus của Việt Nam sẽ không thể thực hiện ở Mỹ. Nhiều người từ chối đeo khẩu trang khi mua sắm tại các cửa hàng tạp hóa, và dường như không thể chấp nhận được việc cách ly tập trung. Việc theo dõi dấu vết tiếp xúc, xét nghiệm miễn phí, và một số hình thức cách ly chính là chìa khóa để chống lại sự lây lan của virus, tuy nhiên nước Mỹ vẫn đang bị tụt lại rất xa trong những công tác phòng chống này.
Tôi đã mỉm cười khi bạn bè ở Việt Nam nói với tôi rằng họ đang nghe những bài hát thời chiến để củng cố thêm lòng quyết tâm trong lúc bị cách ly. Tôi hy vọng rằng người Mỹ cũng có thể cùng nhau coi virus là một kẻ thù chung để chiến đấu.
Mary Lee Grant là một cựu phóng viên The Monitor hiện đang sống ở Hà Nội.
Cát Tiên
The Monitor