Quan điểm sai lầm: Hàng không giá vé rẻ là không an toàn

(Tổ Quốc) - Mọi người vẫn hay nghĩ: của rẻ là của ôi, tuy nhiên, đối với ngành hàng không, quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Dù giá vé có rẻ ở mức… 0 đồng, thì chất lượng dịch vụ luôn đảm bảo và an toàn luôn được đặt lên hàng đầu.

Để có lợi thế cạnh tranh và tạo cơ hội cho nhiều người được "bay" với chi phí phổ thông nhất, mô hình hàng không chi phí thấp đã ra đời ở nhiều quốc gia trên thế giới. Câu hỏi đặt ra là những hãng hàng không hoạt động theo mô hình này tại sao lại có thể duy trì mức giá vé rẻ hơn nhiều so với mặt bằng chung? Và giá vé rẻ liệu có ảnh hưởng đến an toàn bay hay không?

Giá vé rẻ vì đâu?

Để có thể đưa ra mức giá vé rẻ cạnh tranh nhất, các hãng bay lựa chọn mô hình hàng không chi phí thấp đều hoạt động dựa trên các đặc điểm chung: có cơ cấu chi phí vận hành tối ưu nhất, thời gian quay vòng tàu bay nhanh, sử dụng công nghệ để tiết kiệm nhân công…

Thử điểm qua cách thức vận hành của Air Asia (Malaysia), hãng bay chi phí thấp tốt nhất thế giới 11 năm liên tiếp theo xếp hạng của Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Anh Skytrax để hình dung các hãng hàng không hoạt động theo mô hình này đã "xoay xở" thế nào để có mức giá phổ thông nhất cho hành khách.

Một trong những bí quyết khiến Air Asia thành công và luôn đứng top các bảng xếp hạng ở phân khúc hàng không chi phí thấp nhờ vào hệ thống quản lý hiệu quả. Phần lớn các chuyến bay của Air Asia không quá 4 tiếng. Nhờ đó, một phi hành đoàn có thể chở nhiều lượt khách hơn trong ngày và hãng không tốn thêm chi phí ăn ở, trợ cấp cho nhân viên.

Những điểm hạ cánh cũng được tính toán lỹ lưỡng để tiết kiệm tối đa chi phí. Chẳng hạn: thay vì hạ cánh ở Hồng Kông đắt đỏ, hãng mở chuyến bay đến Ma Cao, từ Ma Cao hành khách có thể đi tàu đến Hồng Kông. Nhờ đó, Air Asia giảm được 20% mức tiêu thụ nhiên liệu cũng như tăng gấp đôi số lần hạ cánh dựa trên bình quân tuổi thọ mỗi chiếc lốp máy bay.

Có những thời điểm, một chuyến bay từ thủ đô Kuala Lumpur đi Ma Cao (2.474 km) của Air Aisa chỉ tốn 0,99 Ringgit (khoảng 5.000 đồng). Những đợt giảm với mức giá "không tưởng" này đã tạo nên một "lực hấp dẫn" khiến khách hàng đặt vé trước hàng tuần và lấp đầy các máy bay, giúp Air Asia đảm bảo hiệu suất trên mỗi chuyến.

Bán vé online cũng là một cách tiết kiệm chi phí vận hành giúp Air Asia thành công. Hiện, hơn 75% khách hàng của Air Asia giao dịch online, giúp hãng tiết kiệm và không tốn quá nhiều chi phí vận hành khi muốn mở rộng thị trường.

Giá vé rẻ nhưng an toàn vẫn là trên hết

Để có thể đưa ra mức giá rẻ, các hãng hàng không thuộc phân khúc này đã đưa ra nhiều phương thức nhằm tiết giảm tối đa các chi phí vận hành. Tuy nhiên, những hạng mục liên quan đến yếu tố an toàn, an ninh hàng không luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi hàng không là một ngành đặc thù khi tất cả các hãng bay hoạt động trên thế giới đều phải tuân thủ những quy định và chuẩn mực chung nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong hoạt động khai thác và hoàn toàn không có ngoại lệ.

Trong hơn 20 năm qua, hàng không Việt Nam được đánh giá cao về mức độ an toàn khi không để xảy ra bất cứ sự cố hàng không nghiêm trọng nào. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng để các hãng hàng không Việt được đánh giá cao nhất về an toàn là việc sở hữu chứng nhận an toàn khai thác IOSA của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).

Quan điểm sai lầm: Hàng không giá vé rẻ là không an toàn - Ảnh 1.

Vietjet Air là một trong 3 hãng hàng không lớn nhất của Việt Nam được xếp hạng cao nhất 7/7 sao về an toàn hàng không quốc tế bởi tổ chức uy tín AirlineRatings.

Hãng hàng không thế hệ mới Vietjet là thành viên chính thức của IATA và sở hữu chứng nhận An toàn Khai thác IOSA. Hãng cũng là hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam được xếp hạng 7 sao - cao nhất thế giới về an toàn hàng không bởi tổ chức uy tín AirlineRatings. Cuối năm 2019, Vietjet đã được Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương trao giải thưởng "Hãng hàng không chi phí thấp của năm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Theo trang web phân tích hàng không toàn cầu AirlineRatings.com, việc kiểm tra chứng chỉ IOSA được thực hiện 2 năm/lần bao gồm hơn 1.060 tiêu chuẩn và chỉ có 16% các hãng hàng không trên thế giới có chứng chỉ IOSA, trong đó, 3 hãng hàng không lớn của Việt Nam đã "sở hữu" chứng nhận này trong năm 2019.

Với những tiêu chí khắt khe mà các hãng hàng không phải tuân thủ, dù hành khách mua vé ở bất cứ mức giá nào cũng sẽ được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. Điều cần làm duy nhất ở mỗi hành khách là cần thực hiện đúng và đủ những quy định về an toàn và an ninh hàng không để có một chuyến bay an toàn cho chính mình và cho người khác.

Ánh Dương

Tin mới