(Tổ Quốc) - Đến từ Quảng Bình, Hồng Trung - founder IMWI - công ty chuyên về cánh tay robot và trí tuệ nhân tạo muốn đặt nhà máy ở Đà Nẵng vì đã có nhiều người giỏi bỏ miền Trung ra đi và bản thân anh cũng muốn làm điều gì đó cho Đà Nẵng, miền Trung.
Startup cuối cùng đến Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 2 là Đoàn Hồng Trung – Nhà sáng lập và điều hành Công ty cổ phần công nghệ IMWI, một công ty chuyên về cánh tay robot và trí tuệ nhân tạo. Hồng Trung cho biết anh đến Shark Tank Việt Nam để kêu gọi đầu tư với hai phương án là 300.000 USD cho 5% cổ phần và 1,5 triệu USD cho 20% cổ phần.
Hồng Trung giới thiệu sản phẩm đầu tiên của công ty là cánh tay Robot Delta X. Đây là cánh tay robot ứng dụng trong dây chuyền sản xuất công nghiệp.
Hiện tại startup có 3 mẫu sản phẩm là Delta X1 với mã nguồn mở để phục vụ cho mục đích giáo dục, các phòng nghiên cứu hoặc cộng đồng yêu thích robot. Delta X2 là sản phẩm cao cấp hơn được sử dụng trong các phòng nghiên cứu R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) để thử nghiệm ý tưởng. Delta XS là phiên bản công nghiệp, cũng là sản phẩm chủ đạo của startup.
Hồng Trung cho biết đây là loại robot có cấu trúc hình học delta, thường được sử dụng trong công nghiệp ở những ứng dụng gắp thả sản phẩm. Anh chia sẻ rằng giá thành robot delta trên thị trường đang rất cao, không phù hợp với cá nhân hay tổ chức có nguồn vốn hạn hẹp. Chính vì vậy anh đã sáng tạo ra Delta X với giá cả phải chăng.
Nói về bức tranh tài chính, Hồng Trung cho biết doanh thu năm 2021 là 4,1 tỷ với lợi nhuận gộp khoảng 3,2 tỷ, lợi nhuận ròng 1,5 tỷ. Hồng Trung tự tin rằng khi gọi được vốn, có khả năng sản xuất hàng loạt, đưa chứng chỉ vào robot thì startup của anh có thể bán được 3.000 đơn vị trong 1 – 2 năm sau.
Anh có các đối tượng khách hàng chính là startup hoặc doanh nghiệp cung cấp hệ thống tự động hóa mua robot về để xây dựng hệ thống; hoặc là người dùng cuối muốn đưa giải pháp vào nhà máy của họ. Ngoài ra anh còn bán robot và các hệ thống phần cứng, phần mềm liên quan, ứng dụng cho doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như đóng gói thực phẩm, linh kiện điện tử, phân loại rác, hạt điều, cà phê… Trong 2 năm qua, startup của anh có khách hàng đến từ 45 nước trên thế giới, chủ yếu đến từ Mỹ và Châu Âu, và đặc biệt có một đơn hàng lớn đến từ một công ty sản xuất khẩu trang của Hàn Quốc.
Hồng Trung cho biết công nghệ của anh đặc biệt nhất là firmware (chương trình máy tính điều khiển phần cứng) vì nó khắc phục được tất cả nhược điểm của các thành phần cơ khí và điện tử rẻ tiền. Điều đó tạo ra lợi thế là chi phí robot của anh thấp, chỉ bằng 5 – 20% giá thành so với các sản phẩm trên thị trường nhưng hiệu năng đạt từ 60 – 80%.
Trả lời câu hỏi của các Shark về lý do gọi vốn 1,5 triệu USD, Hồng Trung cho biết anh muốn xây dựng nhà máy sản xuất và xây dựng một hệ sinh thái các cánh tay robot khác.
Hồng Trung cho biết cách đây 2 năm anh đã nhận được lời đề nghị đầu tư 50.000 USD cho 5% cổ phần đến từ một khách hàng. Gần đây anh lại tiếp tục nhận được đề nghị đầu tư 300.000 USD cho 5% cổ phần kèm điều kiện sang Mỹ định cư một năm để lắp đặt dây chuyền 1.000 con robot, nhưng anh đã từ chối. “Suốt 2 năm qua, bọn em nhận được rất nhiều lời đề nghị xây dựng nhà máy ở châu Âu, Ấn Độ và Canada nhưng bọn em từ chối vì muốn làm điều đó ở Việt Nam”, Hồng Trung giải thích.
Shark Phú đưa ra đề nghị ông sẽ lo toàn bộ nguyên liệu, vật tư, nhà máy, còn Hồng Trung lo thiết kế, chế tạo, bán hàng. Lợi nhuận sẽ chia theo tỷ lệ nhất định. Tuy nhiên Hồng Trung từ chối và cho biết anh muốn đặt nhà máy ở Đà Nẵng vì đã có nhiều người giỏi bỏ Đà Nẵng ra đi và bản thân anh muốn làm gì đó cho Đà Nẵng, miền Trung. “Mục đích em làm là để tạo công ăn việc làm chứ không phải chỉ để tạo lợi nhuận cho riêng mình”, Hồng Trung cho biết thêm
Quan điểm này của anh không nhận được sự đồng tình của các Shark. Shark Bình cho rằng yêu quê hương đất nước là điều tốt nhưng có thể sản xuất ở nơi sẵn có để tối ưu thời gian, chi phí. Ông cũng nêu ví dụ rằng Apple được thiết kế ở California nhưng sản xuất tại Trung Quốc. Shark Hưng thì cho rằng phần đầu tư máy móc thiết bị chế tạo máy lớn startup có thể làm ở ngoài Hà Nội, còn linh kiện lắp ráp, thủ công bằng tay thì chuyển về Đà Nẵng.
Cuối cùng Shark Bình quyết định không đầu tư vì không cùng lĩnh vực với startup. Shark Liên, Shark Hưng, Shark Phú cũng lần lượt từ chối đầu tư. Còn lại Shark Hùng Anh, ông quan tâm đến quy mô công ty và tỷ lệ cổ phần hiện tại của doanh nghiệp.
Shark Hùng Anh cho biết ông thích nghị lực, ý chí của startup. Chính vì vậy ông sẽ đầu tư cho Hồng Trung 10 tỷ đổi lấy 35% cổ phần. “Mình muốn hỗ trợ bạn trong vấn đề về điều hành. Mình thấy bạn chỉ đam mê về kỹ thuật chứ chưa có khả năng về điều hành, chưa có khả năng launching (ra mắt) một business (doanh nghiệp) nào hoàn chỉnh quy mô mà bán ra được nước ngoài đâu”, Shark Hùng Anh nhận xét.
Hồng Trung cho rằng sản phẩm của mình nếu không tiềm năng thì trong 2 năm đại dịch vừa qua anh đã không có 98 khách tiếp cận mua sản phẩm. Tin rằng bản thân mình mới dẫn dắt startup đi đúng hướng, Hồng Trung đề nghị Shark Hùng Anh lấy 35% lợi nhuận cho đến khi thu hồi vốn và giảm cổ phần kiểm soát công ty lại khoảng 10 – 15%.
Sau một hồi thương thảo, Shark Hùng Anh nhấn mạnh rằng đây là phi vụ đầu tư mạo hiểm. Vì vậy, ông đưa ra đề nghị sẽ giữ 35% cổ phần và 35% lợi nhuận cho đến khi Hồng Trung có thể nâng vốn để Shark giảm tỷ lệ xuống còn 15% cổ phần.
Cuối cùng Hồng Trung đồng ý với đề nghị đầu tư này của Shark Hùng Anh.
Nhuận Hoa