(Tổ Quốc) - Bà Diễm làm CEO Sacombank từ năm 2017 khi ngân hàng bắt đầu bước vào quá trình tái cơ cấu sau sáp nhập và đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến nhân sự, hiệu quả hoạt động và nợ xấu. Đến nay, Sacombank đã trở thành cái tên tiêu biểu cho việc nỗ lực tái cơ cấu thành công cùng nhiều kết quả tích cực.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) vừa phát đi thông tin cho biết, được sự phê chuẩn của Ngân hàng Nhà nước, sự bổ nhiệm của Hội đồng quản trị và sự tín nhiệm của cổ đông và khách hàng, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm vừa được công bố quyết định tái bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Sacombank kể từ ngày 30/06/2022 với thời hạn 5 năm.
Hiện tại, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đang là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Ngân hàng.
Bà Diễm làm Tổng giám đốc Sacombank từ năm 2017 khi Ngân hàng bắt đầu bước vào quá trình tái cơ cấu sau sáp nhập và đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến nhân sự, hiệu quả hoạt động và nợ xấu. Đến nay, Sacombank đã trở thành cái tên tiêu biểu cho việc nỗ lực tái cơ cấu thành công và thực tế đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực.
Trong 5 năm thực hiện tái cơ cấu, Sacombank đã thu hồi, xử lý 71.992 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó 58.306 tỷ là các khoản thuộc Đề án, đạt 67,9% kế hoạch tổng thể đến năm 2025. Tỷ lệ nợ xấu bao gồm nợ bán VAMC chưa xử lý ở mức 6,71%, giảm 15,06% so với năm 2016.
Bên cạnh việc quyết liệt thu hồi/xử lý nợ xấu, mọi mặt hoạt động kinh doanh của Sacombank cũng được tập trung kiện toàn và đẩy mạnh phát triển trong 5 năm qua. Quy mô tăng trưởng liên tục qua các năm, trong khi hiệu quả kinh doanh được phục hồi đáng kể. Lợi nhuận lõi bình quân hàng tháng tăng từ mức 50 tỷ đồng/ tháng vào năm 2016 lên thành 1000 tỷ đồng/tháng hiện hữu. Nhờ đó, Ngân hàng có nguồn lực tài chính để đẩy mạnh trích lập dự phòng, phân bổ các tồn đọng tài chính vượt mục tiêu, trong khi vẫn đảm bảo lợi nhuận hàng năm vượt kế hoạch được ĐHĐCĐ giao.
Ngân hàng cũng đẩy mạnh tái cấu trúc mạng lưới điểm giao dịch theo chiều sâu, từ đó tăng hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động trên toàn hệ thống. Danh mục sản phẩm của Sacombank ngày càng đa dạng, đáp ứng tất cả các nhu cầu về vốn, thanh toán, quản lý dòng tiền, bảo hiểm, kiều hối… với hệ khách hàng tăng trưởng mạnh, chạm mốc 10 triệu vào cuối năm 2021. Sacombank cũng là cái tên đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương của NHNN, đón đầu xu hướng và triển khai các sản phẩm mới, chưa từng có trên thị trường Việt Nam như khai sinh lĩnh vực Bancassurance, ra mắt thẻ chip nội địa chuẩn EMV, ra mắt ứng dụng quản lý tài chính trên thiết bị di động Sacombank Pay, phát triển và áp dụng eKYC trong việc mở tài khoản trực tuyến…
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm còn được biết đến là người truyền cảm hứng sống năng động, tích cực và là người góp phần tái định hình văn hóa làm việc tại Sacombank, bằng việc áp dụng các hình thức quản trị nhân sự mới, thiết lập mô hình đánh giá - khen thưởng dựa trên hiệu suất lao động và năng lực của mỗi CBNV. Hiện toàn hệ thống Sacombank có hơn 18.000 nhân sự, phân bổ tại 566 điểm giao dịch trên khắp cả nước và hai nước Lào, Campuchia.
Giai đoạn phát triển tiếp theo, Sacombank đặt mục tiêu hàng đầu là hoàn thành Đề án tái cơ cấu trước thời hạn, mở rộng quy mô kinh doanh trên cơ sở khai thác hiệu quả tài sản, nguồn vốn và gia tăng hiệu quả hoạt động. Ngân hàng đặc biệt chú trọng vào việc nâng cao trải nghiệm và lòng tin với khách hàng, đồng thời chuẩn hóa hoạt động, tăng cường quản trị rủi ro và nâng tầm giá trị thương hiệu. Ngân hàng cũng đang dành nguồn lực đầu tư vào chuyển đổi số toàn diện, không chỉ cải tiến trong sản phẩm, dịch vụ mà còn đổi mới về tư duy và phương pháp vận hành, tiến tới mục tiêu trở thành ngân hàng số đa năng, hiện đại.
Với kinh nghiệm dày dạn về quản lý, điều hành cũng như thấu hiểu hoạt động của Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn dắt Sacombank tái cơ cấu thành công, giữ vững tốc độ tăng trưởng và đạt được nhiều thành quả tích cực trong thời gian tới.
Thanh Bình