(Tổ Quốc) - 2023 được dự báo là năm sẽ có nhiều thay đổi thú vị trong trải nghiệm mua sắm trực tuyến trên các sàn TMĐT của người dùng, phần lớn được cho là sẽ đến từ sự phát triển vũ bão của công nghệ.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, kết thúc năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Các chuyên gia cũng nhận định, TMĐT là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. Với sứ mệnh dẫn dắt nền kinh tế trong kỷ nguyên 4.0, tốc độ áp dụng công nghệ lõi và hoàn thiện hệ sinh thái của các sàn TMĐT đang diễn ra nhanh chóng mặt. Đặc biệt, 2023 được dự báo sẽ là một năm có nhiều thay đổi lớn trong trải nghiệm mua sắm online của người tiêu dùng khi làn sóng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Dưới đây là những sáng kiến công nghệ hứa hẹn sẽ làm thay đổi cuộc chơi TMĐT bằng cách đưa trải nghiệm mua sắm online của người tiêu dùng lên một tầm cao mới tinh tế hơn.
Thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR): không còn ranh giới online – offline
Statista ước tính nền công nghệ AR có giá trị 30,7 tỷ USD, với hơn 400.000 kính AR được bán ra trong năm 2021. Đồng thời, số lượng người dùng VR tại Mỹ sẽ đạt 65,9 triệu vào năm 2023. Công nghệ này cho phép người mua hàng tương tác với nội dung số thông qua lồng thông tin ảo vào thế giới thực (AR) hoặc trong không gian ảo hóa (VR).
Áp dụng công nghệ này vào mua sắm online đồng nghĩa là người dùng không cần đến tận cửa hàng khi muốn trải nghiệm sản phẩm, mà có thể làm việc này ở bất kỳ đâu. Ví dụ, với công nghệ thực tế tăng cường (AR), người dùng có thể thử màu son, phấn mắt với camera trước của điện thoại. Từ đó họ có thể hình dung sản phẩm trực quan, thực tế và đưa ra lựa chọn mua sắm chính xác hơn.
Nói về công nghệ này, đại diện nền tảng TMĐT Lazada tại Việt Nam, nhận định, tiềm năng ứng dụng AR/VR vào mua sắm online là rất lớn khi trên thực tế, Lazada đã đưa AR lên nền tảng của mình từ lâu với tính năng Virtual Try-On (VTO) và đã thu hút nhiều thương hiệu lớn như Estee Lauder Companies, L'Oreal, Shu Uemura.... áp dụng.
Đại diện Estée Lauder Companies cũng cho biết: “Sau thời gian thử nghiệm, lượng truy cập trên Lazada mà thương hiệu ghi nhận được đã tăng trưởng ở mức nhất định, đặc biệt là tỷ lệ chuyển đổi thành đơn hàng của các sản phẩm có ứng dụng VTO cao gấp 3 lần so với những sản phẩm khác. VTO chắc chắn sẽ giúp phần xóa bỏ ranh giới giữa mua sắm online – offline.”
Công nghệ AI: chìa khóa để giải mã người dùng
Từ năm 2021, AI đã đóng vai trò quan trọng giúp các sàn thương mại điện tử hiểu rõ hành vi và đưa ra các tính năng tối ưu hành trình mua sắm của người tiêu dùng trên nền tảng. Bằng cách phân tích các xu hướng về hành vi khách hàng, kênh mua sắm tiềm năng, thời gian và thói quen truy cập của người dùng, AI giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều nguồn lực trong việc thu thập số liệu, tạo biểu đồ và viết báo cáo.
AI cũng cũng chính là trợ thủ đắc lực trong việc bán hàng. Việc am hiểu hành vi mua sắm, nhanh chóng có phương án thích ứng và thiết lập yếu tố cá nhân hóa hiện được xem là những lợi thế lớn nhất mà AI có thể mang đến cho các nhà bán hàng nhằm giữ chân người dùng, duy trì gia tăng doanh số.
Tại một số nền tảng thương mại điện tử lớn như Lazada, việc ứng dụng AI ngày càng trở nên cần thiết, từ những vai trò như chăm sóc – trả lời khách hàng, công cụ tìm kiếm giọng nói, cho đến ghi nhận những ưu đãi phù hợp dựa theo độ tuổi, giới tính, khu vực, việc làm... để đề xuất các sản phẩm phù hợp nhất, đưa ra chiến lược kinh doanh hợp lý cho nhà bán hàng….
Ngay trong khâu logistics, nền tảng Lazada cũng áp dụng AI, từ việc số hoá thiết kế mạng lưới vận chuyển để quản lý thời gian chuyển phát cam kết, đồng thời số hoá địa chỉ của người mua và người bán vào để phân bổ khối lượng công việc và định tuyến đường cho nhân viên giao nhận.
Có thể thấy, các thành tựu về công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục giữ vai trò trọng yếu và là "vũ khí" mạnh mẽ giúp ngành thương mại điện tử phát triển và ngày một tiên tiến hơn. Trong thời đại 4.0, để để níu giữ khách hàng, các sàn TMĐT chắc chắn sẽ phải liên tục cải tiến công nghệ cho phù hợp hơn với nhu cầu ngày càng cao từ thị trường cũng như tạo ra các giải pháp tối ưu hơn trong khâu vận hành.
Thu Hường