(Tổ Quốc) - Sau 9 tháng Vinamilk vào tiếp quản, Biên lợi nhuận gộp của GTN (Mộc Châu Milk) cải thiện từ 17,7% lên 28,5%. Sự đồng hành của Vinamilk với GTN và Mộc Châu Milk đang đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, cổ đông, ngành sữa khi hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp này đang tăng trưởng mạnh.
Tiếp nối kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, GTNFoods và Sữa Mộc Châu có kết quả 9 tháng khả quan.
Kết quả kinh doanh ấn tượng trong 9 tháng đầu năm của MCM và GTN
Theo thông tin từ CTCP Sữa Mộc Châu (MCM), trong quý 3/2020, MCM đạt 775 tỷ đồng doanh thu thuần và 102 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 14% và 113% so với cùng kỳ năm trước.
9 tháng đầu năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19, công ty đã đạt kết quả kinh doanh rất ấn tượng với doanh thu 2.142 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 208,7 tỷ đồng, tăng trưởng 69% so với 9 tháng đầu năm trước.
Theo giải trình của công ty, MCM tăng trưởng tốt nhờ quản trị chi phí hiệu quả, các chính sách bán hàng dành cho nhà phân phối và hỗ trợ khách hàng với giá bán hợp lý khiến cho nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Cùng với kết quả ấn tượng của MCM, ngày 29/10, CTCP GTNFoods (GTN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020, ghi nhận doanh thu thuần đạt 775 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 87 tỷ - tăng 289% so với cùng kỳ năm trước
9 tháng đầu năm 2020, GTN đạt 2.144 tỷ đồng doanh thu và 175,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - tăng trưởng 174% so với 9 tháng đầu năm 2019. Lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 80%, đạt gần 103 tỷ đồng.
Mức tăng trưởng "khủng" này đến từ sự cải thiện biên lợi nhuận gộp, khi biên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2020 đạt 28,5% - tiếp tục tăng dù mức 27,7% của 6 tháng đầu năm đã được đánh giá là một bước nhảy vọt.
Con số khả quan trong 9 tháng của Sữa Mộc Châu và GTN khiến cho những người quan tâm đặt kỳ vọng cao vào kết quả kinh doanh cả năm 2020 và dài hơn nữa của các doanh nghiệp.
Hiện tại, GTN là công ty mẹ sở hữu 74,49% cổ phần của Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico) – đơn vị sở hữu 51% của Sữa Mộc Châu. Qua đó GTN gián tiếp nắm 37,98% cổ phần của Sữa Mộc Châu và 51% quyền biểu quyết tại đây.
Nhưng sau kế hoạch tăng vốn được thông qua gần đây, Vilico sẽ giảm tỷ lệ sở hữu Sữa Mộc Châu xuống còn 32,52% trong khi GTN sở hữu trực tiếp và gián tiếp trên 51%. Theo đó, Sữa Mộc Châu trở thành công ty con của GTN và được hợp nhất báo cáo tài chính.
Sức hấp dẫn của GTN đối với nhà đầu tư
Trong năm 2019, GTN lần lượt thoái vốn tại các công ty con GTNFarms, Công ty Khai thác tài sản GTNfoods, Công ty Hàng tiêu dùng GTNfoods, giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinatea xuống còn 20% nhằm tập trung nguồn lực cho mảng kinh doanh chính: Sữa tươi Mộc Châu.
Với quá trình tái cấu trúc này, ngay trong kỳ kinh doanh nửa đầu năm GTN đã cho thấy sự tăng trưởng đột phá.
Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong quý 2/2020 đạt hơn 43,5 tỷ đồng – gấp 5 lần so với cùng kỳ và tính lũy kế 6 tháng đầu năm, đạt 54,8 tỷ đồng – tăng trưởng 538%. Đóng góp vào kết quả này một phần là nhờ thu nhập lãi tiền gửi tăng mạnh khi công ty có dòng tiền lớn từ việc thoái vốn và thu hồi các khoản nợ, đồng thời nhận cổ tức năm 2019 của Vilico.
Lợi nhuận hợp nhất 6 tháng đạt 88,4 tỷ đồng – tăng trưởng 112% nhờ sự tăng lên của LN công ty mẹ và LN của công ty "cháu" MCM.
Kết quả quý 3 tốt hơn nữa là điều mà giới đầu tư đã dự đoán được. Chính vì thế, từ tháng 4/2020 đến nay, cổ phiếu GTN nằm trong xu hướng tăng giá, từ mức 13.000 đồng lên xấp xỉ 26.000 đồng, tức tăng gấp đôi. Trong báo cáo phân tích gần nhất, CTCK MBS định giá GTN là 30.800 đồng/cp.
Sự mạnh tay xuống tiền vào GTN của các nhà đầu tư đến từ kỳ vọng vào sự phát triển mang tính cách mạng mà Vinamilk đem lại khi doanh nghiệp do bà Mai Kiều Liên dẫn dắt đã đồng hành và hỗ trợ cho GTN, Sữa Mộc Châu trong thời gian qua.
Nhìn lại mối duyên của VNM và GTN
Nhìn về dài hạn, phải nhắc lại cuộc M&A của Vinamilk và GTN. Khi thông tin về việc Vinamilk muốn mua cổ phần tại GTN, nhiều người đã nhìn với con mắt: Đây là cuộc thâu tóm của doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa đối với một công ty nhỏ hơn nhằm gia tăng vị thế, tìm hướng tăng trưởng mới cho VNM khi mức tăng trưởng những năm gần đây chậm lại.
Tuy nhiên đến giờ, với những gì mà lãnh đạo doanh nghiệp đã cam kết và thể hiện bằng con số thực tế thì có thể thấy cuộc M&A này là mục tiêu của VNM nhằm tạo ra hệ sinh thái lành mạnh trong ngành sữa, thúc đẩy doanh nghiệp sữa hoạt động hiệu quả và đưa ngành sữa Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn.
Với việc hiện thực hóa những mục tiêu này, các đối tượng như người tiêu dùng, doanh nghiệp, cổ đông và toàn ngành đều được hưởng lợi.
Cụ thể, vào cuối năm 2019, sau khi mua GTN, Vinamilk tiến hành tái cấu trúc, thoái vốn ngoài ngành và chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh của Mộc Châu Milk với mục tiêu đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của Mộc Châu Milk theo hướng giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và hệ thống phân phối.
Sau 7 tháng Vinamilk vào tiếp quản, biên lợi nhuận gộp của Mộc Châu Milk đã cải thiện rõ rệt. Biên lợi nhuận gộp của MCM cải thiện từ mức 17,7% trong nửa đầu năm 2019 lên 28,9% trong nửa đầu năm 2020. Kết quả này đến từ việc cải thiện biên lợi nhuận của mảng sữa tươi từ mức 21% trong năm 2019 lên 32% trong nửa đầu 2020.
Tại buổi họp trực tuyến với giới phân tích vào tháng 5, bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk từng tiết lộ mục tiêu đặt ra trong vòng 3 đến 5 năm là đưa biên lợi nhuận của GTNFoods lên bằng với Vinamilk, tức quanh mức 47%.
Vinamilk đã lên kế hoạch tăng nhận diện thương hiệu Mộc Châu Milk không chỉ ở miền Bắc mà cả miền Trung và Nam, làm tiền đề phát triển thương hiệu Mộc Châu đồng hành cùng thương hiệu Vinamilk.
Sau khi tăng vốn và xây dựng 2 trang trại, Vinamilk sẽ nâng cấp trang trại theo tiêu chuẩn Global GAP, làm tăng lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Mộc Châu Milk.
Ngoài ra, trong chiến lược 3 đến 5 năm tới, Vinamilk cũng xem xét xây thêm nhà máy mới cho Mộc Châu Milk do nhà máy hiện tại quy mô khá nhỏ và đã chạy 80-90%.
Ánh Dương