(Tổ Quốc) - Có thể gọi ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) là "Chủ tịch bán đủ thứ", từ điện thoại, laptop, điện máy, rau củ…
Mới đây, Thế giới Di động chính thức khai trương TopZone, hệ thống cửa hàng theo hình thức Mono brand (cửa hàng chuyên biệt chỉ bày bán các sản phẩm Apple) nhắm mục tiêu chiếm lĩnh vị thế số 1 về thị phần bán lẻ các sản phẩm "táo khuyết" tại Việt Nam. Các sản phẩm Apple nằm trong tiểu ngạch vẫn còn đạt tốc độ tăng trưởng tốt của mảng điện thoại di động, laptop trong những năm gần đây. TopZone có kế hoạch mở từ 50 – 60 cửa hàng từ nay đến hết quý 1 năm sau.
Theo ông Nguyễn Đức Tài, Thế giới Di động có rất nhiều ý tưởng kinh doanh nảy sinh trong thời gian đại dịch. Sau TopZone, công ty sẽ cho ra mắt các chuỗi bán lẻ khác, không còn khu biệt trong lĩnh vực điện máy – công nghệ như trước.
Đã có thông tin cho rằng Thế giới Di động sẽ ra mắt thêm chuỗi bán lẻ BlueWorld, bao gồm BlueSport (ngành hàng thể dục, thể thao), BlueKids (sản phẩm cho mẹ và bé), BlueFashion (thời trang) và BlueJi (trang sức).
Ông Nguyễn Đức Tài còn tiết lộ một kế hoạch tham vọng nhiều, trở thành doanh nghiệp bán lẻ số một Đông Nam Á. Hiện nay, MWG đã xây chắc vị thế số một tại Việt Nam.
"Với sự năng động và nhiệt tình của đội ngũ và CEO Đoàn Văn Hiểu Em, tôi tin chắc, TopZone sẽ nhanh chóng mở rộng và trở thành chuỗi cửa hàng Apple cao cấp lớn nhất Việt Nam. Ngoài TopZone, chúng tôi đang có dự định ra mắt nhiều chuỗi khác, bước ra khỏi ngành điện máy – điện thoại. Mục tiêu lớn sắp tới của Thế giới Di động là trở thành chuỗi bán lẻ số 1 Đông Nam Á", ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ.
Theo báo cáo Top 100 nhà bán lẻ châu Á của Euromonitor, MWG hiện xếp thứ 10 trong số các nhà bán lẻ lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Số liệu về doanh thu năm 2020 cho thấy Tokopedia dẫn đầu với 11,68 tỷ USD. Kế đến Seven & I Holdings đạt 11,53 tỷ USD, Sea 8,74 tỷ USD, Tesco 6,5 tỷ USD, Sumber Alfaria 6,44 tỷ USD, Salim Group 6,22 tỷ USD, Alibaba Group Holding 5,6 tỷ USD. MWG của Việt Nam đạt doanh thu 4,47 tỷ USD, xếp sau SM Retail 5,4 tỷ USD và Central Group 5,54 tỷ USD.
Tính riêng tại Việt Nam, Top 10 trong nước còn có Saigon Coop doanh thu 1,58 tỷ USD; FPT Corp doanh thu 915 triệu USD; Masan Group (chuỗi VinMart) 853 triệu USD; Central Group (chuỗi Big C, Lan Chi) 835 triệu USD; Pico 497 triệu USD; Cao Phong (hay Điện máy Chợ Lớn) 454 triệu USD; Nguyễn Kim Trading 432 triệu USD; AEON Group 370 triệu USD; Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận 348 triệu USD.
Những công ty có doanh thu trên 450 triệu USD đủ năng lực để đứng trong Top 50 Đông Nam Á.
Như vậy, để Thế giới Di động có thể vươn lên vị thế số một Đông Nam Á trong ngành bán lẻ, công ty của ông Nguyễn Đức Tài sẽ phải vượt qua nhiều cái tên hàng đầu không chỉ tại khu vực và châu Á. Tuy nhiên, khoảng cách để đến được Top 4 là không đáng kể.
Nhiều cái tên hàng đầu Đông Nam Á hoạt động chính trong lĩnh vực thương mại điện tử như Tokopedia (sàn thương mại điện tử của Indonesia hiện đã sáp nhập cùng Gojek). Sea là công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Shopee, số 1 khu vực. Alibaba Group sở hữu sàn thương mại điện tử Lazada. Bám đuổi ngay sau thế giới Di động có Bukalapak, một sàn thương mại điện tử khác của Indonesia.
Năm 2020, Việt Nam nằm trong số các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên sự sụt giảm của ngành du lịch khiến doanh số bán lẻ một số ngành hàng như quần áo, giày dép và làm đẹp giảm mạnh.
COVID-19 tác động đến nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng đến sức tiêu dùng hàng hóa không thiết yếu, mặt khác thúc đẩy tiêu dùng nhu yếu phẩm tăng trưởng mạnh.
Tại thị trường Việt Nam, các nhà bán lẻ tìm cách tăng cường chiến lược đa kênh và hiện diện của thương hiệu. Ngoài ra, doanh số bán hàng thương mại điện tử cũng được thúc đẩy do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo kỳ vọng của Euromonitor, trong tương lai, bán lẻ Việt Nam được kỳ vọng sẽ quay trở lại với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch. Điều này kéo theo doanh số bán lẻ tại các cửa hàng sẽ phục hồi mạnh mẽ và nhu cầu với thương mại điện tử tiếp tục tăng nhanh khi người tiêu dùng ngày càng bận rộn.
Đông A