(Tổ Quốc) - Sau dấu mốc VinGroup cho ra mắt VinShop, đường đua thị trường TMĐT bán buôn đang trở nên nóng hơn bao giờ hết khi ông lớn VNG cũng tuyên bố nhập cuộc qua thương vụ sáp nhập với Telio - một startup eB2B với tổng số vốn đầu tư 51 triệu USD.
Ngày 22/4/2022 vừa qua, trên website của mình, Công ty Cổ phần VNG vừa công bố thông tin về việc Công ty Telio Pte.Ltd trở thành công ty liên kết của VNG từ ngày 21/4/2022. Trước đó, VNG đã có khoản đầu tư chiến lược trị giá 22 triệu USD vào Telio, nâng tổng số vốn gọi được lên 51 triệu USD.
VNG chưa công bố tỷ lệ sở hữu; thông thường khi tỷ lệ sở hữu đạt từ 20% trở lên sẽ thành công ty liên kết.
Trước Telio, một trang thương mại điện tử khác là Tiki cũng từng trở thành công ty liên kết của VNG.
Thông báo trên website của VNG
Về Telio, đây là nền tảng thương mại điện tử B2B tại Việt Nam cung ứng mặt hàng cho các đối tác như cửa hàng tạp hoá, nhà bán buôn, hiệu thuốc với ba ngành hàng chính: hàng tiêu dùng, lifestyle và y tế. Ở mỗi lĩnh vực trên, Telio cũng có hệ thống đối tác cung ứng bao gồm các thương hiệu lớn như Unilever, CocaCola, P&G, (ngành tiêu dùng); VICHY, Huxley, Banobagi (lifestyle); Dược phẩm Hoa Linh, Sanofi, Stella (y tế).
Theo thông tin từ website công ty, Telio hiện đã có mặt ở bán lẻ tại 25 tình thành phục vụ hơn 40.000 cửa hàng. Trong tương lai, công ty đang vươn mình tới 45 tỉnh thành và phục vụ hơn 150.000 đại lý bán lẻ đến hết 2022. Ngoài ra, Telio còn có ứng dụng Teliobooks để giúp Chủ đại lý tạp hóa quản lý công nợ, doanh thu với các tính năng hỗ trợ, tổng kết và nhắc nhở tự động qua SMS, Zalo.
Tuyên bố của VNG đánh dấu nỗ lực mới nhất của “kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam” trong việc “đánh chiếm” thị trường thương mại điện tử bán buôn (e-B2B) - một thị trường còn non trẻ nhưng mang nhiều tiềm năng, với giá trị ước tính lên đến 150 triệu USD.
Khác với mô hình TMĐT bán lẻ (B2C), B2B sẽ phục vụ những người mua các giá trị đơn hàng lớn: từ hàng trăm đến hàng ngàn mặt hàng trong một lượt giao dịch. Giá trị mỗi đơn hàng B2B theo tính toán của Forrester rơi vào 491 USD, so với mức 147 USD của mô hình B2C. Điều này cũng giúp giảm thiểu phần nào rủi ro huỷ đơn hàng. Theo khảo sát, tỷ lệ chuyển đổi của người bán B2B cao gấp 3 lần B2C.
Tại Việt Nam, hệ thống dày đặc các kênh bán lẻ tạp hoá, với tỷ trọng cao nhất ASEAN ở mức 88% (trong danh mục FMCG) cũng là lợi thế để phát triển ngành e-B2B.
Trở ngại lớn nhất của thị trường này là khả năng sử dụng công nghệ của khác hàng. Mặc dù việc lên đơn online đã quá quen thuộc với nhiều người trẻ, đối với các chủ tiệm tạp hoá, phần lớn là trung niên thì việc sử dụng thành thạo smartphone để đặt, thanh toán hàng là điều không hề dễ dàng. Trong khoảng 80.000 chủ tiệm tạp hóa liên kết với VinShop, nhiều người mới sử dụng smartphone lần đầu để nhập hàng. Xử lý được điều này đòi hỏi một nỗ lực “giáo dục khách hàng” từ phía các doanh nghiệp e-B2B.
Giao diện Telio trên Zalo
Tuy nhiên, với sự đồng hành của “ứng dụng quốc dân” Zalo, Telio sẽ có nhiều hi vọng hơn trên hành trình này. Với hơn 60 triệu người dùng hàng tháng, Zalo là ứng dụng được đông đảo người Việt Nam sử dụng với tiềm năng thúc đẩy thương mại điện tử, đặc biệt qua giải pháp Zalo Official Account (OA) và Zalo Mini Ap. Từ 10/2020, VNG đã nỗ lực tăng độ phủ cho Telio bằng cách mang gian hàng tích hợp cùng nền tảng Zalo và kết hợp với giải pháp thanh toán qua ví điện tử ZaloPay. Giờ đây, chỉ cần lên thanh tìm kiếm của Zalo và gõ Telio là mỗi chủ hàng bán lẻ có thể bắt đầu đặt các lô hàng về cửa tiệm
Yên Khê