(Tổ Quốc) - Doanh thu, lợi nhuận vượt gần 20% kế hoạch năm, sản lượng tiêu thụ lần đầu tiên vượt 1 triệu tấn đường.
Niên độ (NĐ) 2019-2020, CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (TTC Sugar, SBT, Công ty) đã tiêu thụ thành công 1,06 triệu tấn đường, tăng 41% so với cùng kỳ, ghi nhận Doanh thu thuần (DTT) đạt 12.850 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ và đạt 118% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 504 tỷ, tăng 20% so với cùng kỳ và đạt 117% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 372 tỷ, tăng 44% so với cùng kỳ. Đây thực sự là một kết quả đáng ghi nhận của SBT trong bối cảnh ngành Đường vẫn chưa có nhiều diễn biến tích cực do tính chu kỳ, thách thức từ việc hội nhập ATIGA cũng như tác động không nhỏ trước đại dịch Covid-19 diễn ra. Tuy vậy, với sự chủ động, linh hoạt và nỗ lực không ngừng của tập thể Ban lãnh đạo và Cán bộ công nhân viên, TTC Sugar đã xuất sắc hoàn thành kế hoạch đặt ra, khép lại NĐ với nhiều dấu ấn trong hầu hết các hoạt động.
Kết quả thực hiện theo đúng với định hướng trở thành "Doanh nghiệp cung cấp đường và giải pháp năng lượng hàng đầu Việt Nam và khu vực", kết thúc quý 4, đường vẫn đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu khi các sản phẩm đường ghi nhận DT lũy kế 12.035 tỷ đồng, chiếm 94%, tăng 27% so với cùng kỳ. SBT hiện là Công ty sở hữu nhiều và đa dạng nhất các dòng sản phẩm đường tại Việt Nam với con số trên 50 gồm 16 dòng RE, 14 dòng RS, 6 dòng đường Vàng, 5 dòng đường Phèn, 5 dòng Chức năng, 4 dòng Organic và 2 dòng đường Lỏng, phục vụ hầu như tất cả nhu cầu phát sinh của mọi nhóm khách hàng từ các kênh trọng điểm B2B, B2C, xuất khẩu và thương mại. Với chiến lược dài hạn là đa dạng hóa Chuỗi giá trị cây mía, giảm thiểu rủi ro nguồn thu khi giá đường thế giới có biến động, Công ty cũng đã và đang khai thác 5 sản phẩm Cạnh đường - Sau đường bao gồm nước uống tinh khiết chiết xuất từ hương mía Miaqua, bã mía, điện sinh khối, mật rỉ và phân vi sinh.
Cơ cấu Doanh thu theo loại hình Sản phẩm NĐ 2019-2020 . Nguồn: BCTC hợp nhất Q4 NĐ 2019-2020, TTC Sugar
NĐ 2019-2020, Lợi nhuận gộp của Công ty đạt 1.403 tỷ, tăng mạnh 61% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cũng là điểm đáng chú ý khi đã có những cải thiện và đạt 11%, tăng 36% so với cùng kỳ. Kết quả này có được là do Công ty đã có những chính sách phù hợp, kiểm soát tốt chi phí đầu vào, đặc biệt Công ty đã tận dụng được lợi thế từ ATIGA với lượng nguyên vật liệu đầu vào giá cạnh tranh hơn.
Trong NĐ qua, cả Chi phí quản lý doanh nghiệp (QLDN) và Chi phí bán hàng đều được Công ty kiểm soát tốt hơn, cụ thể, Chi phí QLDN thấp hơn cùng kỳ 57 tỷ, tương đương giảm 13%, đồng thời tỷ trọng Chi phí QLDN/DTT cũng giảm 26% và chỉ còn 3,0%. Ngoài ra, mặc dù sản lượng đường tiêu thụ tăng tới 41% nhưng tỷ trọng Chi phí bán hàng/DTT vẫn được giữ ổn định ở mức 3,6%, giảm 4% so với cùng kỳ. Việc nỗ lực tiết giảm chi phí của Ban lãnh đạo TTC Sugar là tiền đề để Công ty có thể tăng tính cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực sau khi gia nhập ATIGA.
Cơ cấu vốn tiếp tục chuyển biến tích cực, nợ vay giảm dần
Tại thời điểm 30/6/2020, Tổng tài sản (TTS) đạt 18.063 tỷ đồng, tăng 8% so với thời điểm đầu NĐ, trong đó chủ yếu đến từ các khoản Đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn, điều này phản ánh đúng định hướng tái cấu trúc hệ thống tài chính mà Công ty đã đề ra với mục tiêu đa dạng hoá nguồn thu và tận dụng tối đa các thế mạnh sẵn có của TTC Sugar. Hàng tồn kho cũng đã được kiểm soát khá tốt khi chỉ tiêu này giảm hơn 9%, tương đương giảm 258 tỷ đồng và đang duy trì ở mức 2.523 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 14% TTS, giảm 16% so với thời điểm đầu NĐ.
Với lộ trình cơ cấu lại Nguồn vốn theo hướng tối ưu hơn, Nợ phải trả của Công ty giảm 484 tỷ đồng, tương đương giảm 4% đến từ việc Nợ vay ngắn hạn giảm 5% tương đương 334 tỷ đồng và Nợ vay dài hạn giảm 23%, tương đương 416 tỷ đồng. Với việc Nợ vay của Công ty tại thời điểm 30/6/2020 giảm 8% tương đương 750 tỷ đồng, hệ số Nợ vay/VCSH và Hệ số Nợ vay/TTS đạt 1,1 lần và 0,5 lần, lần lượt giảm 30% và 15% so với đầu NĐ. Các chỉ số về Khả năng thanh toán được Công ty duy trì ở mức an toàn nhằm hạn chế rủi ro và đảm bảo nguồn vốn lưu động cho các nghiệp vụ kinh doanh, trong đó chỉ số Thanh toán hiện hành tăng 4% đạt 1,1 lần, Thanh toán nhanh tăng 9%, đạt xấp xỉ 0,9.
TTC Sugar đẩy mạnh phát triển điện mặt trời áp mái tại tất cả các đơn vị thành viên
Trong bối cảnh ngành điện Việt Nam đang nỗ lực để đảm bảo cung ứng điện tiêu dùng và sản xuất ngày càng tăng, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện hiện nay. Năng lượng mặt trời được xem là một nguồn năng lượng thay thế với nguồn cung vô tận, xanh, sạch, không gây phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Nhận thấy điều này, TTC Sugar đã sớm thực hiện chương trình phát triển điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo kết hợp với mô hình sản xuất đường và sản phẩm phụ, dự án đang đươc áp dụng thực hiện tại tất cả 13 Nhà máy, Công ty thành viên và nông trường mía trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Khánh Hoà, tỉnh Gia Lai với tổng diện tích mái nhà sẵn sàng lắp đặt đạt 20 ha. Công ty đã chuẩn bị nguồn vốn đầu tư là khoảng 400 tỷ đồng để triển khai dự án này, dự kiến trong NĐ 2020-2021 tổng công suất sẽ đạt 22MW. Trên thực tế, sử dụng điện mái nhà sẽ giúp giảm nhiệt độ trong nhà xưởng từ 4 – 5oC, cắt giảm tiêu thụ điện dẫn tới cắt giảm chi phí, cung cấp năng lượng xanh – sạch, bảo vệ môi trường, đồng thời có thể đấu nối, hòa vào lưới điện quốc gia với giá bán điện là 8,35 cents/KW tới hết 31/12/2020 trong suốt 20 năm tiếp theo.
Ánh Dương