Sẽ có nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến CMND, CCCD, hộ chiếu?

(Tổ Quốc) - Một số quy định về Chứng minh nhân dân (CMND), Căn cước công dân (CCCD), hộ chiếu dự kiến sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới nếu dự thảo Luật Căn cước công dân và dự thảo Luật sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được thông qua.

Đối với Chứng minh nhân dân 

Dù Nhà nước đã ngừng cấp Chứng minh nhân dân và thay bằng Căn cước công dân từ năm 2021, tuy nhiên, những trường hợp đang sử dụng chứng minh nhân dân nếu còn hạn thì vẫn có giá trị. 

Thế nhưng, theo đề xuất của Bộ Công an tại dự thảo Luật căn cước công dân (sửa đổi), chứng minh nhân dân sẽ chính thức bị khai tử vào ngày 1/1/2025. Nghĩa là, dù chứng minh nhân dân vẫn còn thời hạn thì người dân cũng không được phép sử dụng nữa mà phải đi làm thủ tục cấp đổi sang Căn cước công dân.

Tuy nhiên, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành mà có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

Đối với Căn cước công dân

- Thẻ CCCD sẽ được đổi tên thành thẻ căn cước

Đây là nội dung được nêu tại Nghị quyết 46 của Chính phủ. Sự thay đổi này được cho để phù hợp với thực tế nhiều loại giấy tờ khác, như hộ chiếu, giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm cũng không có từ “công dân”

Đồng thời, cũng để phù hợp với thông lệ quốc tế, khi mà hầu hết các nước trên thế giới cũng chỉ ghi là thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước quốc gia.

Việc thay đổi tên thẻ căn cước công dân thành căn cước được cho là không ảnh hưởng gì tới việc làm các thủ tục, giao dịch của người dân. Trái lại, còn giúp ngắn gọn, tiết kiệm và hoàn thiện thẻ căn cước nhanh hơn.

- Nhiều thông tin trên thẻ căn cước công dân sẽ thay đổi

Không chỉ thay đổi về tên gọi, nhiều thông tin trên thẻ Căn cước công dân dự kiến cũng sẽ được điều chỉnh theo dự thảo Luật Căn cước công dân như: Số thẻ căn cước công dân sửa thành số định danh cá nhân; Quê quán sửa thành nơi đăng ký khai sinh; Nơi thường trú sửa thành nơi cư trú; Chữ ký của người cấp thẻ sửa thành "Nơi cấp: Bộ Công an".

Đặc biệt, trên thẻ sẽ không còn dấu vân tay như thẻ CCCD hiện nay. Tuy nhiên, người dân khi đi làm thẻ vẫn phải thực hiện thủ tục lấy dấu vân tay như bình thường, thông tin này sẽ được lưu lại trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay vì in trên thẻ

Mặc dù một số nội dung trên thẻ CCCD có thể thay đổi nhưng người dân vẫn không cần phải đi làm lại thẻ, thẻ cũ vẫn có giá trị sử dụng cho đến khi hết thời hạn.

- Cấp Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi

Cũng trong dự thảo Luật Căn cước công dân, dự kiến, thẻ Căn cước cũng sẽ được cấp cho cả những người dưới 14 tuổi, thay vì phải đủ 14 tuổi mới được cấp như hiện nay. Việc này nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của nhóm đối tượng này và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy tiện ích của thẻ Căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. 

Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành.

 

Thay đổi đối với hộ chiếu: Đơn giản hóa giấy tờ liên quan khi làm hộ chiếu phổ thông

Tại dự thảo Luật sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công an đã đưa ra đề xuất không còn cần mang quá nhiều loại giấy tờ liên quan khi làm thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông. Cụ thể, nếu như dự thảo này được thông qua, người dân đi làm hộ chiếu chỉ cần mang:

- Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất còn giá trị sử dụng đối với người đã được cấp hộ chiếu. trường hợp hộ chiếu còn giá trị sử dụng bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền.

- Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi. Trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.

Trong khi, Luật hiện hành quy định người dân phải mang thêm Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi; Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất.

Trọng Trần

Tin mới