(Tổ Quốc) - Tới đây ngân hàng sẽ có đợt tăng vốn thứ 2.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của SeABank trên Giấy phép hoạt động của Ngân hàng từ 12.088 tỷ đồng lên gần 13.425 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên SeABank năm 2021.
Việc tăng vốn điều lệ nằm trong kế hoạch và định hướng phát triển của ngân hàng, giúp có thêm tiềm lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, nâng cao chất lượng hoạt động; đồng thời đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của khách hàng.
Dự kiến thời gian tới SeABank sẽ phát hành 136 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 10,13% để tiếp tục tăng vốn điều lệ theo phương án đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên SeABank năm 2021.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2021 được Đại hội đồng cổ đông thông qua, SeABank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 10% đạt 198.229 tỷ đồng; huy động tiền gửi của khách hàng tăng 9,7% đạt 124.277 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng tăng 13% đạt 122.978 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 2.414 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng đã đạt kết quả khả quan với tổng tài sản 186.934 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế gần 1.557 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020, gần bằng mức lợi nhuận của cả năm 2020; Thu thuần từ lãi 2.430 tỷ đồng, tăng 82%; Thu thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh lên 469,2 tỷ đồng, tăng 211%; Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 38,3% so với mức 52,1% cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm từ 1,86% cùng kỳ năm 2020 xuống còn 1,76% năm 2021.
Bên cạnh đó SeABank cũng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xếp hạng trong 17 tổ chức tín dụng có tầm ảnh hưởng quan trọng trong hệ thống ngân hàng năm 2021, được tổ chức Moody’s xếp hạng tín nhiệm dài hạn mức B1 trong 3 năm liên tiếp và đánh giá triển vọng phát triển Tích cực.
Ngọc Phương