(Tổ Quốc) - Lần đầu tiên tổ chức một Siêu lễ hội mua sắm vào dịp đầu năm, liệu Shopee sẽ thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong khu vực như thế nào?
Theo Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á năm 2020 với quy mô 7 tỷ USD, xếp sau Indonesia (32 tỷ USD) và Thái Lan (9 tỷ USD). Tuy nhiên, theo dự đoán, TMĐT Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực (34%), chạm mốc 23 tỷ USD.
Bởi lẽ đó, 2021 sẽ tiếp tục là một năm bùng nổ của TMĐT trong nước, với những tiềm năng lớn để doanh nghiệp mở rộng "địa hạt" online, cũng như mang đến giá trị ưu đãi tốt nhất cho người dùng. Ngay từ đầu năm, thông qua sự kiện 4.4 Siêu Hội Mua Sắm, Shopee sẽ mang đến không khí mua sắm tưng bừng ngay trong nửa đầu năm với nhiều kế hoạch và công nghệ để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, đồng thời hỗ trợ tối đa cho các thương hiệu và nhà bán hàng.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Shopee Việt Nam đã chia sẻ những nhìn nhận về chiến lược để doanh nghiệp thích nghi với những xu hướng mới sẽ dẫn dắt thị trường TMĐT trong thời gian tới.
Ông đánh giá như thế nào về xu hướng phát triển của TMĐT trong năm 2021?
Năm 2020 mang ý nghĩa chuyển đổi đặc biệt đối với ngành TMĐT. Chúng tôi nhận thấy có 3 xu hướng chính sẽ đồng hành cùng sự tăng tốc của TMĐT trong thời gian tới.
Thứ nhất, các nền tảng TMĐT sẽ chú trọng tích hợp nhiều yếu tố tương tác hơn như trò chơi và livestream để gia tăng kết nối với người tiêu dùng. Giai đoạn giãn cách xã hội, người tiêu dùng tận dụng tối đa các nền tảng trực tuyến để vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu vừa phục vụ mục đích giải trí. Từ đó, TMĐT đã phát triển từ nền tảng giao dịch thuần túy sang trải nghiệm mang tính xã hội.
Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với hơn 20.000 thương hiệu quốc tế và nội địa hàng đầu để không ngừng bứt phá giới hạn và tạo ra những trải nghiệm mua sắm tối tân, thú vị và độc đáo. Một ví dụ cụ thể là sự hợp tác giữa Shopee với POND'S để mang đến trải nghiệm phân tích chăm sóc da trực tuyến một cách cá nhân hóa cho người mua hàng. Việc tích hợp AI Chatbot tiên tiến của POND’S Skin Advisor Live (SAL) giúp người dùng hiểu sâu hơn về làn da của họ và cung cấp giải pháp làm đẹp một cách đơn giản cho người tiêu dùng thường bị choáng ngợp với các lựa chọn làm đẹp trực tuyến.
Thứ hai, TMĐT cũng thúc đẩy sự phát triển của các phương thức thanh toán kỹ thuật số. Tổng số đơn đặt hàng trên Shopee được thanh toán qua ví điện tử AirPay trên toàn khu vực đã tăng trưởng gấp 4 lần. Trong đó, nhóm tăng trưởng mạnh nhất ở hầu hết các thị trường là những người dùng trên 50 tuổi, minh chứng cho tính dễ tiếp cận của ví Airpay đối với độ tuổi thường được xem là khó thích ứng với thanh toán kỹ thuật số.
Người dùng gia tăng thanh toán qua ví AirPay kể cả tại những điểm bán lẻ truyền thống
Bên cạnh đó, số lượng cửa hàng bán lẻ chấp nhận hình thức thanh toán qua ví AirPay tại Việt Nam cũng tăng gấp 2 lần trong năm qua, cụ thể như người dùng gia tăng thanh toán tại các chuỗi bán lẻ như: 7-Eleven, MyKingdom và Guardian,... Rõ ràng, thanh toán kỹ thuật số không còn giới hạn trong các giao dịch trực tuyến, mà sẽ còn phổ biến hơn kể cả tại những điểm bán truyền thống.
Xu hướng thứ 3 liên quan đến dịch vụ hậu cần. Các thương hiệu và nhà bán hàng cần sử dụng hiệu quả công nghệ để đảm bảo hàng hóa được giao nhanh chóng với chi phí tiết kiệm, khi nhu cầu mua sắm trực tuyến hàng thiết yếu ngày càng gia tăng. Phương thức hiệu quả nhất chính là khai thác mạng lưới rộng lớn và tích hợp của các nền tảng TMĐT.
Cùng với nhìn nhận đó, chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô và tăng trưởng hiệu quả, bằng cách theo dõi toàn bộ quá trình từ kiểm duyệt đến giao hàng, bao gồm cả việc liên tục củng cố mạng lưới hậu cần và năng lực kho hàng. Năm 2020, Shopee Express, dịch vụ chuyển phát nhanh của Shopee, đã mở rộng phạm vi hoạt động để tiếp cận nhiều người dùng hơn, kể cả ở khu vực nông thôn. Nhiều doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hậu cần này với số lượng mặt hàng được vận chuyển từ kho tăng gấp 3 lần vào năm 2020.
Liệu sự kiện 4.4 Siêu Hội Mua Sắm sắp tới có phải là một trong những đổi mới này không? Vì sao Shopee tổ chức lễ hội siêu giảm giá ngay đầu năm, trong khi mùa mua sắm trên các nền tảng TMĐT thường chỉ tập trung vào giai đoạn cuối năm?
4.4 Siêu Hội Mua Sắm có thể coi là một sự kiện "trái mùa" đối với ngành TMĐT nhưng với Shopee, đây là bước đi tiên phong cho chính chúng tôi và thị trường, khi chúng tôi mang toàn bộ sự sôi động của lễ hội mua sắm cuối năm vào dịp đầu năm. Tiếp nối sự thành công của 9.9 Ngày Siêu Mua Sắm mà Shopee đã tiên phong khởi tạo vào năm 2016, chúng tôi mong muốn mang lại cho người dùng nhiều niềm vui và giá trị xuyên suốt năm.
Thực tế, nhu cầu mua sắm đêm khuya đang ngày càng tăng cao, do đó 4.4 Siêu Hội Mua Sắm sẽ khởi động chương trình Siêu Giảm Giá Nửa Đêm kéo dài 2 giờ đồng hồ với hàng nghìn ưu đãi hấp dẫn. Chưa kể, khách hàng thân thiết cũng có cơ hội mua sắm tiết kiệm và nhận về nhiều phần thưởng hơn thông qua chương trình Shopee Rewards. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức Ngày Hội Thương Hiệu Cao Cấp, với hàng loạt sản phẩm hàng hiệu giảm giá đến 50% nhằm phục vụ cộng đồng những người thích mua sắm sản phẩm làm đẹp cao cấp ngày một tăng.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, ông có nghĩ rằng sự kiện này sẽ ảnh hưởng đến những lợi thế vốn có của loạt lễ hội mua sắm cuối năm vốn đã rất nổi tiếng của Shopee không?
Có thể nói, 4.4 Siêu Hội Mua Sắm là lễ hội mua sắm lớn trên toàn khu vực trong năm nay, tiếp nối các sự kiện mua sắm diễn ra liên tục mùa cuối năm của Shopee. Tôi không nghĩ sự kiện này sẽ làm giảm sức nóng của loạt lễ hội cuối năm, mà càng nuôi dưỡng thói quen mua sắm trực tuyến quanh năm của người tiêu dùng. Sự kiện này đóng vai trò là một "cú hích" tăng thêm sức nóng cho các siêu hội mua sắm cuối năm của chúng tôi, đồng thời phản ánh rõ những giá trị bền vững mà Shopee cam kết sẽ mang đến cho các nhà bán hàng, các thương hiệu cũng như người dùng tham gia lễ hội.
Từ phía Shopee, chúng tôi đã và đang giúp các thương hiệu và nhà bán hàng ở mọi quy mô thực hiện việc tiếp cận khách hàng hiệu quả thông qua hỗ trợ cơ bản về mặt vận hành với quy trình thanh toán kỹ thuật số và hậu cần tích hợp, điển hình như việc tích hợp ví điện tử AirPay và hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán hàng đầu để mang lại các giao dịch nhanh chóng và an toàn.
Chúng tôi cũng liên tục tạo ra các hoạt động tương tác giải trí thú vị ngay trên các nền tảng như website, ứng dụng để không ngừng tạo ra trải nghiệm mua sắm mới và độc đáo hơn nữa cho người dùng. Những điều này đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ trong việc sử dụng thanh toán kỹ thuật số giữa người dùng, thương hiệu và nhà bán hàng trên Shopee.
Shopee gia tăng hỗ trợ các doanh nghiệp theo dõi toàn bộ quá trình từ kiểm duyệt đến giao hàng, bao gồm cả việc liên tục củng cố mạng lưới hậu cần và năng lực kho hàng
Theo ông, 4.4 Siêu Hội Mua Sắm liệu có thể tạo nên một trào lưu mua sắm đầu năm tại Việt Nam từ nay về sau hay không? Nói rộng hơn ra là khả năng thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng.
Sau thành công của hàng loạt sự kiện mua sắm những năm qua, chúng tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công nghệ, vận hành và đón đầu xu hướng tiêu dùng của khách hàng. Do đó, thông qua 4.4 Siêu Hội Mua Sắm, chúng tôi hy vọng sẽ thiết lập thêm một trào lưu mua sắm mới cho người tiêu dùng Việt Nam vào dịp đầu năm nhằm mang đến những ưu đãi xuyên suốt cả năm.
Với 4.4 Siêu Hội Mua Sắm, Shopee mong muốn mang đến loạt ưu đãi tiết kiệm hơn cho người dùng bên cạnh những phương thức mới để các thương hiệu và nhà bán hàng có thể tương tác hiệu quả với khách hàng của mình. Phù hợp với tầm nhìn của Shopee là phát triển thương mại điện tử cho mọi người, Shopee sẽ hỗ trợ sâu hơn nữa cho doanh nghiệp, nhà bán hàng và người dùng vào ngày 4.4 này và hơn thế nữa.
Ánh Dương