(Tổ Quốc) - Vừa qua, OCB đồng hành cùng cộng đồng SME và Start-up trong Hội thảo "Back and Bounce" do Group Quản trị & Khởi nghiệp tổ chức. Trong khuôn khổ chương trình, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc OCB đã có những chia sẻ liên quan đến thực trạng và các giải pháp giúp doanh nghiệp thành công.
Năm 2019 - 2021, có thể nói là thời điểm khó khăn với bức tranh "ảm đạm" của nền kinh tế. Dịch bệnh kéo dài đã bào mòn sức lực của rất nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Theo thống kê, năm 2021 đã có 119,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8% so với năm 2020.
Bước sang năm 2022, nền kinh tế đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng, các doanh nghiệp cũng đang từng bước phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc OCB: "Bối cảnh sắp tới sẽ đan xen giữa thuận lợi và khó khăn. Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế trong nước đón nhận sự tăng trưởng vượt bậc của kim ngạch xuất nhập khẩu, nhìn thấy được sự sôi động của thị trường dịch vụ. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang chứng kiến và dần dần bị ảnh hưởng bởi những vấn đề lớn của thế giới. Đầu tiên là lạm phát. Bắt đầu từ việc giá dầu tăng cao, kéo theo hàng loạt các vấn đề liên quan đến giá dầu và giá cả các loại hàng hóa. Ở Việt Nam chúng ta, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và Bộ tài chính đang quản lý rất tốt thị trường thế nhưng, nếu tình hình lạm phát cao hơn thì thị trường cũng sẽ có sự biến động và chúng ta phải lường trước vấn đề này.
Vấn đề thứ 2 là bối cảnh cuộc chiến Ukraine hiện nay không ai lường trước được và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Vấn đề thứ 3 chính là sự thay đổi chính sách của hàng loạt các ngân hàng trung ương trên thế giới, mấy ngày hôm nay liên tục các câu chuyện của Fed và nó tác động rất rõ ràng đến thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam. Câu chuyện thắt chặt tiền tệ là câu chuyện rất dễ có thể xảy ngay tại đất nước chúng ta trong thời gian sắp tới nếu như áp lực bên ngoài lớn hơn nữa. Cuối cùng là quốc gia chiếm tỷ trọng rất lớn trong giao dịch thương mại của Việt Nam đó là Trung Quốc, đất nước này vẫn sử dụng chính sách Zero Covid và rõ ràng, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành nông sản vẫn đang bị ảnh hưởng. Và sắp tới có thể sẽ là một đợt sàng lọc doanh nghiệp đầy tính "nghiêm khắc". Doanh nghiệp nào chọn hướng đi đúng, cách làm đúng sẽ thành công. Còn không đúng sẽ rất khó khăn".
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc OCB chia sẻ tại hội thảo
Cũng theo ông Nguyễn Đình Tùng, "Nhìn ở góc độ ngân hàng, qua quan sát rất nhiều doanh nghiệp, trong 2-3 năm vừa qua, tôi nhận ra được những điều như sau: Ở các doanh nghiệp thành công, thông thường phải đảm bảo 3 yếu tố chính đặt trên nền tảng cơ bản. Ba yếu tố ấy là: Phải chọn được cho mình khách hàng và tận tụy chăm sóc khách hàng ấy. Doanh nghiệp nào không nhìn được khách hàng mục tiêu của mình là ai và không thực sự có cái tâm với khách hàng thì doanh nghiệp đó rất khó thành công. Các doanh nghiệp thành công, họ cũng không bao giờ làm một mình mà luôn hòa vào cộng đồng để chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, trở thành cộng sự của nhau, tham gia vào chuỗi cung ứng và chính sự tham gia ấy sẽ tạo nên một nền tảng phát triển bền vững. Đặc biệt, đại dịch Covid - 19 đã chứng minh một điều rất đúng, nếu doanh nghiệp không đổi mới sáng tạo thì có thể bị đào thải bất cứ lúc nào. Và trong hành trình đổi mới sáng tạo này, số hóa có thể nói là một điểm sáng của chính doanh nghiệp Việt Nam và rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Chúng ta gặp rất nhiều thách thức về số hóa nhưng kết quả nhận được lại vô cùng lớn".
Ngay chính tại OCB, thực tế, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 không chỉ tác động đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ mà ngay cả ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Số hóa chính là con đường tất yếu và hướng đi chung mà hầu hết đơn vị đều nhắm đến. Cuộc đua digital bank giữa các ngân hàng đã và đang mang đến nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp.
Trong cuộc đua ấy, tuy không phải là nhà băng với quy mô quá lớn, nhưng OCB đã trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam được công nhận hoàn tất quản trị rủi ro Basel II và tiên phong ứng dụng công nghệ từ rất sớm trong mô hình kinh doanh và hoạt động nội bộ, bắt đầu từ việc cho ra mắt ngân hàng hợp kênh đầu tiên OMNI Channel.
Nhờ sớm áp dụng số hóa và quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, OCB hiện nay đã vươn lên nhóm ngân hàng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, hoạt động hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam. Thêm vào đó, việc phát triển Bigdata, ngân hàng mở Open API đã giúp OCB phát triển thành công nhiều giải pháp tài chính số, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn, quản lý dòng tiền và hướng đến quản trị tài chính trên nền tảng số.
Về phía doanh nghiệp, theo khảo sát của Bộ Công thương về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho thấy vẫn có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu, 16/17 ngành khảo sát ưu tiên đều đang có mức sẵn sàng thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 95% số lượng doanh nghiệp trên thị trường lại là nhóm gặp khó khăn nhất trong quá trình chuyển đổi số. Hệ quả là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động tài chính - kế toán - ngân hàng đã bị ngắt quãng bởi số lượng lớn doanh nghiệp không theo kịp quá trình chuyển đổi số. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của chính doanh nghiệp mà còn đặt ra bài toán cấp thiết cho hệ thống ngân hàng trong quá trình liên kết với doanh nghiệp.
Cùng với việc tham gia vào cuộc đua "digital bank" (ngân hàng số), hiện nay một số ngân hàng cũng đã phát triển các gói giải pháp thanh toán nhằm hỗ trợ tiết kiệm chi phí, nhân lực, thời gian cho doanh nghiệp trong quá trình vận hành tài chính. Ngay ở OCB, chúng tôi đã triển khai gói giải pháp thanh toán OCB ProPay - đồng hành cùng doanh nghiệp quản trị thịnh vượng số, bước đầu đã nhận được phản hồi tích cực từ thị trường, ông Tùng chia sẻ.
OCB ProPay - công cụ tài chính đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số
Gói giải pháp thanh toán OCB ProPay được chia theo 3 cấp độ gồm cơ bản, nâng cao, chuyên biệt để phù hợp với đặc thù kinh doanh, quy mô, lĩnh vực hoạt động của từng khách hàng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đơn giản hóa công tác báo cáo, giảm thiểu sai sót, tiết kiệm nhân lực và giảm đến 80% thời gian xử lý so với thực hiện thủ công.
Hội thảo đã trở thành "sân chơi" bổ ích cho tất cả các doanh nghiệp trên hành trình "Trở lại và Vĩ đại hơn"
Mang chủ đề "Back & Bounce" (Trở lại và Vĩ đại hơn), với sự tham dự của hơn 500 khách mời là chủ Doanh nghiệp, CEO, Founder cùng các diễn giả có nhiều năm kinh nghiệm như: Tổng Giám đốc OCB - Ông Nguyễn Đình Tùng, Doanh nhân Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC, Doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo - Chủ tịch kiêm CEO King Coffee… Chương trình đã thực sự trở thành nơi giúp các chủ Doanh nghiệp kết nối, trao đổi học hỏi lẫn nhau và lắng nghe kinh nghiệm thực chiến từ các Doanh nhân đã dẫn dắt doanh nghiệp họ vượt qua khó khăn, tăng trưởng bứt phá, tiếp thêm động lực, niềm tin và gợi ý để họ quay trở lại sau những khoảng thời gian phải tạm dừng bởi biến cố từ các cuộc khủng hoảng kinh tế, Covid hay từ chính nội tại doanh nghiệp.
Ánh Dương