(Tổ Quốc) - Theo các chuyên gia, Hải Phòng là một trong 5 đô thị kinh tế trọng điểm của đất nước, với thế mạnh vừa có cảng biển, cảng hàng không; vừa là cầu nối giao thương trọng yếu của các tỉnh thành phố khu vực Đông Bắc Bộ. Thành phố hoa phượng đỏ sở hữu những tiền đề vững chắc, đáp ứng sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp "không khói".
Mới đây, trong khuôn khổ Giải Vô địch Golf Quốc gia năm 2023 - Cúp VinFast do Cục Thể dục Thể thao, UBND thành phố Hải Phòng, Báo Tiền Phong, Hiệp hội Golf Việt Nam tổ chức tại TP. Hải Phòng từ ngày 8 đến ngày 11/8/2023, Báo Tiền Phong và Sở Du lịch Hải Phòng đồng tổ chức hội thảo "Hải Phòng - Điểm đến Du lịch Golf".
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, trong những năm gần đây, du lịch Hải Phòng đã có sự tăng trưởng đáng ghi nhận cả về quy mô chất lượng và thu hút lao động. Giai đoạn 2016 - 2019, tổng thu từ khách du lịch tăng ổn định, bình quân 15,3%/năm, khách du lịch tăng bình quân 15%/năm.
Sang đến giai đoạn 2016 - 2023, kết cấu hạ tầng du lịch thành phố có sự tăng trưởng đáng kể cả về quy mô và chất lượng. Cụ thể, số cơ sở lưu trú hiện có tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên là 14 cơ sở, với 3.500 phòng (gấp 2,7 lần so với năm 2016); trong đó, số khách sạn tiêu chuẩn 5 sao là 06 khách sạn, với 2.222 phòng (gấp 3 lần so với năm 2016).
"Sản phẩm du lịch Hải Phòng phát triển đa dạng và có sự dịch chuyển rõ nét trong cơ cấu, hình thành và phát triển thêm các sản phẩm mới. Trong đó, du lịch thể thao (Golf Tour) có hiệu ứng mạnh mẽ, trở thành một trong những sản phẩm lợi thế của Hải Phòng", ông Lê Khắc Nam cho biết.
Theo đó, trên địa bàn thành phố hiện có 4 sân Golf đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây đều là những sân Golf lớn, chuyên nghiệp với cảnh quan tự nhiên đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu phong phú của người chơi; thu hút được lượng du khách cao cấp tham gia thường xuyên và ổn định trong 4 mùa. Ngoài ra, 2 dự án đầu tư xây dựng: sân Golf Sakura tại huyện An Lão (đang triển khai) và sân Golf Xuân Đám tại đảo Cát Bà (đã được phê duyệt chủ trương đầu tư).
Theo đại diện của Vinpearl Golf, Hải Phòng là một trong 5 đô thị kinh tế trọng điểm của đất nước, với thế mạnh vừa có cảng biển, cảng hàng không; vừa là cầu nối giao thương trọng yếu của các tỉnh thành phố khu vực Đông Bắc Bộ. Thành phố hoa phượng đỏ sở hữu những tiền đề vững chắc, đáp ứng sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp "không khói".
Bà Nguyễn Thị Thương Huyền, Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, đồng Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho biết, Hải Phòng có vị trí địa lý và cự ly bay lý tưởng, nằm gần các thị trường Golf có mức tăng trưởng cao nhất thế giới: Hàn Quốc, Nhật Bản...; du lịch thiên nhiên và văn hóa độc đáo, ẩm thực phong phú, hấp dẫn.
"Đặc biệt, khí hậu lý tưởng cho phép khách du lịch Golf hoạt động quanh năm", bà Huyền cho hay.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhận định, du lịch Golf Hải Phòng nói riêng và của cả nước nói chung còn những hạn chế, thách thức. Cụ thể, số lượng sân Golf còn ít; chi phí của người chơi cao hơn so với các nước trong khu vực và thu nhập của người dân, dẫn đến đối tượng khách du lịch nội địa chưa nhiều.
Bên cạnh đó, các đường bay thẳng phục vụ khách quốc tế đến Hải Phòng chơi Golf vẫn còn đang hạn chế. Chưa kể, sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với sân Golf chưa chặt chẽ, du lịch Golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác như: du lịch MICE, tham quan nghỉ dưỡng, ẩm thực,... Các sân golf chưa liên kết với nhau cũng như chưa có các giải pháp về xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch Golf bài bản, chuyên nghiệp.
Do vậy, để khắc phục những khó khăn, đồng thời phát triển du lịch Golf hiệu quả, các diễn giả tại Hội thảo đã kiến nghị một loạt giải pháp để nghiên cứu áp dụng như tăng cường hạ tầng du lịch golf, nâng cao chất lượng tour golf, quảng bá Việt Nam như một điểm đến của du lịch golf, tạo sự kiện golf quốc tế , tăng cường liên kết vùng trong du lịch golf, đào tạo nhân lực phù hợp và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về chính sách thuế để tăng sức cạnh tranh cho du lịch golf Việt Nam.
Ông Phạm Thành Trí - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam chia sẻ, hai năm gần đây, Hiệp hội du lịch Golf Việt Nam triển khai lễ hội du lịch golf, trong đó có giải golf quốc tế và hội thảo golf quốc tế cùng với sự tham gia của các golfer quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức các giải giao lưu golf quốc tế; tổ chức các giải golf nội địa...
Bên cạnh đó, ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, cho rằng, ngành hàng không và du lịch có kết nối chặt chẽ. Hàng không có thể hỗ trợ du lịch đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho rằng, Nhà nước và các địa phương cần tạo cơ chế mở cửa kinh tế, mở cửa du lịch đồng bộ, phù hợp, hạn chế rào cản thu hút nhà đầu tư và khách du lịch đi, đến Việt Nam, tạo cho Việt Nam có mạng lưới sân golf rộng khắp cũng như dịch vụ quản lý sân golf chuyên nghiệp, chất lượng.
"Những chính sách hỗ trợ hàng không và du lịch cần tiếp tục áp dụng đến hết năm 2023 và năm 2024. Đó cũng là giải pháp thúc đấy, thu hút khách du lịch và giữ được thị trường hàng không, du lịch có mức tăng trưởng cao, cạnh tranh được trong khu vực và thế giới", ông Nề bày tỏ.
Giang Anh