(Tổ Quốc) - Từ ngày 15/03, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế, kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh thu và cải thiện lợi nhuận ngành du lịch trong nước.
Ngành du lịch Việt Nam đã trải qua hai năm giông bão vì dịch Covid-19
Theo SSI Research, năm 2019, ngành Du lịch Việt Nam gần như trải qua giai đoạn hoàng kim nhất khi tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam vượt trội so với mức trung bình toàn cầu và khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã trở thành yếu tố kéo lùi đà phát triển của ngành xuyên suốt giai đoạn 2020-2021.
Năm 2020, số lượt khách quốc tế trong năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm 79% so với cùng kỳ năm trước, khách du lịch nội địa cũng thu hẹp về 56 triệu lượt. Tổng thu từ ngành Du lịch chỉ đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 59%.
Bước sang năm 2021, ngành Du lịch tiếp tục đối mặt với khó khăn hơn nữa khi xuất hiện biến chủng Delta cũng như sự chặt chẽ trong việc áp dụng các nguyên tắc giãn cách xã hội. Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2021 chỉ đạt 157,3 nghìn lượt, giảm 96%, lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 40 triệu lượt, tổng thu từ Du lịch giảm về mức 180 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên từ quý 3/2021, Việt Nam đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, với chiến lược đúng đắn, số ca nhiễm nặng của Việt Nam giảm dần và tạo điều kiện cho nước ta tiến đến trạng thái "bình thường mới", tái mở cửa nền kinh tế.
Từ giữa tháng 10/2021, ngành du lịch bắt đầu hồi phục. Nếu như trong tháng 10 số lượng khách nội địa chỉ đạt 750 lượt thì con số này trong 2 tháng cuối năm 2021 lần lượt là 2.500 lượt và 5.250 lượt.
Khác với khách nội địa, ngành Du lịch Việt Nam tiếp cận thận trọng với khách quốc tế với nhiều giai đoạn. Từ tháng 11/2021, Việt Nam bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế trở lại một số vùng du lịch trọng điểm. Theo số liệu của Tổng cục du lịch, nếu như số lượt khách quốc tế trong tháng 11 là 400 thì quy mô trong tháng 12.2021 đã tăng lên 3,5 nghìn lượt.
Sau khoảng thời gian thí điểm, dự kiến ngày 15/03 hôm nay Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế dù vẫn còn các quy định để đảm bảo an toàn phòng dịch. Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, năm 2022 ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa. Tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 400 nghìn tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu nào sẽ được hưởng lợi?
Theo SSI, ngành Du lịch mở cửa sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và cải thiện lợi nhuận đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: Du lịch, lữ hành; Lưu trú du lịch (khách sạn, resort,..); Vận tải du lịch.
Theo đó, nhóm Du lịch, lữ hành sẽ được hưởng lợi trực tiếp nhờ số lượt khách hồi phục mạnh sau 2 năm chịu tác động từ đại dịch.
Nhóm Lưu trú du lịch được hưởng lợi nhờ công suất thuê phòng hồi phục theo sự gia tăng của khách du lịch.
Nhóm Vận tải du lịch hưởng lợi gián tiếp nhờ việc vận tải hành khách, vận tải hàng hóa trên các tuyến đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển, … tuy nhiên nhóm này chịu ảnh hưởng bởi việc giá xăng dầu đang duy trì ở mức cao.
Ngoài ra, theo chuyên gia SSI, đại diện đầu ngành của nhóm Dịch vụ hàng không là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng sẽ hưởng lợi mạnh mẽ nhờ câu chuyện hồi phục sau dịch.
Nhóm chuyên gia ưa thích ACV vì giả định sản lượng khách nội địa có thể quay về mức trước đại dịch, trong khi phục hồi khách quốc tế sẽ ở mức 20% so với trước đại dịch, nhóm chuyên gia cho rằng lợi nhuận sau thuế của ACV sẽ tăng 341% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, lợi nhuận ACV có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 2 năm tiếp theo với việc hồi phục mạnh mẽ của khách quốc tế, đặc biệt khi Trung Quốc bỏ chính sách zero Covid.
Hơn nữa, ACV không phải chịu sức ép giảm giá bán và không phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng. So với các công ty hàng không phải đối mặt với chi phí giá dầu tăng trong khi giá vé khó tăng, ACV có lợi thế được cố định các loại lệ phí sân bay và do đó sẽ hưởng lợi ngay lập tức khi sản lượng hành khách phục hồi.
Huyền Trang