(Tổ Quốc) - Chủ tịch Thế giới Di động, ông Nguyễn Đức Tài từng phát biểu: "Ở đây không có chiếc lò xo nào đang bị ép cả, chỉ có thu nhập bị giảm, sức mua giảm và sẽ giảm luôn… dự kiến có thể kéo dài đến 2023-2024".
Sức mua hàng hóa đã và sẽ giảm?
Trong dự báo mới nhất của World Bank, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đã được hạ xuống con số 4,8%, ít hơn so với các dự báo từ đầu năm sau ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4.
Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 339,4 nghìn tỷ đồng, giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hầu hết doanh thu của các ngành đều giảm, cụ thể doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 291,8 nghìn tỷ đồng, giảm 5,5% và giảm 11,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 21,2 nghìn tỷ đồng, giảm 22,4% và giảm 53,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 133 tỷ đồng, giảm 4,8% và giảm 92,6%; doanh thu dịch vụ khác đạt 26,3 nghìn tỷ đồng, giảm 22,4% và giảm 43%.
Nếu tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, bán lẻ là ngành duy nhất có doanh thu tăng trưởng (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước), còn lại các ngành đều giảm trong 7 tháng đầu năm 2021.
Xu hướng giảm này không chỉ mới diễn ra trong 7 tháng đầu năm 2021 mà còn đã bắt đầu từ năm 2020. Theo Statista, trong năm 2020 chi tiêu tiêu dùng trong các ngành của Việt Nam cũng hầu hết có xu hướng giảm nhiều so với năm 2019. Trong đó, chỉ có 3 ngành vẫn giữ được mức tăng gồm vận tải, mua sắm online và đồ gia dụng.
Xu hướng giảm chi tiêu tại các ngành tại Việt Nam trong năm 2020. Nguồn Statista
Theo Statista, chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) của Việt Nam đã giảm xuống mức 24 trong tháng 7/2021, so với mức 60 vào hồi tháng 1 đầu năm. Theo Investopedia, khi CCI tăng thì người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn, nhưng khi CCI giảm thì người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm và ít chi tiêu.
Đây là mức thấp nhất trong các năm gần đây do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 thứ 4. Nhìn chung xu hướng giảm chỉ số niềm tin tiêu dùng trong 7 tháng đầu năm 2021.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Việt Nam từ 2012 đến tháng 7/ 2021. Nguồn: Statista
Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua (trừ tháng 02 có số ngày làm việc ít nhất).
Ngoài ra, chỉ số quản lý thu mua sản xuất (PMI) của Việt Nam đã giảm mạnh trong thời gian gần đây. Theo IHS Markit, chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm mạnh từ 53.1 (tháng 5/2021) xuống 44.1 (tháng 6/2021), đề cập đến tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất về điều kiện kinh doanh trong hơn một năm và kết thúc giai đoạn tăng trưởng sáu tháng.
Theo báo cáo vừa công bố ngày 24/8 của World Bank, Chỉ số PMI của Việt Nam không chỉ giảm đột ngột, mà còn giảm sâu hơn so với mức bình quân của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, trong khi chỉ số PMI toàn cầu lại đang tăng lên nhờ quá trình phục hồi ở nhiều quốc gia lớn
Chỉ số PMI và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam đang giảm. Nguồn: World Bank
Sức mua hàng hóa sẽ quay trở lại?
Chủ tịch Thế giới Di động từng nói: "Chỉ một ngày nào đó các bạn thấy du lịch mở cửa trở lại, người dân hoạt động nhộn nhịp… thì chúng ta mới có thể hy vọng về một sức mua gia tăng".
Nếu nhìn sang một số nước đang mở cửa lại du lịch và hoạt động nhộn nhịp như Mỹ, sức mua hàng hóa đãsớm quay trở lại khi các hoạt động sản xuất được quay trở lại bình thường.
Theo báo cáo của Deloitte, sự mở cửa lại nhiều hoạt động như du lịch, nhà hàng tại Mỹ đã kéo theo những tín hiệu tích cực trong mức chi tiêu của người tiêu dùng. Dự báo của Deloitte cho biết chi tiêu cho các ngành dịch vụ tại Mỹ có thể đạt 6.2% trong năm 2021, sau khi bị âm 7.3% trong năm 2020. Ngoài dịch vụ, Deloitte cũng dự báo chi tiêu cá nhân của người Mỹ cũng quay trở lại mức tăng trưởng dương trong năm 2021 sau khi giảm mạnh trong năm 2020.
Dự báo chi tiêu tại Mỹ tăng trưởng mạnh sau khi mở cửa lại nhiều dịch vụ. Nguồn: Deloitte
Việt Nam cũng có thể kỳ vọng sức mua sẽ quay trở lại trước những triển vọng trong nhiều mảng được dự báo bởi World Bank. Như trong năm 2021, mặc dù cung tiền tăng trưởng nhanh nhưng lạm phát chỉ tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2021. Theo World Bank, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng từ 0,2% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 12 năm 2020 lên 2,4% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 6 năm 2021. Con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính sách 4% cho cả năm nay.
Hơn nữa, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng đã vượt qua tăng trưởng GDP danh nghĩa. Theo World Bank, tăng trưởng tín dụng tăng tốc trong nửa đầu năm từ mức khoảng 10 đến 12% trong tháng 12/2020, lên trên 15% cuối tháng 7/2021. Đồng thời, thanh khoản vẫn dồi dào trong hệ thống tài chính khi tổng tiền gửi tăng lên 16,4% trong tháng 4/2021, từ mức 14,0) trong tháng 12/2020.
Tín hiệu tích cực khác là về cán cân thương mại và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong bảy tháng đầu năm 2021 cao hơn 26,2% so với cùng kỳ năm 2020. Dù chịu tác động của đợt dịch thứ 4, nhưng GDP Việt Nam vẫn được dự báo tăng 4.6% năm 2021 và 6,5% trong năm 2021. Vậy nên, việc sức mua Việt Nam sẽ quay trở lại có thể là điều khả quan khi các hoạt động mở cửa lại bình thường.
Đặng Sơn