(Tổ Quốc) - Tác động của cuộc khủng hoảng Evergrande ở Trung Quốc đã vượt ra khỏi thị trường chứng khoán và vật liệu xây dựng, dự báo sẽ ảnh hưởng tới thị trường vàng không chỉ ngắn hạn mà cả sau này.
Tác động của cuộc khủng hoảng Evergrande ở Trung Quốc đã vượt ra khỏi thị trường chứng khoán và vật liệu xây dựng, Steve Hanke, Giáo sư kinh tế học ứng dụng của Đại học Johns Hopkins cho biết.
"Thị trường đang trong trạng thái hỗn loạn, chủ yếu là Trung Quốc và những gì đang diễn ra ở đó. Chúng ta thấy một trong những tập đoàn bất động sản lớn ở Trung Quốc đang sa sút, sắp phá sản và không ai thực sự biết tất cả các phân nhánh từ đó Evergrande đang ngập trong nợ nần. Vậy câu hỏi đặt ra là: Điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các chủ nợ và hệ thống phá sản ở Trung Quốc sẽ thực sự hoạt động như thế nào?" Giáo sư Hanke cho biết khi trả lời phỏng vấn của Kitco News.
Tuy nhiên, phân tích của ông Hanke về tác động của vụ Evergrande đối với thị trường vàng đi theo một hướng khác. Theo ông, sụp đổ của Evergrande sẽ đồng nghĩa với việc tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc.
"Nếu điều này có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Trung Quốc, thì đó sẽ là ảnh hưởng đến thị trường kim loại bởi vì Trung Quốc là nước có nhu cầu lớn, và nếu Trung Quốc giảm tốc, đồng nghĩa với nhu cầu đối với kim loại cơ bản sẽ chậm lại, và xu hướng giá tăng có thể sẽ không còn tiếp diễn như thời gian vừa qua", ông Hanke nói.
Mặc dù vậy, ngay lúc này đây, khi sự việc còn chưa sáng tỏ, vụ Evergrande vẫn đang có tác động thúc đẩy giá vàng tăng bởi nhà đầu tư có tâm lý bất an nên chuyển bớt tiền sang những tài sản an toàn như vàng.
Giới đầu tư đang suy đoán liệu Chính phủ Trung Quốc có giải cứu cho Evergrande hay không. Về khả năng này, công ty hàng đầu thế giới về xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp - S&P Global Ratings nhận định chính phủ Trung Quốc chỉ can thiệp nếu sự thất bại của Evergrande dẫn đến sự ảnh hưởng sâu rộng, đe dọa nền kinh tế quốc gia này. Có lẽ nhận định này khiến giới đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng của Evergrande có thể làm chao đảo thị trường tài chính và điều đó có lợi cho vàng.
Sau khi giảm 50 USD trong tuần trước, giá vàng đã tăng mạnh ngay khi bước sang tuần này do vụ việc Evergrande.
Một thông tin mới có lợi cho vàng, đó là nhu cầu đang tăng mạnh ở Ấn Độ - nước tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới.
Dữ liệu của Hải quan Thụy Sỹ cho biết, xuất khẩu vàng từ Thụy Sỹ - trung tâm tinh luyện và trung chuyển vàng của thế giới – sang Ấn Độ tháng 8 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng, đạt 116.442 tấn. Hy vọng, nhu cầu vàng ở Trung Quốc nếu sụt giảm do vụ Evergrande thì sẽ được bù đắp bởi nhu cầu tăng từ Ấn Độ.
Xuất khẩu vàng Thụy Sỹ sang Ấn Độ
Trong một động thái mới nhất, sáng 22/9, lúc 10h, công ty con chính của China Evergrande Group cho biết họ sẽ thực hiện một khoản thanh toán phiếu lãi (a coupon payment) cho khoản trái phiếu sẽ đáo hạn vào ngày 23/9, xoa dịu phần nào lo ngại của các thị trường về nguy cơ vỡ nợ ngay trong ngày mai của tập đoàn này.
Theo đó, Hengda Real Estate Group trong một tuyên bố cho biết họ sẽ thực hiện thanh toán phiếu lãi cho những trái phiếu giao dịch trên sàn Thâm Quyến kỳ hạn tháng 9/2025 vào đúng thời hạn phải thanh toán, là ngày 23/9. Theo dữ liệu của Refinitiv, khoản thanh toán phiếu lãi này của Hengda Real Estate trị giá 232 triệu nhân dân tệ (35,88 triệu USD).
Giá vàng thế giới sáng 22/9 đi ngang sau khi tăng ở 2 phiên liền trước. Nhà đầu tư chịu thêm tâm trạng lo sợ về "quả bom nợ hẹn giờ" China Evergrande khi mà vốn đã thấp thỏm từ nhiều ngày nay dõi theo cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trưa 22/9, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.775,63 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12 ở mức 1.776,30 USD.
Trong nước, giá vàng cuối buổi sáng 22/9 cũng có xu hướng tăng. Theo đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,5 - 57,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua (22/9). Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC giao ở mức 56,55 - 57,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và không đổi ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Trong khi đó, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng ở mức 56,7 - 57,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên giá ở chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch hôm qua.
Cuộc họp kéo dài hai ngày của Fed sẽ kết thúc trong hôm nay, và đây mới chính là điều tác động tới giá vàng hiện tại cũng như lâu dài, bởi các quan chức Fed có thể sẽ công bố thông tin về lộ trình cắt giảm các chương trình kích thích kinh tế.
Nhiều nhà phân tích nhận định trong năm 2021, Fed chưa giảm dần việc bơm tiền ra thị trường mỗi tháng 120 tỉ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những khó khăn do Covid-19. Nhận định này khiến cho nhiều người hạn chế việc nắm giữ USD.
Vàng vốn được coi là "rào cản" chống lại lạm phát và tiền tệ mất giá trong bối cảnh các ngân hàng trung ương kích thích kinh tế rộng rãi. Do đó, nếu Fed có động thái "diều hâu" sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng, bởi việc tăng lãi suất sẽ khiến cho vàng bị lu mờ vì vàng vốn không mang lại lãi suất.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hôm qua đã nâng mức dự báo về lạm phát của gần như tất cả các nước Nhóm G7 từ nay đến cuối năm 2021 và năm 2022.
Theo OECDt: "Rủi ro lạm phát trong ngắn hạn đang tăng lên, đặc biệt khi nhu cầu của tiêu dùng bị dồn nén quá nhiều, hoặc nếu tình trạng thiếu cung phải mất nhiều thời gian để khắc phục", và "Chính sách tiền tệ phù hợp nên được duy trì, nhưng cần có đường hướng rõ ràng về kế hoạch cho tương lai".
OECD kiến lạm phát của Mỹ sẽ duy trì trên 3% trong suốt năm tới. "Lạm phát dự kiến sẽ ở mức cao hơn tỷ lệ trung bình của thời gian trước đại dịch", OECD cho biết. "Đây là điều đáng hoan nghênh sau nhiều năm lạm phát dưới mục tiêu, nhưng điều đó cũng tiềm ẩn những rủi ro."
Đối với Fed, điều này có nghĩa là họ phải hết sức thận trọng khi đề cập đến thời điểm và mức độ mua tài sản tối ưu - hiện nay là 120 tỷ đô la mỗi tháng.
Tham khảo: Refinitiv, Kitco
Vũ Ngọc Diệp